24/01/2025

Đề xuất thành lập Thông tấn xã ASEAN

Một thông tấn xã chung cho cả khu vực là đề xuất táo bạo nhằm tăng cường hơn nữa quá trình thống nhất sâu rộng trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN.

 

Đề xuất thành lập Thông tấn xã ASEAN

 

Một thông tấn xã chung cho cả khu vực là đề xuất táo bạo nhằm tăng cường hơn nữa quá trình thống nhất sâu rộng trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN.





Nghi thức khai mạc hội nghị ngày 5.4 - Ảnh: Sơn Duân

 

Nghi thức khai mạc hội nghị ngày 5.4 – Ảnh: Sơn Duân


Ngày 5.4, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã khai mạc Hội nghị biên tập viên ASEAN, quy tụ hơn 100 đại biểu từ 10 nước ASEAN, bao gồm đại diện của các cơ quan thông tấn, báo in, báo điện tử và các trang tin. Sự kiện này do Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia, Thông tấn xã quốc gia Malaysia BERNAMA phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức.
Trong phiên khai mạc, Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện nước chủ nhà Salleh Said Keruak đưa ra đề xuất thành lập thông tấn xã chung cho cả khối và đề nghị thảo luận về vấn đề này trong 2 ngày hội nghị. Theo ông, một thông tấn xã của khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực.
“Tôi tin rằng đã đến lúc thành lập Thông tấn xã ASEAN. Hầu hết trong số 10 thành viên của khối đã có thông tấn xã riêng. Một số, như BERNAMA của Malaysia, đã tồn tại trong 48 năm. Với việc Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực, chậm nhưng chắc, Thông tấn xã ASEAN mà tôi đề xuất ở đây có thể đóng vai trò có ý nghĩa trong việc tăng cường hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực”, ông Salleh nói.
Bộ trưởng đề xuất thêm là Ban Thư ký ASEAN có thể nghiên cứu xây dựng sự đồng thuận giữa các nước thành viên và quyết định xem nước nào sẽ là nơi đặt trụ sở của Thông tấn xã ASEAN.
“Dĩ nhiên, cũng cần nghiên cứu những vấn đề như phương thức hoạt động và tài chính”, ông nói, đồng thời gợi ý mỗi thông tấn xã quốc gia có thể đóng góp các biên tập viên và nhà báo cấp cao cho thông tấn xã chung.
“Vạch ra những chi tiết cụ thể hơn sẽ là một thách thức cho các thông tấn xã tham gia nhưng tôi tin rằng đó là điều khả thi”, ông Salleh chia sẻ.
Cũng với tinh thần đó, trong phần thảo luận tại hội nghị, chuyên gia Oh Ei Sun thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đề xuất các tổ chức truyền thông khu vực có thể nghiên cứu thành lập một liên hiệp (syndicate) các cây bút bình luận tương tự tổ chức truyền thông quốc tế nổi tiếng Project Syndicate để tập hợp, chia sẻ các bài bình luận, góc nhìn về những vấn đề trong khu vực.
Theo Tổng giám đốc BERNAMA Zulkefli Salleh, rất cần thiết phải phối hợp thông tin trong ASEAN. Ông cho biết khu vực hiện có khoảng 1.500 tổ chức truyền thông. Tuy nhiên, bất chấp việc ASEAN trong 48 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, sự hợp tác của giới truyền thông thực tế không bắt kịp tiến trình hội nhập khu vực.
Hiện nay, gần như mọi quốc gia trong khối đều đối mặt với nhiều vấn đề xuyên biên giới liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia. Ông Zulkefli nhận định các vấn đề này nên được tường thuật một cách “khôn ngoan và minh bạch” để không làm phức tạp thêm các xung đột. Cách thức đưa tin của truyền thông khu vực cũng có thể đóng vai trò quyết định đối với việc dàn xếp các vấn đề nói trên.
“Đáng tiếc là các tổ chức truyền thông ASEAN trông cậy nhiều vào các nguồn quốc tế để đưa tin về những gì xảy ra ở các nước láng giềng”, ông Zulkefli nói. Góc nhìn của báo chí bên ngoài đôi khi không phản ánh đúng lợi ích tốt đẹp nhất của một quốc gia hoặc khu vực trong khi không có nhiều tổ chức truyền thông ASEAN có phóng viên thường trú tại các thành viên khác của khối.
Chính vì thế, cần phải gầy dựng quan hệ mạnh mẽ giữa các tổ chức truyền thông để duy trì hòa bình, hài hoà cho khu vực và Hội nghị biên tập viên ASEAN được tổ chức với tinh thần thúc đẩy kết nối và chia sẻ.

Sơn Duân 
(từ Kuala Lumpur)