26/01/2025

Câu chuyện giáo dục: Sao phát triển nếu cứ trói buộc !

Một giảng viên gần 20 năm trong nghề cho biết sự nhiệt tình, háo hức học hỏi, đam mê học tập của sinh viên vơi dần từ năm nhất đến năm cuối. Chỉ cần bước sang năm thứ hai, đa phần sinh viên đã không còn hồ hởi.

 

Câu chuyện giáo dục: Sao phát triển nếu cứ trói buộc !

 

 

Một giảng viên gần 20 năm trong nghề cho biết sự nhiệt tình, háo hức học hỏi, đam mê học tập của sinh viên vơi dần từ năm nhất đến năm cuối. Chỉ cần bước sang năm thứ hai, đa phần sinh viên đã không còn hồ hởi.




Trong các buổi tư vấn, nhìn ánh mắt trong sáng, rạng ngời niềm tin của các học sinh lớp 12 đang chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, tôi vẫn thầm mong ánh sáng này sẽ không vội tắt khi họ trở thành sinh viên.
Từ câu chuyện cụ thể qua các buổi tư vấn, chương trình đào tạo ở các trường ĐH và chia sẻ của nhiều giảng viên, có thể nhận thấy giáo dục ĐH của VN hiện tại còn nhiều bất cập, thiếu thực tiễn, chưa đáp ứng được mong mỏi và lôi cuốn được người học.
Một giảng viên gần 20 năm trong nghề cho biết sự nhiệt tình, háo hức học hỏi, đam mê học tập của sinh viên vơi dần từ năm nhất đến năm cuối. Chỉ cần bước sang năm thứ hai, đa phần sinh viên đã không còn hồ hởi.
Ba năm trước, tôi nhận được thư điện tử của một học sinh ở Quảng Nam sung sướng báo tin em trúng tuyển vào trường và ngành học mình yêu thích. Tôi nhớ đến cô học sinh nhỏ nhắn nhưng lanh lợi, chạy vội theo đoàn tư vấn chỉ để kịp nhét vội vào tay tôi một mẩu giấy học trò với nét chữ mực tím thật đẹp những lời cảm ơn vì đã mang đến cho em và các bạn một động lực vào ĐH. Nhưng một thời gian ngắn sau tôi liên tục nhận thư của em với những lời than vãn và hoài nghi những gì mình đang chọn, thậm chí có lúc em muốn bỏ học.
Năm trước, sau khi kết thúc một buổi tư vấn trực tuyến, một thí sinh hỏi tôi: “Em đang học trường ĐH N., em muốn thi lại một trường khác. Chị thấy trường nào đào tạo tốt?”. Tôi ngạc nhiên vì nếu theo khối ngành mà sinh viên này đang học thì trường N. là một lựa chọn tốt rồi. Tuy nhiên, người này cho biết thất vọng vì chương trình học chán quá, không mang tính thực tiễn và không như mong đợi. Tôi đành gợi ý cho thí sinh một vài lựa chọn khác như trường N.T hay K. Thí sinh này lại nói: “Em cũng tham khảo rồi. Cũng vậy thôi chị ơi!” rồi đặt thẳng vấn đề muốn tìm hiểu các chương trình quốc tế hay liên kết của các trường ĐH có yếu tố nước ngoài vì mong muốn được học những gì cần thiết!
Nhìn vào chương trình đào tạo của các trường ĐH trong nước (do VN cấp bằng), liên kết quốc tế (do nước ngoài hoặc VN và nước liên kết cấp), trường quốc tế (nước ngoài cấp bằng hoàn toàn) sẽ thấy sự khác biệt căn bản. Nếu trường quốc tế ngay từ đầu và chỉ tập trung vào những môn học cần thiết cho ngành nghề đào tạo thì sinh viên các trường ĐH VN phải lăn lộn với vô số các môn không liên quan mật thiết đến ngành học. Theo các chương trình liên kết, tùy yêu cầu đối tác, các trường sẽ điều chỉnh, thay đổi những môn học không liên quan. Bằng cấp nước ngoài vốn đã trội hơn bằng cấp trong nước, chương trình đào tạo lại thiết thực và hấp dẫn hơn hỏi sao sinh viên của họ ra trường có nhiều lợi thế hơn. Và đó cũng là lý do nhiều phụ huynh khi không đủ điều kiện/chưa muốn con du học sẽ lựa chọn chương trình quốc tế hoặc liên kết chỉ với một nhu cầu thực học – nghĩa là người học được học đúng những gì cuộc sống đòi hỏi, yêu cầu.
Chỉ một chuyện đơn giản là chương trình đào tạo nhưng thấy rõ sự tự chủ trong hệ thống giáo dục là một câu chuyện dài.
Tháng 3 vừa rồi vấn đề tự chủ một lần nữa được đặt ra trong hội nghị đánh giá kết quả một năm thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH công lập có đề án tự chủ. Trong thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 31.3, có những vấn đề đặt ra như Bộ GD-ĐT điều chỉnh, bổ sung các quy định đảm bảo quyền tự chủ về chuyên môn, học thuật; các bộ giảm sự can thiệp mang tính chủ quản đối với các trường được giao tự chủ…
Lộ trình đã có nhưng đường đi vẫn còn gập ghềnh, nhiều ràng buộc. Trong khi có nhiều điều cần điều kiện để thay đổi thì việc để các trường chủ động trong thiết kế chương trình đào tạo theo triết lý, đường hướng phát triển của mình chẳng hạn là việc có thể làm trong khả năng. Vậy tại sao các trường hay xa hơn là Bộ GD-ĐT lại tự trói buộc mình để hạn chế sự phát triển?
Tự chủ học thuật trong hệ thống giáo dục ĐH đôi khi chỉ từ những điều căn bản, giúp người dạy và người học nhận ra giá trị mà mình đang theo đuổi.

 

Nhiên An