05/11/2024

Chính sách mới ảnh hưởng xấu đến kinh tế Thái Lan

Những biện pháp thâu tóm quyền hạn của chính quyền Thái Lan đặt ra nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế nước này.

 

Chính sách mới ảnh hưởng xấu đến kinh tế Thái Lan

 

Những biện pháp thâu tóm quyền hạn của chính quyền Thái Lan đặt ra nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế nước này.





Hình nộm cảnh sát dùng để dọa lái xe chạy ẩu trên đường Asoke Montri ở Bangkok - Ảnh: Lam Yên

Hình nộm cảnh sát dùng để doạ lái xe chạy ẩu trên đường Asoke Montri ở Bangkok – Ảnh: Lam Yên


Theo Bangkok Post, chính phủ Thái Lan vừa ban hành chính sách mới cho phép những sĩ quan quân đội cấp bậc thiếu uý trở lên có thể triệu tập, bắt giữ và tạm giam những người bị tình nghi phạm các tội như tống tiền, lừa đảo, ngược đãi lao động, mại dâm, buôn người cũng như hành nghề hướng dẫn du lịch trái phép.
Ngoài ra, quân đội cũng được quyền khám xét tài sản mà không cần lệnh của tòa án. Quyết định được biện minh là xuất phát từ tình trạng thiếu hụt lực lượng sĩ quan cảnh sát. Tuy nhiên, chính sách mới đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nhóm nhân quyền vì cho rằng động thái mở rộng quyền hạn cho quân đội này càng “bóp nghẹt” hơn nữa quyền tự do công dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Nhận xét về các quyền mới dành cho quân đội, nhà nghiên cứu Sunai Phasuk thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng Hội đồng hoà bình và trật tự quốc gia (NCPO) Thái Lan tiếp tục thi hành các biện pháp quyền lực không giới hạn và không có cơ chế kiểm soát. “Không có cơ chế kiểm tra hay giám sát nào để có thể điều tiết những hoạt động của chính phủ trong kế hoạch thanh trừng mafia và các loại tội phạm. Đây là điều rất đáng báo động. Ngoài ra, NCPO còn không chịu lắng nghe bất kỳ chỉ trích nào”, ông Sunai nói.
Ảnh hưởng kinh tế
Theo tờ The Wall Street Journal, việc chính quyền quân đội siết chặt kiểm soát đất nước trong gần 2 năm qua đã khiến kinh tế nước này xấu đi trầm trọng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Lan giảm gần 80% từ năm 2014 đến năm 2015, ngược hẳn với hình ảnh một trung tâm sản xuất hấp dẫn giữa các thị trường đang phát triển trong thập niên 1980 và 1990.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cảnh báo xuất khẩu Thái đã giảm liên tục trong 3 năm từ 2013 – 2015 và sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như VN và Myanmar đang tiếp tục tăng trưởng.
Giới kinh doanh tại Thái cho rằng chính quyền nước này đã lạm dụng điều 44 của Hiến pháp tạm thời, vốn trao nhiều quyền hạn cho chính quyền quân sự để giữ gìn an ninh trật tự. Điều này làm một số nhà đầu tư lo lắng về vấn đề thực thi hợp đồng và sự an toàn đầu tư. “Hiện tại việc kinh doanh chưa bị ảnh hưởng cụ thể, nhưng vấn đề là nó có thể xảy ra và chắc chắn là có ảnh hưởng xấu”, một luật sư người nước ngoài cho biết.
Bán thức ăn quá đắt có thể bị 7 năm tù
Cũng trong chiến dịch siết chặt kỷ cương, tướng Wittawat Ratchatanan, Tổng thanh tra Thái Lan, vừa có đợt kiểm tra khu ăn uống tại sân bay Don Mueang sau khi nhiều hành khách phàn nàn giá cả tại đây quá cao.
Sau buổi thị sát, sân bay này đã đồng ý giảm giá nước suối từ 20 – 30 baht (khoảng 20.000 đồng) xuống còn 10 baht (6.500 đồng), thức ăn Thái từ 120 – 160 baht/phần (khoảng 100.000 đồng) xuống còn 50 baht (khoảng 35.000 đồng). Một số sân bay quốc tế khác tại Thái cũng đang phải điều chỉnh giá thức ăn. Ông Wittawat cho biết theo luật, các chủ cửa hàng “không hợp tác” có thể bị phạt ít nhất 7 năm tù giam và 140.000 baht (khoảng 90 triệu đồng).

Lam Yên 
(VP Bangkok)