23/01/2025

Hạn, mặn ‘là cú sốc cần thiết’

Hạn, mặn khốc liệt đang khiến ĐBSCL bừng tỉnh để có sự chuẩn bị tốt nhất nhằm ứng phó với những thiên tai được dự báo sẽ nhiều hơn, dữ dội hơn.

 

Hạn, mặn ‘là cú sốc cần thiết’

Hạn, mặn khốc liệt đang khiến ĐBSCL bừng tỉnh để có sự chuẩn bị tốt nhất nhằm ứng phó với những thiên tai được dự báo sẽ nhiều hơn, dữ dội hơn.





Bơm nước vào xe bồn của người dân Bến Tre - Ảnh: Độc Lập

 

Bơm nước vào xe bồn của người dân Bến Tre – Ảnh: Độc Lập


Đây là một trong những yếu tố tích cực được các nhà khoa học, chuyên gia về biến đối khí hậu (BĐKH) nhìn nhận tại toạ đàm về hạn – mặn ở ĐBSCL, diễn ra ở TP.Cần Thơ ngày 1.4 do Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) và Mạng lưới sông ngòi VN tổ chức.
Chủ yếu do hiện tượng El Nino
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho biết ĐBSCL là một phần của lưu vực Mê Kông chịu ảnh hưởng của cả thủy văn từ phía thượng nguồn sông Mê Kông và từ phía biển. Khi dòng Mê Kông yếu đi vào mùa khô thì nước biển dâng sẽ đẩy mặn vào sâu trong đất liền.
Đây là một quy luật không thể chống lại. Ông Thiện dẫn chứng thêm, tổng dòng chảy trung bình cả năm của dòng Mê Kông là 475 tỉ m3, trong đó 16% đến từ Trung Quốc, 2% từ Myanmar và 82% là nước mưa ở hạ lưu vực tức là tính từ Lào, Thái Lan, Campuchia, tới bờ biển VN.
Vai trò của lượng nước từ Trung Quốc chỉ tăng lên vào mùa khô. Bên cạnh đó, hiện 11 đập ở vùng hạ lưu vực chưa xây, chỉ có đập Xayaburi đang xây dở và đập Don Sahong mới khởi công cho nên chưa phải là tác nhân đóng góp cho tình hình hạn mặn năm nay. Nhà khoa học này cũng khẳng định rằng, phần lớn nước mà ĐBSCL nhận được là từ phần hạ lưu vực tính từ biên giới Lào – Trung Quốc trở xuống, cho nên tình trạng khô hạn, ít mưa mới là yếu tố quyết định đến xâm nhập mặn ĐBSCL năm nay.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng hạn hán năm nay chủ yếu là do hiện tượng El Nino tác động cực đoan trên diện rộng, không chỉ ở ĐBSCL mà ở cả thượng nguồn sông Mê Kông. Lượng nước thượng nguồn giảm cùng với tác động từ các đập thủy điện ở Trung Quốc làm giảm lượng nước chảy vào Biển Hồ, dẫn đến mùa khô năm nay Biển Hồ không đủ nước để bổ sung cho dòng chính Mê Kông đẩy mặn.
Xem lại chiến lược an ninh lương thực
Theo TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), trong tình hình hiện nay, cách tốt nhất là dựa vào dự báo để tránh thiệt hại, thay đổi lịch thời vụ, thay đổi phương thức canh tác… “Về lâu dài, chúng ta phải tính toán, trả lũ lại vào đồng, nhưng phải theo đặc thù của từng vùng, từng thời điểm hợp lý. Ví dụ xả nước để trồng một vụ ấu giữ phù sa, cho đất nghỉ ngơi, thay vì trồng tiếp lúa…”, ông Ni nói. Tuy nhiên, ông Ni cũng nhìn nhận, trong điều kiện cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, khoa học công nghệ… đều tập trung phục vụ cho trồng lúa như lâu nay thì việc chuyển đổi cây trồng là cực kỳ nan giải.
Một vấn đề lớn khác là câu chuyện an ninh lương thực. Theo thạc sĩ Thiện, an ninh lương thực phải tính lâu dài 50 năm, 100 năm. “Chúng ta cứ cố sản xuất thật nhiều lúa để xuất khẩu giá rẻ thì mai sau rất có thể đời con cháu sẽ không có đủ lúa mà ăn vì đất đã bị vắt kiệt sức rồi”, ông Thiện nói.
Việc giữ diện tích lúa dưới danh nghĩa an ninh lương thực khi nước ta đang xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới và cố gắng sản xuất lúa ở vùng ven biển là không hợp lý. “Thay vì đầu tư vào những công trình vĩ đại, tốn kém để kiểm soát mặn triệt để với những hệ quả chưa lường hết được, thì chúng ta chỉ nên làm những công trình vừa phải, ở cấp địa phương, để kiểm soát mặn theo mùa và đầu tư giúp người dân chuyển đổi”, thạc sĩ Thiện chia sẻ.
Các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều giải pháp như chia vùng ven biển ĐBSCL thành 3 vùng: vùng mặn, vùng lợ và vùng ngọt. Vùng ngọt trồng lúa, vùng mặn nuôi tôm và vùng lợ làm một vụ lúa và một vụ tôm hay áp dụng mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm… Trên cơ sở đó, dù hạn, mặn lịch sử đang gây ra những thiệt hại lớn cho ĐBSCL nhưng cần nhìn một cách tích cực đây là một cú “sốc” cần thiết để vùng tự điều chỉnh tăng “sức đề kháng” với thiên tai.
Chở nước ngọt từ Vũng Tàu về Bến Tre
Hôm qua (1.4) tàu 935 thuộc Hải đội 811, Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã đưa 200 m3 nước ngọt từ TP.Vũng Tàu đến các hộ dân vùng hạn hán, nhiễm mặn nặng thuộc 2 xã Bình Thắng và Đại Hòa Lộc (H.Bình Đại, Bến Tre). Thượng tá Hoàng Minh Dũng, Phó chính uỷ Lữ đoàn 125, trưởng đoàn công tác cho biết thêm: Ngoài việc cấp nước ngọt trực tiếp đến từng hộ dân, lữ đoàn còn phát động phong trào quyên góp trong toàn đơn vị với tổng số tiền thu được hơn 40 triệu đồng, mua thùng đựng nước, can nhựa, bình nước tặng cho 60 hộ gia đình chính sách của 2 xã. Hiện tàu 935 đang neo đậu tại cảng cá Bình Đại và thực hiện cấp nước ngọt 24/24 giờ.
Mai Thanh Hải


 

Đình Tuyển