24/12/2024

Nước thải cũng… để dành

Đối diện với hạn, mặn khắc nghiệt, người dân ở 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông (Tiền Giang) không chỉ bị thiệt hại về sản xuất, mà trong đời sống họ còn phải chịu vô vàn khó khăn, cơ cực do thiếu nước sinh hoạt.

 

Nước thải cũng… để dành

 

Đối diện với hạn, mặn khắc nghiệt, người dân ở 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông (Tiền Giang) không chỉ bị thiệt hại về sản xuất, mà trong đời sống họ còn phải chịu vô vàn khó khăn, cơ cực do thiếu nước sinh hoạt.





Chị em ở ấp 4 (xã Tân Phước) phải đi hơn 3 cây số để lấy nước về sử dụng - Ảnh: Hoàng Phương

 

Chị em ở ấp 4 (xã Tân Phước) phải đi hơn 3 cây số để lấy nước về sử dụng – Ảnh: Hoàng Phương


Giáp với sông Vàm Cỏ và cửa sông Soài Rạp, có đê bao, nhưng do vụ hè thu thiếu nước, lúa chết, nông dân phải gieo sạ tới 3 lần dẫn đến thu hoạch trễ. Do vậy vụ đông xuân kéo dài nên nước mặn xâm nhập làm 300 ha lúa của 600 hộ nông dân xã Tân Phước (H.Gò Công Đông) bị mất trắng. Trong khi đó, khó khăn nhất là khu vực ấp 4 trước giờ người dân sử dụng nguồn nước từ kinh mương, nay hạn mặn khô kiệt nên không còn nước sử dụng, người dân phải đi chừng 3 km tới ấp 7 lấy nước từ các vòi công cộng mang về. 

 
 
Ông Nguyễn Trung Hòa, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Tân Phú Đông, xác nhận giá nước người dân tự mua, tuỳ theo khoảng cách vận chuyển xa gần, giá dao động từ khoảng 110.000 – 150.000 đồng/m3, tức là cao gấp 25 lần so với giá 6.100 đồng/m3 do nhà nước cung cấp. Thường những người đi ghe đến đoạn sông nào đó, họ nếm thử thấy chấp nhận được thì nhận chìm ghe lấy nước rồi chở đi bán. Trong khi đó thì từ một tháng nay, trên toàn huyện không có nguồn nước và nước đảm bảo chất lượng để cung cấp cho địa bàn.

 


Chị Mai Thị Diễm Kiều, nhà ở ấp này kể do không có nước nên tất cả sinh hoạt đều phải “nhín nhín”. Ví dụ như vo gạo xong thì lấy nước để dành rửa chén, rửa rau, xong lấy nước đó đem giặt quần áo, còn nước xả quần áo thì để dành dội nhà vệ sinh. Vì quá khó khăn nên chị em phụ nữ ở đây đã có nhiều “sáng kiến” như khi tắm em bé thì bắt đứng trong cái thau, hoặc gội đầu thì xả nước vào xô rồi lấy nước đó để dành… rửa chân, giặt quần áo!
Đến huyện cù lao Tân Phú Đông chúng tôi cũng chứng kiến nhiều chuyện bi hài khi người dân phải dè sẻn từng giọt nước sinh hoạt. Tại xã Tân Thạnh, một xã cù lao dài 17 km nằm giữa sông Cửa Đại, bà Võ Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND xã cho biết trước đây xã có một ao chứa nước ngọt ở ấp Tân Hoà nhưng giờ đã cạn kiệt. Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt cho dân cư được bơm vượt sông từ xã Tân Thới sang rồi tải về các ấp. Nhưng vì khoảng cách xa nên dân cư ở các ấp cuối nguồn như Tân Bình, Tân Đông không có nước sử dụng. Trong khi đó thì đường ống nước lúc chảy lúc không. Khi nước chảy thì những hộ ở đầu nguồn tranh thủ hứng trước, vì vậy cuối nguồn không còn nước. Theo bà Hà, đây cũng là một trong những xã nghèo nhất huyện. Xã có 1.200 hộ thì hết 510 hộ thuộc diện nghèo.
Khi chúng tôi đến ấp Tân Đông, bà Bùi Thị Út, một người dân ở đây kể: “Nhà tui có 6 người, không có nước sao chịu được nên phải cắn răng “đổi” với giá 250.000 đồng/2 m3. Đây là nước sông, chỉ dùng để tắm giặt, không ăn uống được, nhưng phải “xài nhín” chừng mười mấy ngày”. Hỏi nhín như thế nào? Bà Út nói thật là “bữa tắm, bữa nghỉ” dù mỗi lần chỉ dùng chừng 2 lít. “Phải kỳ cọ xong rồi mới xối nước lên. Nước vo gạo thì để dành rửa rau, rửa chén và cho gà uống. Ngay cả con bò lớn vậy nhưng uống nước mặn còn bị tiêu chảy mà”, bà Út nói.
Tại xã Phú Tân, Phó chủ tịch UBND xã Trần Công Danh cho biết toàn xã có 985 hộ thì hiện có tới 477 hộ thiếu nước sinh hoạt. Đường ống cấp nước lắp đặt ở trục lộ chính của xã, nhưng do gần một tháng nay các vòi nước không có nước, nên người dân sống ở những khu vực gần sông phải mua nước do ghe chở tới bán với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/m3. Còn dân sống gần trục lộ chính thì mua nước do xe ba gác máy chở tới bán với giá 120.000 đồng/m3. Thậm chí có người phải mua với giá 350.000 đồng/2 m3và tất cả đều là nước sông.

Hoàng Phương