24/01/2025

Cách dạy văn lạ của thầy giáo làng

Thầy Huỳnh Văn Thế (Trường THPT Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) có cách dạy văn khá độc đáo khi đưa người thật việc thật vào chương trình giảng dạy của mình…

 

Cách dạy văn lạ của thầy giáo làng

 

 

Thầy Huỳnh Văn Thế (Trường THPT Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) có cách dạy văn khá độc đáo khi đưa người thật việc thật vào chương trình giảng dạy của mình…

 

 

 

 

Cách dạy văn lạ của thầy giáo làng
Một tiết dạy văn của thầy Thế (đứng) có mặt nhân vật thật – anh Lê Thanh Hoàng (người ngồi bàn đầu) – Ảnh: Minh Tâm

 

 

Tại hội trường Trường THPT Mang Thít, cả trăm học sinh háo hức tham dự buổi học trải nghiệm của tiết văn học nghị luận xã hội, bởi sẽ được giao lưu với nhân vật đời thường theo chủ đề “Sống và khát vọng sống” do thầy Thế tổ chức.

Thầy Thế mở đầu buổi giao lưu: “Sống là phải có nghị lực, khát vọng và mục đích sống, như vậy cuộc sống mới vui tươi và ý nghĩa. Đó là lý do hôm nay thầy mời một nhân vật đến đây giao lưu với chúng ta. Anh tên Lê Thanh Hoàng, 33 tuổi. Năm 10 tuổi, anh bị teo tuỷ sống, thân thể co rút lại, từ đó ngày ngày anh ngồi xe lăn rong ruổi bán vé số nuôi cha mẹ già mà không hề than vãn gì về cuộc đời…”.

Thầy Thế nhường micrô cho trò. Các bạn tranh nhau đặt câu hỏi: “Khi bị nhìn bằng ánh mắt thương hại, anh có bị tổn thương? Anh vượt qua điều đó như thế nào? Anh quan niệm thế nào về giá trị sống?”… Cứ vậy những câu hỏi xoáy vào tâm tư nhân vật, rồi những câu trả lời mộc mạc khiến buổi giao lưu hôm đó đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng học sinh…

Kết thúc buổi giao lưu, thầy Thế cho học trò một số đề văn nghị luận xã hội xoay quanh những gì mà các em trao đổi với nhân vật…

Mời nhân vật vào bài giảng

Chuyện mời một nhân vật thật về để học sinh có môi trường thực hành giao tiếp đã được thầy Thế trăn trở từ rất lâu. Bởi theo thầy, giáo dục nếu muốn có hiệu quả cao phải truyền cho học sinh cảm xúc thật, chứ nói suông các em sẽ dễ quên.

Thầy Thế tâm sự: “Nếu được gặp gỡ và trao đổi với những tấm gương quanh mình, lúc đó các em không chỉ học lý thuyết mà còn thực hành trải nghiệm. Và kiến thức được hình thành từ thực tế sẽ khiến việc học có hiệu quả hơn”.

Khách mời đầu tiên của thầy chính là cậu học trò cụt tay Ngô Thái Hoàng Em, cựu học sinh của trường, nhân dịp Em về tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học của trường. Nhờ tinh thần vượt khó, Em đã kiên nhẫn tập luyện biến đôi chân thành đôi tay tự nuôi sống mình và giúp đỡ người khác khi trở thành lập trình viên của một công ty ở Sài Gòn.

Thầy Thế đã mời Em lên lớp giao lưu cho bài giảng “Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn” của chương trình ngữ văn 11.

Thầy Thế bộc bạch: “Tiết dạy đó, tôi lồng vào các vấn đề nghị luận xã hội: nghị lực, niềm tin, lòng nhân ái… Cả lớp hăng say đi vào bài học lúc nào không hay khi tham gia đặt hàng loạt câu phỏng vấn cho nhân vật. Lần đó các em làm bài kiểm tra sâu sắc hơn, phong phú hơn. Hiệu quả ngoài mong đợi…”.

Từ thành công của tiết học người thật việc thật đầu tiên đó, thầy Thế mạnh dạn tổ chức những tiết giảng có nhân vật thật như mời nhân vật ngồi xe lăn bán vé số kiếm tiền nuôi cha mẹ là anh Lê Thanh Hoàng; cô học trò lớp 11 tên Nguyễn Ngọc Thanh có hoàn cảnh đáng thương: mẹ bị bệnh hiểm nghèo, cha bỏ đi từ nhỏ, bản thân Thanh vừa chăm sóc mẹ vừa phải đan hạt cườm kiếm sống nhưng đạt học lực khá giỏi…

Đi vào lòng học trò

Thanh Trúc, lớp 12, thổ lộ: “Cách học thực tế trên khiến chúng em nắm bài ngay tại lớp chứ không phải học thuộc lòng. Nếu học lý thuyết suông, chỉ phân tích dữ liệu và phần luyện tập cũng học ở dạng tham khảo sẽ rất dễ quên”.

Còn Ngọc Thư, lớp 12, chia sẻ: “Thầy thường cho lớp 6-7 đề sau buổi học. Bạn nào thích đề nào chọn đề đó, nhưng phải làm tối thiểu 2 đề. Chúng em làm bài thoải mái theo cảm nhận của mình bởi thầy tôn trọng những suy nghĩ riêng của từng bạn. Nếu làm sai, thầy sẽ chỉnh sửa. Cách dạy đòi hỏi thực tế và phải tư duy phù hợp với xu hướng ra đề của kỳ thi hai trong một mà tụi em sẽ thi sắp tới…”.

Cách dạy độc đáo của thầy Thế đã đi vào lòng học trò với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Với Tú Trâm, lớp 11, hình ảnh xúc động nhất mà em nhớ hoài đó là anh Em viết chữ bằng chân tặng các bạn: “Chúc các em học giỏi”.

Còn Ngọc Thư thích quan điểm sống của nhân vật Lê Thanh Hoàng: “Thấy cuộc sống mình có ý nghĩa khi mỗi ngày bán vé số kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ…”.

Riêng Ngân Bình, lớp 10, ngưỡng mộ nhân vật Ngọc Thanh: “Hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng chị Thanh vẫn là trụ cột gia đình khi vừa đan hạt cườm vừa chăm sóc mẹ mà vẫn học giỏi. Gương vượt khó của chị Thanh là động lực để em phấn đấu…”.

Khuyến khích cách dạy như vậy

Thầy Võ Văn Bon – hiệu trưởng – chia sẻ: “Thầy Thế là một giáo viên dạy giỏi. Việc thầy mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy, phỏng vấn người thật việc thật, tránh giáo dục bằng kiến thức suông là một trong những cách dạy độc đáo. Chúng tôi khuyến khích cách dạy như vậy, nhất là những giờ dạy ngoại khóa của trường.

Để tìm những nhân vật điển hình, phù hợp với chủ đề bài giảng rồi mời họ tham gia giao lưu với học sinh cũng rất công phu. Thầy Thế tìm hiểu rất kỹ bằng cách gặp chính quyền địa phương, xác minh về đạo đức, hỏi bà con xóm giềng về cách sống của nhân vật. Bản thân thầy nhiều ngày đi theo nhân vật quan sát và tiếp cận”.

Thầy Thế tâm sự: “Khi dạy những tiết học trải nghiệm như vậy, tôi muốn truyền thông điệp: Mỗi người ta gặp trên đường có thể dạy cho ta bài học về cuộc sống. Những kiến thức từ thực tế này là cuộc sống mà sau này ra trường các em sẽ phải hoà nhập vào. Mong chính các em sẽ viết tiếp những điều tốt đẹp cho cuộc sống này, để yêu thương nối tiếp yêu thương, để niềm tin chắp cánh những niềm tin dù cuộc sống vẫn còn những bộn bề…”.

MINH TÂM