24/12/2024

Nhật – Ấn bắt tay kiềm chế Trung Quốc

Sự hung hăng và liên tục tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc khiến Nhật Bản và Ấn Độ phải thắt chặt quan hệ.

  

Nhật – Ấn bắt tay kiềm chế Trung Quốc

 

Sự hung hăng và liên tục tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc khiến Nhật Bản và Ấn Độ phải thắt chặt quan hệ.





Tàu chiến Nhật trong một lần diễu binh vào cuối năm 2015 - Ảnh: deccanchronicle

 

 

Tàu chiến Nhật trong một lần diễu binh vào cuối năm 2015 – Ảnh: deccanchronicle

 


Cách đây chưa lâu, Nhật hoàng Akihito có chuyến viếng thăm Ấn Độ như một dấu ấn cho kịch bản cân bằng lực lượng đang thay đổi nhanh ở châu Á. Theo truyền thống, Nhật hoàng đến thăm quốc gia nào thì đều thể hiện chỉ dấu quan trọng trong quan hệ song phương.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thời gian qua nỗ lực thắt chặt quan hệ với Ấn Độ. Ông đã nhấn mạnh rằng: “Đây sẽ là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành động lực khiến Tokyo và New Delhi bức thiết phải xích lại gần nhau để tạo nên thế cân bằng sức mạnh.
Mối đe doạ từ Trung Quốc
Sau gần 3 thập niên phát triển nhanh chóng đã giúp Trung Quốc trỗi dậy và trở thành thách thức lớn cho các nước khác, nhất là khi nước này gia tăng vũ trang.
Về không quân, Trung Quốc ngày nay có 913 chiến đấu cơ thế hệ 4 trong khi Ấn Độ chỉ có 222 chiếc và Nhật có khoảng 277 chiếc cùng hạng.
Chính vì thế, quan hệ đối tác chiến lược New Delhi – Tokyo được kỳ vọng đối phó với sự gia tăng sức mạnh từ Bắc Kinh, vốn gần đây đã công bố thành lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc dự định đến năm 2020 sẽ có 1.300 chiến đấu cơ thế hệ 4 và nhiều khả năng họ sẽ đưa chiến đấu cơ thế hệ 5 vào hoạt động. Trong khi đó, số lượng chiến đấu cơ của không quân Ấn Độ đang giảm dần bởi phải loại bỏ dòng Mig-21 già nua, còn kế hoạch trang bị chiến đấu cơ đời mới vẫn rất xa vời.
Bên cạnh không quân, hải quân Trung Quốc cũng được mở rộng liên tục. Nhằm “phong toả” sự ảnh hưởng của Mỹ trong các tranh chấp với Đài Loan và Nhật, Trung Quốc đang tăng cường năng lực hải quân ở các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương. Bắc Kinh hiện có 65 tàu ngầm (trong đó có 9 chiếc dùng năng lượng hạt nhân), 31 tàu khu trục, 61 tàu hộ tống cùng hàng trăm tàu tên lửa và tàu đổ bộ.
Để hoàn thành việc “thống nhất” Đài Loan, Bắc Kinh đang tập trung sức mạnh cho 2 sư đoàn thủy quân lục chiến và 1 sư đoàn lính dù. Trung Quốc cũng đã có tàu sân bay đầu tiên và dự kiến có tối thiểu 3 chiếc tàu sân bay vào năm 2030. Nước này còn tăng cường hiện diện quân sự ra đến Ấn Độ Dương khi được Pakistan cho phép đặt một căn cứ hải quân. Căn cứ hải quân Trung Quốc ở Pakistan đe dọa nghiêm trọng đến Ấn Độ, nhất là đối với việc vận chuyển dầu khí của Ấn Độ từ Iran và Trung Đông.
Chia sẻ khí tài
Đó là điều mà New Delhi và Tokyo cần hợp tác để giải quyết khẩn cấp, bởi 77% lượng dầu khí và 85% hàng hoá của Nhật được vận chuyển qua Ấn Độ Dương. Tuyến hàng hải này đóng vai trò sống còn. Vì thế, hải quân Ấn – Nhật cần đẩy mạnh hợp tác khi Tokyo có sức mạnh đáng kể trên biển. Nhật đang thực hiện chương trình đóng tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến 2 đến nay.
Hiện tại, Tokyo đang có 26 tàu ngầm và cũng đã biên chế tàu sân bay chở máy bay trực thăng lớp DH22 có độ choán nước lên đến 27.000 tấn. Nước này cũng đầu tư đáng kể cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, bao gồm cả việc phát triển lực lượng tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ Aegis.
Tương tự, New Delhi cũng tích cực hiện đại hóa lực lượng hải quân. Ấn Độ đã thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Akula từ Nga. Tàu sân bay Vikramaditya đã đi vào hoạt động và dự án tàu sân bay do chính New Delhi phát triển cũng sẵn sàng.
Trong thập niên tới, hải quân Ấn Độ sẽ bổ sung tối thiểu 7 tàu hộ tống tàng hình cùng 6 tàu ngầm hiện đại. New Delhi cũng dự định bổ sung 30 tàu chiến các loại khác cùng 150 chiến đấu cơ, máy bay trực thăng, máy bay trinh sát biển. Tất cả những nỗ lực đó nhằm đảm bảo khả năng ứng phó cho nước này trước những thế lực quân sự đang tăng lên trên Ấn Độ Dương.
Hải quân Ấn Độ đang đạt được bước tiến ấn tượng trong việc tự chủ khí tài thay vì phải mua từ bên ngoài, nhằm đảm bảo năng lực giữ vững ổn định ở Ấn Độ Dương – nơi hải quân Trung Quốc đang không ngừng mở rộng hoạt động. Ấn – Trung cũng tồn tại không ít khác biệt.
Vì thế, Ấn – Nhật cần tăng cường hợp tác. Tokyo có thể sẽ bán dòng thuỷ phi cơ đổ bộ US-2 cho New Delhi là một chỉ dấu tích cực cho quan hệ song phương. Hai nước cũng có thể hợp tác sản xuất chiến đấu cơ thế hệ 5 và tàu ngầm. Trong trường hợp xấu nhất khi xung đột với Bắc Kinh, tối thiểu Tokyo và New Delhi có thể phối hợp “chia lửa” để lực lượng Trung Quốc phải phân tán cả về không quân, hải quân và lục quân.
Ngoài ra, một số nước ở Đông Nam Á cũng có thể hợp tác cùng Ấn Độ và Nhật để tạo thế cân bằng quân sự trước mối đe doạ Trung Quốc. Nếu VN – Ấn Độ – Nhật Bản tạo dựng một hợp tác đa phương mạnh mẽ sẽ giúp ích cho hoà bình, ổn định trong khu vực. Ấn Độ có thể cung cấp chiến đấu cơ đa nhiệm HAL, máy bay trực thăng Dhruv và tên lửa hành trình Brahmos cho đối tác để cùng nhau hiện đại hoá quân đội.
Nhật - Ấn bắt tay kiềm chế Trung Quốc - ảnh 1

Ảnh: Yomiuri Shimbun

Ngày 2.4, tờ The Mainichi dẫn lời quan chức Nhật cho hay trong cuộc gặp tại Washington D.C (Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi rằng các căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, những nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền, là rất đáng quan ngại. Ông Modi khẳng định hoàn toàn ủng hộ lập trường của Tokyo, cần giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Cuộc gặp (ảnh) diễn ra bên lề hội nghị an ninh hạt nhân được chủ trì bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra tại Washington D.C. 

Nhật - Ấn bắt tay kiềm chế Trung Quốc - ảnh 2

Ảnh: N.V.C.C

Ông G.D. Bakshi là một tướng lục quân về hưu của Ấn Độ, từng có nhiều thành tích nổi bật trên chiến trường. Ông còn là một nhà nghiên cứu quân sự nổi tiếng thế giới, giảng dạy tại Học viện Quân sự Ấn Độ, xuất bản khoảng 35 cuốn sách cùng hơn 200 bài tham luận về quân sự.

Tokyo rộng đường tiến về Biển Đông
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh diễn biến luật mới của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 29.3 cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản điều quân ra nước ngoài để hỗ trợ và bảo vệ các đồng minh, cũng như việc Tokyo đẩy mạnh hợp tác với các bên.

Tiến sĩ Satoru Nagao: Nhật đã sẵn sàng tiến về Biển Đông cùng VN và Philippines. Luật mới sẽ giúp những điều trên trở thành hiện thực. Tuy nhiên, luật mới vẫn còn nhiều giới hạn, khi chỉ mới dừng lại ở vai trò hỗ trợ các đối tác. 
Ông Richard Javad Heydaria, Giáo sư khoa học chính trị – chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Salle (Philippines):
Nhật có điều kiện tốt hơn trong việc hỗ trợ Mỹ và các đối tác như Ấn Độ và Philippines. Điều này cũng có nghĩa là Nhật có vị thế tốt hơn để can dự vào tranh chấp ở Biển Đông. Từ đó, Tokyo cũng dễ dàng thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông. Trước mắt, điều đó giúp cho Nhật góp phần tạo thế cân bằng quân sự trên Biển Đông.
Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới ở Washington:
Luật mới và các chính sách dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe tạo điều kiện cho Nhật đóng góp nhiều hơn vào sự hoà bình, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ chắc chắn hoan nghênh điều này. Đây cũng là cách thức cần áp dụng mở rộng cho các nước khác, điển hình là Ấn Độ có thể tập trung nhiều hơn về các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải, để duy trì cân bằng sức mạnh quân sự ở tây Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.
Tiến sĩ Ryo Hinata-Yamaguchi, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Busan (Hàn Quốc) – chuyên gia của diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ):
Tôi nghĩ những điều luật mới của Nhật là cần thiết, là một chương mới trong kế hoạch quốc phòng của nước này. Tokyo sẽ cần xây dựng thêm các học thuyết và nâng cao khả năng bảo vệ mình cùng các đồng minh, đối tác. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác Nhật – Ấn cũng là một phần thiết yếu để đối phó với các vấn đề trong khu vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải. Quan hệ đối tác đa phương cần được mở rộng thêm một số nước như: Úc, Hàn Quốc, Singapore, Philippines… Các hợp tác đa phương là rất cần thiết ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Giáo sư James Holmes, thuộc Trường chiến tranh hải quân Mỹ:
Thay đổi này giúp hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật có ý nghĩa thực tế hơn. Nó không chỉ tạo ra sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa hai bên, mà còn gửi một thông điệp răn đe Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bên cạnh đó, việc Nhật hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ sẽ giúp tạo ra thế cân bằng quân sự, giúp lực lượng Mỹ “rảnh tay” hơn để hiện diện xuyên suốt từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.
Chuyên gia Scott Cheney-Peters, Chủ tịch Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (Mỹ):
Nhật giờ đây khác xa hồi thập niên 1930, nên luật mới là rất đáng hoan nghênh, báo hiệu rằng Tokyo cam kết tham gia gánh vác chia sẻ các thách thức an ninh toàn cầu. Diễn biến này loại bỏ những hạn chế không còn cần thiết để Tokyo có thể tham gia bảo vệ các đồng minh và đối tác giữa những thách thức đe dọa an ninh toàn cầu.
Ông Zack Cooper, chuyên gia về Nhật Bản tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ):
Luật mới quan trọng không chỉ đối với liên minh Mỹ – Nhật mà còn đối với nhiều nước khác. Đó là vì luật mới cho phép Nhật đóng vai trò chủ động hơn trong việc giữ gìn trật tự thế giới. Bên cạnh đó, việc Nhật tăng cường hợp tác với Ấn Độ và Úc cũng sẽ đóng vai trò trung tâm để đảm bảo ổn định ở châu Á. Ấn – Nhật chia sẻ nhiều lợi ích chung với Mỹ.
     Ngô Minh Trí (thực hiện)


Gagandeep Bakshi 
(Ngô Minh Trí dịch)