05/11/2024

Thế trận liên minh mới

Nhiều khả năng, một mạng lưới gồm nhiều sáng kiến hợp tác an ninh song phương và đa phương sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần, trở thành đối trọng tạo thế cân bằng quân sự trước Trung Quốc khi xảy ra trường hợp xấu nhất.

 

Thế trận liên minh mới

 

Nhiều khả năng, một mạng lưới gồm nhiều sáng kiến hợp tác an ninh song phương và đa phương sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần, trở thành đối trọng tạo thế cân bằng quân sự trước Trung Quốc khi xảy ra trường hợp xấu nhất.





Sự chuyển dịch hệ thống đồng minh hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương - Đồ họa: N.M.T/Ảnh: India Outlook

 

Sự chuyển dịch hệ thống đồng minh hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương – Đồ hoạ: N.M.T/Ảnh: India Outlook


Tiến sĩ Satoru Nagao từ Nhật vừa gửi đến Thanh Niên bài viết phân tích về sự cần thiết của một hệ thống thoả thuận hợp tác mới nhằm đảm bảo cân bằng quân ở Biển Đông nói riêng và khu vực tây Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương nói chung.

Hiện nay, Trung Quốc đang bắt đầu mở rộng các hoạt động quân sự, trong lúc không ngừng nhấn mạnh tham vọng tuyên bố chủ quyền đến 90% diện tích khu vực Biển Đông dựa trên bản đồ “đường lưỡi bò”. Khi Bắc Kinh xây dựng các sân bay mới trên Biển Đông thì chúng ta có thể nhận ra rằng Trung Quốc sẽ sớm đủ khả năng kiểm soát vùng trời rộng lớn, nơi nước này triển khai cả tàu quân sự lẫn bán vũ trang.
Tại sao những hành động mang nặng tính quyết đoán của Trung Quốc khiến tình hình xấu hơn? Nhìn lại lịch sử sẽ thấy các xu hướng bành trướng của Bắc Kinh thường lợi dụng vào sự thay đổi của cán cân quân sự. Ví dụ tại Biển Đông, vào năm 1974, Trung Quốc ra tay nuốt trọn Hoàng Sa lúc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Sau khi Liên Xô dần rời khỏi Việt Nam thì Trung Quốc lại ra tay chiếm đoạt đảo Gạc Ma. Tương tự, vào năm 1995, sau khi Mỹ rút căn cứ ở Philippines thì Trung Quốc lại đánh chiếm đảo Vành Khăn.
Hệ thống hợp tác mới
Sau Chiến tranh lạnh, cán cân quân sự liên tục thay đổi tại Biển Đông. Việc trang bị tàu ngầm của các lực lượng hiện diện trong khu vực là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi, bởi tàu ngầm có ưu thế vượt trội trong việc do thám và tác chiến. Từ năm 2000 – 2014, Mỹ chỉ bổ sung 14 tàu ngầm thì Trung Quốc lại trang bị thêm 41 chiếc. Hơn thế nữa, hải quân Mỹ hoạt động khắp thế giới thì Trung Quốc chủ yếu chỉ hiện diện ở vùng biển trong khu vực. Chính vì thế, dù Washington luôn khẳng định tiến hành thường xuyên các hoạt động tự do hàng hải thì các nước khác trong khu vực về lâu dài cũng cần phải sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất.
Từ thực tế đó, các nước cần ưu tiên đảm bảo cân bằng quân sự để phòng ngừa những trường hợp xấu nhất. Trong một thời gian dài, các hợp tác song phương có sự tham gia của Mỹ như Mỹ – Nhật, Mỹ – Hàn, Mỹ – Úc, Mỹ – Philippines đã góp phần vào sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, dù Mỹ có rất nhiều đồng minh nhưng quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ lại thiếu gắn bó. Ví dụ như Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Mỹ, nhưng Nhật – Úc lại thiếu hợp tác an ninh sâu rộng. Cho nên, nếu nguồn lực của Washington cực mạnh thì mới có thể đảm bảo hiệu quả cho mạng lưới đồng minh như thế. Ngược lại, khi nguồn lực quân sự Mỹ đang ngày càng giảm đi thì hiệu quả của hệ thống các thỏa thuận song phương trên không còn đủ sức duy trì thế cân bằng quân sự ở khu vực.
Từ thực tế đó, một hệ thống đồng minh mới đang nổi lên như một sự chuyển dịch để đảm bảo thế cân bằng quân sự. Hệ thống đó bao gồm các quan hệ đa phương như: Nhật – Ấn – Mỹ, Nhật – Mỹ – Úc, Nhật – Ấn – Úc – Mỹ – Singapore. Năm 2015, Nhật – Ấn – Úc đã tổ chức đối thoại 3 bên mà không có Mỹ, nên đây có thể xem là bước tiến mới. Nhiều khả năng, một mạng lưới gồm nhiều sáng kiến hợp tác an ninh song phương và đa phương sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần. Hệ thống này chính là đối trọng tạo thế cân bằng quân sự trước Trung Quốc khi xảy ra trường hợp xấu nhất.
Vị thế của Việt Nam
Trong hệ thống như vậy, quan hệ Nhật – Ấn có vai trò quan trọng bởi 2 nước án ngữ 2 bờ đông và tây của Trung Quốc. Nếu bất trắc xảy ra, Tokyo và New Delhi sẽ khiến sức mạnh của Bắc Kinh phải chia ra. Ví dụ, Trung Quốc không thể đưa hết chiến đấu cơ về phía đông để đối phó Nhật, vì phải chừa lại chiến đấu cơ đối đầu phía Ấn Độ.
Đặc biệt, nếu có thêm sự tham gia của Việt Nam thì hiệu quả sức mạnh sẽ tăng lên.
Có 3 lý do để tại sao Nhật và Ấn Độ cần sự hợp tác của Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, trở thành cửa ngõ ra vào Đông Nam Á. Việt Nam cũng cần đảm bảo vị thế của các căn cứ không quân và hải quân khi Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng chiếm phần lớn Biển Đông.
Thứ hai, Việt Nam luôn là quốc gia có ý chí mạnh mẽ mà lịch sử bằng chiến thắng trước Pháp vào năm 1954, khiến Mỹ phải rút lui vào năm 1973 và đánh bại tham vọng của Trung Quốc vào năm 1979. Vì vậy, dù chỉ sở hữu lực lượng hải quân vừa phải gồm 6 tàu ngầm, một số tàu chiến nhỏ, nhưng năng lực tiềm ẩn của Việt Nam có thể bùng nổ khi đứng trước các mối đe dọa lớn là điều phải thừa nhận.
Thứ ba, Việt Nam nhiều năm qua có mối hợp tác quân sự ngày càng gần gũi với Nhật Bản và Ấn Độ.
Hợp tác ba bên Việt – Nhật – Ấn sẽ có nhiều chọn lựa cách thức phối hợp để duy trì ổn định, tạo thế cân bằng quân sự ở khu vực. Chia sẻ thông tin chính là cách thức phối hợp đầu tiên. Thay vì mỗi nước tự thu thập thông tin thì có thể phối hợp cùng nhau triển khai máy bay, tàu chiến để cập nhật thông tin thường xuyên trên Biển Đông.
Thứ hai là hỗ trợ phát triển năng lực lẫn nhau. Hiện nay, Nhật đang thực hiện kế hoạch viện trợ 10 tàu tuần tra cho Việt Nam, Ấn Độ cũng có kế hoạch viện trợ 4 tàu cho Việt Nam. Nếu Nhật – Ấn phối hợp trong các dự án hỗ trợ Việt Nam thì hiệu quả sẽ cao hơn, tránh tình trạng chồng chéo.
Thứ ba, 3 nước cùng phối hợp trong các chương trình tuần tra, hiện diện trong khu vực thì hiệu quả sẽ lớn hơn.
Cuối cùng, để đạt mục tiêu trên, một hệ thống phải được thiết lập. Vì thế, cần sớm hình thành cơ chế đối thoại chiến lược Việt – Nhật – Ấn. Cả ba nên cùng chủ động để đẩy mạnh hợp tác sâu rộng.
Thế trận liên minh mới - ảnh 1

       

Tiến sĩ Satoru Nagao (ảnh) là chuyên gia tại Quỹ Nhật Bản, giảng viên về an ninh của bộ môn nghiên cứu chính trị thuộc Khoa Luật, Đại học Gakushuin (Nhật Bản) – một đại học danh tiếng tại Nhật, đào tạo nhiều thế hệ hoàng gia nước này. Ông Nagao cũng là chuyên gia tại diễn đàn Nghiên cứu chiến lược của Nhật Bản. Ông từng nhận học bổng của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Washington D.C, Mỹ), từng là chuyên gia phân tích an ninh tại Bộ Ngoại giao Nhật, sĩ quan của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản, viết nhiều sách về vấn đề an ninh và là cây bút bình luận chuyên mục quan hệ đối ngoại trên tờ báoNikkei hàng đầu Nhật Bản.


Satoru Nagao 
(Ngô Minh Trí dịch)