24/01/2025

Học sinh giỏi cũng… xin điểm

Để đủ điều kiện đi thi học sinh giỏi, tạo ra một học bạ đẹp thuận lợi khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhiều giáo viên mạnh tay cho điểm khống, xin điểm cho học sinh.

 

Học sinh giỏi cũng… xin điểm

 

Để đủ điều kiện đi thi học sinh giỏi, tạo ra một học bạ đẹp thuận lợi khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhiều giáo viên mạnh tay cho điểm khống, xin điểm cho học sinh. 





 

Sự can thiệp điểm của giáo viên khiến nhiều học sinh có khuynh hướng học lệch (ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ) – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Điều này làm cho học sinh vốn học lệch ngày càng lệch hơn.

Vừa qua, Ban Giám hiệu Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) tự ý cho gần 40 học sinh (HS) điểm 10 tất cả các môn mà không phải thi với lý do thi HS giỏi trùng với lịch thi giữa học kỳ 2. Trên thực tế, những việc tương tự như vậy không hiếm.
“Can thiệp” càng sớm càng tốt
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh tham dự các kỳ thi chọn HS giỏi phải đáp ứng các điều kiện xếp loại hạnh kiểm và học lực từ khá trở lên theo kết quả cuối học kỳ liền kề với kỳ thi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc HS học đều tất cả các môn là rất khó thực hiện.
Còn bà N.T.H, giáo viên Trường THPT Hồ Xuân Hương (Vĩnh Phúc), cũng xác nhận: “Thường thì HS giỏi những môn tự nhiên thường học kém ở những môn xã hội và ngược lại. Chính vì thế khi chọn HS đi thi HS giỏi môn của mình đồng nghĩa với việc giáo viên đó phải “lo” cho em đó đạt khá ở các môn còn lại để… đủ điều kiện đi thi”.
Bà H. cũng cho rằng hiện tượng này thường xảy ra ở các lớp đại trà do danh sách thi HS giỏi không có trước, mà giáo viên bộ môn thấy em nào học nhỉnh hơn sẽ chọn.
Dù quy định tham dự kỳ thi HS giỏi không phải đạt giỏi nhưng để làm đẹp thành tích, giáo viên chủ nhiệm thường can thiệp sớm ngay từ đầu năm học. Cụ thể, HS có tên trong danh sách đội tuyển thì giáo viên phụ trách bộ môn phải đảm bảo chắc chắn điểm số phải đạt loại giỏi, thấp nhất là 8; đồng thời cũng cung cấp danh sách HS cho giáo viên chủ nhiệm nhờ các giáo viên bộ môn khác nâng điểm ngay từ đầu học kỳ. “Cụ thể là qua các bài kiểm tra viết 1 tiết, 15 phút. Ví như được 5 điểm thì cho lên thành 6, 7, 8. Ngoài ra sau khi kỳ thi kết thúc, nếu HS đoạt giải thì giáo viên sẽ tiếp tục xin điều chỉnh điểm số để tương xứng với giải thưởng đạt được”, một giáo viên tại Trường T.V, Q.1, TP.HCM cho biết.
N.T.T.D (Trường THPT L.X, Vĩnh Phúc) cho biết: “Học kỳ trước điểm tổng kết của em được 7,3 nhưng không được khá do môn tiếng Anh chỉ được 4,8. Sang học kỳ 2, cô giáo mới về phụ trách môn văn lớp em thấy điểm văn của em cao (8,7), cô nói văn em viết chắc ý nên bổ sung vào danh sách đi thi HS giỏi. Nhưng khi xét điều kiện thì em không được HS khá (có một môn điểm trung bình dưới 5) nên không đủ điều kiện đi thi. Cũng vì việc này mà cô giáo dạy văn phải đi năn nỉ cô dạy tiếng Anh sửa điểm cho em”.
C.T.H.N, Trường THPT H.V, TP.HCM, nằm trong đội tuyển thi HS giỏi môn tiếng Anh. Học kỳ 1 điểm tổng kết của N. đạt trên 7,8. Sau khi tham gia kỳ thi HS giỏi đoạt giải ba, giáo viên chủ nhiệm của N. chủ động đi xin một số giáo viên bộ môn nâng điểm để N. đạt HS giỏi.
Không chỉ nâng điểm cho HS đi thi HS giỏi mà một số trường tư thục hiện nay còn mạnh dạn hứa với phụ huynh là đảm bảo học ở trường thì sẽ đậu ĐH. “Sở dĩ những trường này mạnh miệng là do cầm trong tay cuốn học bạ. Một số trường ĐH xét tuyển bằng học bạ thì lúc này trường THPT chủ động hoàn toàn trong việc HS đậu hoặc trượt. Chính vì thế họ hứa hẹn cho điểm để làm đẹp học bạ, đảm bảo đậu mà không phải vất vả học tập”, ông T.V.K.N, hiệu trưởng một trường tư thục ở TP.HCM cho biết.
Không thể vào ĐH nếu không tuyển thẳng !
Do quá tập trung vào thi HS giỏi và được giáo viên tiếp tay nâng điểm nên kiến thức toàn diện của một số HS giỏi bị hổng nghiêm trọng. Lúc này cửa an toàn nhất để những HS này vào được ĐH là đầu tư toàn bộ tâm sức đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia.
Tiếp xúc với D.C.N.P, một HS được tuyển thẳng vào một trường ĐH của TP.HCM, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe P. tâm sự: “Em chỉ học được môn văn thôi còn mấy môn khác thì kém lắm. Ba em là giáo viên dạy văn từ nhỏ, dạy em viết văn, làm thơ nên môn này em học khá tốt. Em cũng thường xuyên được tham gia các cuộc thi viết văn, viết sách, tham dự những cuộc thi văn”.
P. cho biết thêm: “Gia đình cũng định hướng là em thi khối C nên em cũng hơi chủ quan không quan tâm nhiều tới các môn này. Sau này khi muốn học lại thì thấy hổng nhiều kiến thức nên rất nản”. P. cũng thừa nhận: “Nếu không được tuyển thẳng em cũng không biết sẽ vào ĐH bằng… đường nào”.
Nên có lớp bổ trợ kiến thức
Bà Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu tham gia các kỳ thi HS giỏi là có thật. Để tập trung vào các kỳ thi này, các HS phải nỗ lực rất nhiều. Chính vì thế không thể đảm bảo được lượng kiến thức toàn diện. Bởi vậy sau khi kết thúc các kỳ thi HS giỏi, giáo viên có trách nhiệm bồi đắp kiến thức hổng. “Nhiều năm nay trường tôi vẫn tổ chức các lớp bổ trợ kiến thức, lập những nhóm nhỏ để bồi dưỡng kiến thức hổng sau thi nếu HS có nhu cầu để đảm bảo kiến thức toàn diện, tránh việc học lệch”, bà Huệ thông tin.

Lam Ngọc