05/11/2024

Quyết liệt bảo vệ chủ quyền

Đó là kỳ vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri đối với các vị nguyên thủ quốc gia vừa được bầu hoặc những người sẽ được bầu giữ các vị trí trọng trách của đất nước.

 

Quyết liệt bảo vệ chủ quyền

 

 

Đó là kỳ vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri đối với các vị nguyên thủ quốc gia vừa được bầu hoặc những người sẽ được bầu giữ các vị trí trọng trách của đất nước.

 

 

 

 

Quyết liệt bảo vệ chủ quyền
Ảnh: Nguyễn Khánh

“Tôi rất quan tâm tới vấn đề đối ngoại, tức là vị thế của Việt Nam được vững chắc thì đất nước sẽ mạnh hơn. Điều này có liên quan tới sự bền vững của chế độ, sự ổn định và bảo đảm toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ của chúng ta

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Có thể nói cử tri gửi gắm nhiều nỗi niềm tới lớp lãnh đạo mới, trong đó trăn trở nhất là vấn đề Biển Đông đang ngày càng trở nên nóng bỏng.

Thế hệ sau phải hơn người đi trước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng ông tin vào lãnh đạo nhiệm kỳ mới, nhưng cũng khẳng định muốn đưa đất nước phát triển thì tất cả mọi người đều phải chung sức chung lòng. Ông nói:

– Quốc hội trao niềm tin và trách nhiệm cho lãnh đạo, nhưng cần hiểu rằng các đại biểu Quốc hội và như người dân cũng phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn. Việc nước không của riêng ai, không chỉ của những người lãnh đạo. Phải thẳng thắn như thế và nhìn cả nhiều phía mới khách quan.

* Trong lời tuyên thệ của mình, Chủ tịch nước hứa rằng với tư cách người đứng đầu Nhà nước, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, ông sẽ kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc… Ông kỳ vọng gì về lời hứa này của tân Chủ tịch nước?

– Với tình hình đất nước hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đặt ra rất nặng nề đối với những người lãnh đạo. Chúng ta thấy rằng một phần lãnh thổ của Tổ quốc đã bị xâm chiếm. Rất có thể chúng ta sẽ tiếp tục bị xâm chiếm lãnh thổ trên biển, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta bị xâm hại, bị chà đạp trắng trợn hơn.

Tình hình đó khiến người nắm giữ cương vị Chủ tịch nước, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhiệm kỳ này sẽ nặng nề, phức tạp, khó khăn hơn trước.

Tân Chủ tịch nước xuất thân là một đại tướng, một người làm công tác an ninh chuyên nghiệp, nên tôi tin tưởng và hi vọng ông sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, tìm mọi cách để chúng ta vừa giữ vững được môi trường hoà bình, xây dựng đất nước, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, như ông đã tuyên thệ.

* Còn vấn nạn nội tại của chúng ta là tham nhũng, đây cũng là một vấn đề của những người có trách nhiệm. Ông gửi gắm gì với những lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới?

– Tôi có đề nghị khi nhậm chức ở một số cương vị nhất định thì người được bầu nên có lời tuyên thệ không tham nhũng. Sự tuyên thệ này không phải là tất cả, nó là một thủ tục, nhưng nó sẽ có những hiệu ứng nhất định.

Còn thật ra chống tham nhũng không phải là việc một ngày một buổi, không giải quyết được chỉ bằng tuyên thệ, kể cả bằng một số bản án nghiêm khắc, đây là một cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ và lâu dài, với nhiều biện pháp, chính sách tổng hợp.

Những người tổ chức lãnh đạo chống tham nhũng phải hết sức xuất sắc, dũng cảm, chấp nhận hi sinh. Ví dụ phải liêm khiết, có thể chấp nhận nghèo và thiếu thốn trong điều kiện đồng lương công chức có hạn. Khi hành xử thì đừng để bị chi phối bởi tiền tài và lợi ích cá nhân.

Có thể nói, tôi lạc quan và tin tưởng những người lãnh đạo của nhiệm kỳ này, nhìn toàn bộ quá trình công tác và trưởng thành của những người mới được bầu hoặc dự kiến sẽ bầu vào những vị trí quan trọng đều có khả năng tương xứng với cương vị của họ.

Đặc biệt là trình độ học vấn nói chung là căn bản và rất khoa bảng, tuổi trung bình trẻ hơn các nhiệm kỳ trước. Đại biểu Quốc hội và nhân dân đang hi vọng, chờ đợi, đòi hỏi những người lãnh đạo mới sẽ và phải làm tốt hơn. Đó là quy luật của cuộc sống, thế hệ sau bao giờ cũng phải giỏi hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn người đi trước.

Cứng rắn hơn vấn đề Biển Đông

Trung tướng 
Nguyễn Quốc Thước:

– Tôi kỳ vọng, gửi gắm các đồng chí, vấn đề đầu tiên là phải đổi mới toàn diện trong bộ máy nhà nước, tạo ra sự bứt phá trong lĩnh vực nhà nước, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, các vấn đề xã hội – quốc phòng – an ninh vững vàng hơn.

Tôi cũng rất quan tâm tới vấn đề đối ngoại, tức là vị thế của Việt Nam được vững chắc thì đất nước sẽ mạnh hơn. Điều này có liên quan tới sự bền vững của chế độ, sự ổn định và bảo đảm toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ của chúng ta.

Thứ hai, đây cũng chính là vấn đề mà tôi chưa hài lòng. Tôi là nhà quân sự, tôi đặc biệt quan tâm tới những vấn đề ở Biển Đông, trong đó có những vấn đề về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Chúng ta đều biết Biển Đông vừa qua rất nóng và căng thẳng, nhưng trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, nhiều lần tôi không đồng thuận, không đồng lòng khi Quốc hội chưa có thái độ quyết liệt. Tôi nói không phải là đánh nhau, mà là thái độ kiên quyết bằng biện pháp hoà bình, bằng các cơ chế, tôi cho rằng Quốc hội chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Tôi muốn nói chúng ta đừng hiểu không có đánh nhau ở ngoài biển là bình yên, mà phải hiểu không bình yên ở chỗ ngư dân bị đuổi, bị bắt, bị tịch thu phương tiện, thậm chí bị đánh đập ngay trong vùng biển của nước ta.

Không bình yên như thế nhưng thái độ của chúng ta thì sao? Chúng ta chưa bao giờ muốn gây sự, nhưng họ động đến trái tim của chúng ta, sự sống còn của chúng ta thì chúng ta phải phản ứng đúng mức.

Nếu nhận định vấn đề Biển Đông nhỏ thì tôi hoàn toàn không đồng tình. Hoàng Sa, Trường Sa với 1 triệu km2 biển là không gian sinh tồn mà bị xâm chiếm làm sao là vấn đề nhỏ được? Đó là vấn đề đại cục chứ không phải tiểu cục.

Tôi cho rằng nếu vừa qua trưng cầu ý kiến người dân về vấn đề Biển Đông là tiểu cục hay đại cục, tôi tin đa số người dân khẳng định đây là vấn đề đại cục. Cho nên vấn đề Biển Đông phải được đặt lên bàn của Quốc hội để Quốc hội xem xét, để Quốc hội với tư cách đại diện cho người dân phải công khai cho dân biết.

Thứ ba, tôi đặc biệt gửi gắm, kỳ vọng các đồng chí lãnh đạo cấp cao sẽ quyết liệt trong giải quyết những vấn đề “tích tụ” qua các nhiệm kỳ, trong đó có vấn đề làm trong sạch bộ máy nhà nước. Đây không phải là vấn đề của riêng nhiệm kỳ vừa qua, mà nhiều nhiệm kỳ qua đã dồn lại, không đẩy lùi được mà còn diễn biến phức tạp hơn.

Tôi nghĩ chỉ khi đẩy lùi được tham nhũng, dẹp được tham nhũng thì mới có lòng tin của nhân dân một cách trọn vẹn, mới quy tụ được người dân dốc sức vào phát triển của đất nước. Tôi kỳ vọng “tứ trụ” nhiệm kỳ này phải làm cho được việc chống tham nhũng, làm có kết quả rõ rệt.

Ông Đinh Công Ty (P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM):

– Mấy ngày nay nhiều cử tri như tôi theo dõi thông tin nhân sự cấp cao rất sát. Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, rất hùng hồn, thiêng liêng.

Tôi đặt nhiều hi vọng ở đội ngũ lãnh đạo mới. Một đại biểu Quốc hội ở Quảng Nam nói dân đang kỳ vọng ở đội ngũ lãnh đạo về chống tham nhũng, lãng phí và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ – tôi cho rằng đó là hai điều quan trọng mà toàn dân ta đang mong mỏi.

Tôi kỳ vọng ở giai đoạn mới này, với đội ngũ lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ có những phương pháp đấu tranh cứng rắn hơn. Quốc hội sẽ ra được một tuyên bố chính thức về Biển Đông thể hiện được mong mỏi của toàn dân tộc.

* Ông Lê Văn Ngà 
(Q.2, TP.HCM):

Về tình hình Biển Đông, người dân chúng tôi chưa yên tâm với những lời công bố chung chung. Các vị lãnh đạo nhiệm kỳ mới cần phải nói rõ, cập nhật thông tin về những hành động tranh chấp trên biển của các nước, đồng thời cho dân biết Nhà nước ta làm được những gì, còn gì phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ chủ quyền.

Nhân dân lo lắng khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, rất cần có người lãnh đạo khéo léo, biết cách biến lòng dân trở thành sức mạnh, định hướng con đường đúng đắn để mỗi người được góp sức mình vào công cuộc giữ nước. Cái đó gọi là trên dưới một lòng.

Hôm nay bầu một số phó chủ tịch Quốc hội, thành viên 
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa này có 18 uỷ viên gồm chủ tịch Quốc hội, 4 phó chủ tịch Quốc hội và 13 thành viên khác. Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch Quốc hội và bỏ phiếu miễn nhiệm 8 người.

Như vậy, Quốc hội cần bầu bổ sung 2 phó chủ tịch Quốc hội (một người phụ trách kinh tế, tài chính – ngân sách thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một người phụ trách quốc phòng – an ninh thay ông Huỳnh Ngọc Sơn) và bầu 7 uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Hai ứng cử viên cho vị trí phó chủ tịch Quốc hội là ông Phùng Quốc Hiển (uỷ viên Trung ương Đảng, vừa được miễn nhiệm chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách) và ông Đỗ Bá Tỵ (đại tướng, tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, thứ trưởng Bộ Quốc phòng – người được Đại hội Đảng XII bầu là “trường hợp đặc biệt” tái cử uỷ viên trung ương).

Bảy gương mặt sáng giá để trở thành uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đều là uỷ viên Trung ương Đảng. Đó là các ông, bà: Hà Ngọc Chiến (phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc), Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp), Nguyễn Đức Hải (phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương), Võ Trọng Việt (thượng tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Nguyễn Thanh Hải (phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng), Nguyễn Thuý Anh (phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội) và Trần Văn Tuý (phó trưởng Ban công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

ĐÀ TRANG

Ông Nguyễn Văn Thuận (nguyên bí thư Thành uỷ 
Hải Phòng):

Luôn lắng nghe 
tâm nguyện của dân

Có thể nói cuộc bầu các vị trí lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ này được nhìn nhận có những bước tiến mới trong đời sống chính trị xã hội.

Thế hệ lãnh đạo mới đều được đào tạo cơ bản, được thử thách cũng như nhân dân kiểm nghiệm kết quả hoạt động trên từng lĩnh vực, có đủ cơ sở để tin tưởng đội ngũ lãnh đạo mới có đủ năng lực, phẩm chất cũng như trình độ uy tín để có thể đảm đương được nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ của đất nước trong một giai đoạn mới, một giai đoạn có nhiều thử thách.

Đây chính là cơ sở để người dân tin tưởng và kỳ vọng vào những kết quả sẽ được đổi mới nhiều hơn nữa.

Đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đã 30 năm, giai đoạn sắp tới cần có những động lực mới hơn nữa và phải có những sức sống mạnh mẽ hơn nữa để có thể đưa đất nước chúng ta vượt qua được những thách thức.

Điều này đòi hỏi và mong muốn các đồng chí lãnh đạo phải có bước đột phá cần thiết trong vấn đề đổi mới hệ thống chính trị, nhất là luôn lắng nghe tâm nguyện từ nhân dân, dựa vào sức dân mỗi khi đưa ra các quyết sách lớn.

THÂN HOÀNG ghi

LÊ KIÊN – VIỄN SỰ – 
XUÂN LONG – MAI HOA