26/12/2024

ĐH xuất sắc VN đang ở đâu?

Còn vài năm nữa là tới 2020 nhưng mơ ước có một ĐH đẳng cấp quốc tế vẫn mông lung khi mà ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội được thành lập nhằm đáp ứng mục tiêu này vẫn chưa bứt lên được …

 

ĐH xuất sắc VN đang ở đâu?

Còn vài năm nữa là tới 2020 nhưng mơ ước có một ĐH đẳng cấp quốc tế vẫn mông lung khi mà ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội được thành lập nhằm đáp ứng mục tiêu này vẫn chưa bứt lên được, ngay cả khi so sánh với các trường ĐH trong nước, dẫn đến việc mới đây Chính phủ đã phải chuyển cơ quan chủ quản của 2 ĐH này.

 

 

 

 

 

 

 

 

Sinh viên ĐH Việt - Đức giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học của trường 
- Ảnh: Hà Ánh

 

 

Sinh viên ĐH Việt – Đức giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học của trường – Ảnh: Hà Ánh

 

 

Không như kỳ vọng
 
 
ĐH xuất sắc VN đang ở đâu? - ảnh 1
Vị trí các ĐH này đang ở đâu trên thế giới thì 
còn mơ hồ nhưng so sánh với trong nước thì họ vẫn chưa bằng được các trường tốp đầu
ĐH xuất sắc VN đang ở đâu? - ảnh 2
 
GS BÀNH TIẾN LONG
 

Với mục tiêu năm 2020 VN có ĐH đẳng cấp quốc tế, thậm chí có ít nhất 1 ĐH lọt vào tốp 200 trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới, Chính phủ đã triển khai việc xây dựng mới các ĐH xuất sắc theo phương thức hợp tác với các đối tác chiến lược. ĐH đầu tiên đi vào hoạt động là Việt – Đức, sau đó đến ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (còn gọi là ĐH Việt – Pháp). Cả hai đều có bộ chủ quản là Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, sau 7 – 8 năm hoạt động, các ĐH này vẫn chỉ là những chấm mờ nhạt trong hệ thống giáo dục ĐH VN. Hiện cả hai ĐH chưa xây được trụ sở riêng dù đã có đất. Việc tuyển sinh khá chật vật, với chất lượng đầu vào được xem là thấp hơn rất nhiều các trường ĐH công lập có bề dày truyền thống trong nước. Là một ĐH “quốc tế”, nhưng số lượng sinh viên quốc tế đang học rất ít, như ĐH Việt – Đức chỉ có 18 sinh viên, chủ yếu đến từ các nước châu Á.
Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các ĐH này cũng chưa đáng kể so với một số trường ĐH lớn trong nước. Dù có hiệu trưởng người nước ngoài nhưng giảng viên nước ngoài phần lớn đều thỉnh giảng, trong khi giảng viên người Việt vừa ít vừa thiếu học hàm. Theo số liệu mới nhất mà Bộ GD-ĐT cho biết, cả hai ĐH này đều chưa có giảng viên cơ hữu người Việt là giáo sư. Sau nhiều năm thành lập, ĐH Việt – Pháp không có thống kê nào về nghiên cứu khoa học còn Việt – Đức có tổng cộng 19 bài báo trên các tạp chí bình duyệt quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết “điểm sáng” đáng kể nhất của 2 ĐH này là tỷ lệ sinh viên học xong có việc làm ngay hoặc học tiếp lên ở nước ngoài tương đối cao. Tuy nhiên, theo GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dẫu có muốn ghi nhận sự cố gắng của các trường thì cũng phải thấy rằng nếu chỉ là mười mấy bài báo quốc tế trong 7 – 8 năm hoặc SV ra trường đảm bảo chất lượng, dễ tìm việc làm… thì nhiều trường ĐH khác ở trong nước cũng làm được, thậm chí còn làm tốt hơn. “Các ĐH này đang ở trong giai đoạn đầu nên vị trí của họ đang ở đâu trên thế giới thì còn mơ hồ, nhưng so sánh với trong nước thì họ vẫn chưa bằng được các trường tốp đầu”, GS Bành Tiến Long nhận xét.
Chưa thành công vì… khác biệt
Vì sao ĐH Việt – Đức nhận được khá nhiều ưu đãi từ Chính phủ nhưng lại không phát triển được như kỳ vọng?
Một lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng mô hình này không phát triển như mong muốn là do… quan điểm khác nhau. Chẳng hạn Việt – Đức đặt ở quá xa trung tâm mà trong điều kiện của VN hiện nay người giỏi không muốn di chuyển quá xa để làm việc. Dù Việt – Đức có chế độ rất tốt, ví dụ một người giỏi về làm việc mức lương có thể gấp 3 lần trường khác, thế nhưng vẫn không đủ sức hấp dẫn. Đến lúc này Việt -Đức chỉ mới tuyển được 14 giảng viên người Việt. Dù có rất nhiều nỗ lực nhưng dự án xây dựng của Việt – Đức với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới cũng đang bị liệt vào “danh sách đỏ”. Một vấn đề nữa là sự khác biệt văn hóa giữa người Việt và người Đức nên giảng viên hai bên làm việc không quen do quan điểm quá khác nhau.
Vị lãnh đạo này còn cho biết sứ mệnh của Việt – Đức là trở thành một ĐH nghiên cứu, tuy nhiên quan niệm về mô hình ĐH này giữa VN và Đức mỗi nơi hiểu khác nhau. Vị lãnh đạo này cho biết theo hiệu trưởng của ĐH Việt – Đức, để trở thành một ĐH nghiên cứu thì cần 300 triệu USD/năm, nhưng thực tế cả ĐH Quốc gia TP.HCM trong 10 năm cũng không có đủ con số này.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng ĐH Việt – Đức, cũng thừa nhận: “Đến thời điểm này có thể Việt – Đức chưa đáp ứng được những điều so với mục tiêu ban đầu đặt ra, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực tại chỗ”. Ông Viên cũng cho rằng mô hình ĐH này đi đúng hướng, nếu được đầu tư về cơ chế, chính sách, tài chính và con người thì trong tương lai sẽ phát triển.
Ông Viên cho biết tốc độ tuyển dụng cán bộ giảng dạy tại chỗ của Việt – Đức chậm so với mục tiêu ban đầu. Theo lộ trình, cứ sau 6 năm mỗi chương trình phải tuyển dụng cán bộ giảng dạy tại chỗ đảm bảo 80%, 20% do Đức cử sang. Tuy nhiên đến thời điểm này có những chương trình chưa tuyển đủ cán bộ theo lộ trình này. Ông Viên cho rằng cái khó nằm ở tiêu chuẩn tuyển dụng. “Điều này có sự khác biệt giữa VN và Đức. Ở VN tuyển dụng cán bộ từ những người học tại trường, cho đi học lên để trở lại làm việc cho trường. Nhưng ở Đức, khi thiếu vị trí nào đó họ sẽ thông báo và tuyển người từ bên ngoài vào, không tuyển người từng tốt nghiệp tiến sĩ tại trường”.
Ngoài ra, sự khác biệt trong cơ chế hoạt động cũng là yếu tố khiến mô hình ĐH xuất sắc kiểu Việt – Đức, Việt – Pháp không thành công. Ông Viên cho biết, theo phía Đức, tự chủ tài chính là dựa trên kế hoạch hoạt động của ĐH, chính phủ sẽ cấp khoản ngân sách, từ đó trường sử dụng. Còn ở VN tự chủ tài chính hướng đến tự thu và tự chi. Theo ông Viên, nhà trường cũng có vài lần làm văn bản kiến nghị với Chính phủ cho phép có cơ chế tự chủ tài chính linh hoạt và mở rộng hơn.
Mô hình “3 bên”
Theo kết luận của Chính phủ ngày 4.3, ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (ĐH Việt – Pháp) thay đổi cơ quan chủ quản. Theo đó, hai ĐH này chuyển từ cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT sang ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐH Việt – Đức) và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN (ĐH Việt – Pháp).
Trong kết luận này, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan chủ quản mới của hai trường ĐH này thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng (kể cả dự án đầu tư xây dựng) trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.
Đề án xây dựng các trường ĐH mô hình mới là một trong nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008 – 2020. Theo đó, sẽ có các trường ĐH công lập đẳng cấp quốc tế được xây dựng với đầu vào là những học sinh xuất sắc của VN và nước ngoài. Đây là những trường được xây dựng theo mô hình 3 bên: Chính phủ VN, chính phủ đối tác và đơn vị tài trợ. ĐH Việt – Đức được thành lập đầu tiên năm 2008 dựa trên sự hợp tác giữa Chính phủ VN với CHLB Đức và Ngân hàng Thế giới. ĐH Việt – Pháp thành lập năm 2009 dựa trên hợp tác Chính phủ VN, chính phủ Pháp và Ngân hàng Phát triển châu Á. Năm 2014, ĐH Việt – Nhật được thành lập với đơn vị chủ quản là ĐH Quốc gia Hà Nội.
Xuất sắc mà “ba không”
Theo GS Bành Tiến Long, cách hiểu phổ quát trên thế giới về ĐH xuất sắc hiện nay gồm có 3 tiêu chí: phải là nơi tập trung được tài năng, phải có nguồn lực dồi dào, cơ chế quản trị phù hợp. “Xét cả ba tiêu chí trên thì ĐH Việt – Đức và Việt – Pháp chưa đạt được tiêu chí nào”, GS Long nói.     
Dù được cấp đất và dù Bộ GD-ĐT có hẳn một ban quản lý dự án xây dựng nhưng tiến độ xây trường của 2 ĐH trên rất ì ạch. Chính phủ cũng đã dành khá nhiều ưu ái khi cho 2 ĐH này một cơ chế tài chính đặc thù nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn nhiều vướng mắc, thành ra việc thu hút người giỏi về làm việc còn khó khăn. “Có lần ĐH Việt – Pháp đề xuất một mức lương cao cho một cán bộ lãnh đạo trường người Việt nhưng Bộ Tài chính không đồng ý”, một cán bộ Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết.
Theo một đại diện Bộ GD-ĐT, kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp GD-ĐT năm 2016 của ĐH Việt – Đức là 46,64 tỉ đồng, Việt – Pháp là 30,36 tỉ đồng. Bình quân đầu tư từ ngân sách nhà nước là khoảng 3.000 USD/nghiên cứu sinh và 2.500 USD/sinh viên. Ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan), nhận xét: “Con số này thua xa mức trung bình ở hầu hết ĐH đẳng cấp quốc tế (khoảng 20.000 – 30.000 USD/sinh viên/năm) của thế giới”.


(Còn tiếp)

Quý Hiên – Hà Ánh – Nhiên An