Một bạn trẻ Việt đề xuất “chiến lược” ứng phó Trung Quốc
Mục tiêu chính của chiến lược: gia tăng chi phí cho mọi hành động gây căng thẳng của Trung Quốc và gửi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh. Điều đầu tiên: đòn trả đũa phải được thực hiện tức thời.
HỘI THẢO BIỂN ĐÔNG Ở ĐẠI HỌC HARVARD (MỸ):
Một bạn trẻ Việt đề xuất “chiến lược” ứng phó Trung Quốc
Mục tiêu chính của chiến lược: gia tăng chi phí cho mọi hành động gây căng thẳng của Trung Quốc và gửi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh. Điều đầu tiên: đòn trả đũa phải được thực hiện tức thời.
Lính thuỷ đánh bộ Philippines trong cuộc tập trận với binh sĩ Mỹ. Cuộc tập trận Vai kề vai quy mô lớn đang diễn ra tại Philippines khiến Trung Quốc quan ngại về sự phối hợp gắn bó giữa binh sĩ Mỹ và Philippines – Ảnh: Marine Corps |
Hội thảo “Quân sự hóa Biển Đông và những hệ quả” tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ) tập trung vào xu hướng quân sự hóa ở Biển Đông thời gian gần đây từ nhiều góc độ, bao gồm cả chiến lược quân sự lẫn luật pháp quốc tế..
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều học giả uy tín. Trong bài thuyết trình mở màn, chuyên gia về Biển Đông đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Gregory Poling đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh ở Biển Đông thời điểm hiện tại.
Ông phân tích cán cân quyền lực hiện nay ở Biển Đông và chỉ ra rằng hiện Trung Quốc đang là bên nắm ưu thế vượt trội so với các nước còn lại. Do đó răn đe Trung Quốc thông qua việc tạo dựng thế cân bằng quyền lực ở Biển Đông là không khả thi.
Quan điểm “ông lớn thoả hiệp” bị phản ứng
So sánh với các phân tích pháp lý tương đối tạo đồng thuận thì những nhận định chiến lược có nhiều lệch pha hơn. Phó giáo sư Lyle Goldstein (Học viện Hải quân Hoa Kỳ) – một tiếng nói nổi tiếng nhưng gây nhiều tranh cãi tại Mỹ – có một cái nhìn tương đối thận trọng về mối quan hệ tay ba Trung – Mỹ – Việt.
Quan ngại chính là khả năng xung đột vũ trang xảy ra ở Biển Đông không hề nhỏ.
Là một chiến lược gia đồng thời là một chuyên gia về Trung Quốc, ông Goldstein viện dẫn nhiều bài viết phân tích tiếng Trung và cho thấy rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng lên và tiếng nói “diều hâu” đang ngày càng mạnh mẽ hơn ở Bắc Kinh. Thậm chí có bài viết còn nói đến viễn cảnh một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ, điều làm giới chiến lược cảm thấy “rất bất an”.
Do đó, theo ông Goldstein, thay vì tìm cách leo thang, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cần bắt tay và bước vào đàm phán thực chất để tìm cách tháo kíp nổ tại Biển Đông cũng như giải quyết các vấn đề lớn khác trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Xu hướng “cường quốc thỏa hiệp” – theo tác giả – là cách tiếp cận cần thiết để giảm nhiệt tranh chấp trong thời gian hiện nay.
Quan điểm “cường quốc thỏa hiệp” không có nhiều sự đồng thuận từ các diễn giả khác.
Ông Harry Kazianis từ Heritage Foundation, nguyên tổng biên tập tạp chíThe National Interest, đã làm nóng khán phòng khi cho rằng tuy chính quyền Obama tuyên bố “xoay trục về châu Á” nhưng trên thực tế những hành động thực chất để thực thi chiến lược này còn hạn chế, do Mỹ liên tiếp vấp phải nhiều cuộc khủng hoảng bất ngờ như việc Nga sáp nhập Crimea, cuộc khủng hoảng ở Syria cùng với sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mặc dù vậy, ông Kazianis cho rằng Mỹ vẫn cần ưu tiên châu Á trong bối cảnh Trung Quốc đang cư xử ngày càng quyết đoán và cứng rắn hơn trong tranh chấp Biển Đông.
Chuyên gia này đề xuất một chiến lược mới cho Mỹ với trọng tâm là “bêu xấu” Trung Quốc công khai để cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế cho các bên còn lại trong tranh chấp Biển Đông.
Chuyên gia Kazianis cho rằng hơn bao giờ hết, ít nhất Mỹ cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc và thể hiện rằng Washington sẵn sàng “suy xét lại” mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Những phép thử mới
Không những Washington cần “suy xét lại”, mà tất cả các nước có liên quan tới tranh chấp Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines… cũng cần một cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh một hệ thống các khả năng “trừng phạt” nếu Bắc Kinh tiếp tục chính sách bành trướng và bất chấp luật pháp quốc tế.
Đó là quan điểm chính của nghiên cứu sinh Ngô Di Lân (Đại học Brandeis, Mỹ). Nghiên cứu sinh Lân lập luận rằng các nước có lợi ích tại Biển Đông này cần một chiến lược “Phản ứng linh hoạt” ứng phó sự hung hăng của Trung Quốc.
Chiến lược này có 4 đặc điểm chính là: tức thời (trong phản ứng), độc lập (trong hành động), chọn lọc (trong cách tiếp cận) và cân đối (trong các lợi ích song hành khác).
Mục tiêu chính của chiến lược này là gia tăng chi phí cho mọi hành động gây căng thẳng của Trung Quốc và gửi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh, để thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc thay đổi tính toán chiến lược.
Đầu tiên, đòn trả đũa phải được thực hiện tức thời để Bắc Kinh thấy rằng họ sẽ phải trả giá cho mọi hành động gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời vô hiệu hoá ngay lập tức những hành động nhằm thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông.
Ví dụ nếu Trung Quốc triển khai tên lửa SAM lên các đảo có tranh chấp, Mỹ nên lập tức trang bị các hệ thống vũ khí được thiết kế nhằm vô hiệu hoá các tên lửa SAM của Trung Quốc cho các nước nhỏ hơn.
Thứ hai, đòn trả đũa phải độc lập, có nghĩa nó phải là một hành động cụ thể và riêng lẻ để có thể thực hiện được ngay. Ví dụ cụ thể là sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) vào cuối năm 2013 ở biển Hoa Đông, Mỹ ngay lập tức điều hai máy bay B-52 bay qua khu vực đó, bất chấp mọi lời cảnh báo của Trung Quốc.
Thứ ba, đòn trả đũa phải được thực hiện có chọn lọc. Thay vì thực thi các lệnh trừng phạt dàn trải thì các nước nên nhắm đúng vào các công ty hay các cá nhân có liên quan trực tiếp tới những hành động gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, như trừng phạt các công ty dầu khí của Trung Quốc hay áp đặt lệnh cấm visa lên các cá nhân trực tiếp ra quyết định điều vũ khí lên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông.
Cuối cùng, sức mạnh của đòn trả đũa phải cân đối, có nghĩa là Trung Quốc làm gì thì các nước nên phản ứng ở mức tương tự. Nếu có thể phản ứng với mức độ cân đối, tương tự như mức của Trung Quốc thì sẽ kiểm soát được tình hình và giảm thiểu rủi ro leo thang ngoài ý muốn.
Ông Donald Trump cảnh báo Trung Quốc Trong bài phỏng vấn thể hiện rõ các quan điểm đối ngoại, ứng viên tổng thống phe Cộng hoà Donald Trump chỉ trích Trung Quốc đang hành động phi pháp trên Biển Đông như thể không ai biết gì. “Họ sẽ còn đi vào Biển Đông và xây dựng một pháo đài quân sự như thể cả thế giới không thấy gì. Họ cố tình làm vậy vì họ không tôn trọng tổng thống của chúng ta, không tôn trọng đất nước của chúng ta” – ông Trump nói trong bài phỏng vấn với New York Times. “Chúng ta có sức mạnh kinh tế lớn khủng khiếp so với Trung Quốc. Đó là sức mạnh thương mại. Tôi sẽ dùng thương mại để đàm phán (vấn đề Biển Đông)” – ông Trump trả lời khi được hỏi về cách ông sẽ sử dụng để ngăn thái độ hung hăng của Bắc Kinh. Theo giới phân tích, ông Trump đề cập đến quy mô xây dựng và thái độ hung hăng chưa từng thấy của Trung Quốc. Ông Larry Wortzel, thành viên Hội đồng đánh giá an ninh, kinh tế Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ, cũng cho rằng việc xây dựng phi pháp của Trung Quốc thời gian gần đây vượt trội về năng lực kỹ thuật, quy mô và tính hiện đại. |