05/11/2024

Đánh giá “chủ quyền đảm bảo”, có thuyết phục chưa?

“Tôi cố gắng ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là chúng ta đảm bảo chủ quyền quốc gia nhưng nói thật với các đại biểu là tôi ép không nổi”.

 

Đánh giá “chủ quyền đảm bảo”, có thuyết phục chưa?

 

 

“Tôi cố gắng ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là chúng ta đảm bảo chủ quyền quốc gia nhưng nói thật với các đại biểu là tôi ép không nổi”.

 

 

 

 

Đánh giá "chủ quyền đảm bảo", có thuyết phục chưa? 
Đại biểu Lê Văn Lai – Ảnh: Việt Dũng
“Thời trung cổ ông Galileo Galilei (nhà thiên văn người Ý – PV) trước khi nhận bản án tử vẫn nói trái đất vẫn quay. Nếu bây giờ có một ông Galileo Galilei nữa thì tôi tin rằng ông ấy vẫn nói Biển Đông đang bị xâm hại chứ không thể có chuyện “đảm bảo chủ quyền”
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam)

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đã dành một trong những lời phát biểu cuối cùng trên tư cách đại biểu Quốc hội để nói lên suy nghĩ đó khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2011 – 2016.

“Người ta đưa máy bay tiêm kích, người ta o ép ngư dân ta, cướp bóc, thậm chí là giết chóc… Những hành vi đó không thể có từ nào khác hơn là sự xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia”, ông Lai điểm lại một loạt hành vi xâm phạm của quyền của Trung Quốc với Việt Nam trong 5 năm qua.

“Còn không biết khi nào chúng ta đánh giá đó là xâm phạm chủ quyền quốc gia? Những hệ lụy nào? Những hành động nào sẽ diễn ra sắp tới?”, đại biểu Lai đặt câu hỏi.

Ông nhắc lại lịch sử, rằng trong thế kỷ 20, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam với tần suất 20 năm một lần.

Năm 1956 đánh đông Hoàng Sa, năm 1974 lấy tây Hoàng Sa, năm 1988 lấy đảo Gạc Ma và nhiều đảo chìm khác ở Trường Sa. Năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dày hơn, cứ một vài năm lại có một hành động mới xâm lấn Việt Nam.

“Vậy mà chúng ta ngồi đây yên tâm đánh giá là đã đảm bảo chủ quyền quốc gia? Liệu điều đó có đúng không? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra các quyết sách, đối sách, các sự phản đối, đối kháng của chúng ta có phù hợp không?”, ông Lai lại đặt câu hỏi.

Trước Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai thiết tha đề nghị các đại biểu xem lại đánh giá “chủ quyền được bảo đảm” trong báo cáo về tình hình đất nước 5 năm qua. Theo ông, chỉ có đánh giá đúng thì chúng ta mới đề ra chủ trương và kế sách đúng.

Phải trái phải phân minh

Đại biểu Lê Văn Lai nói ông rất đồng tình với Đảng, Nhà nước là Việt Nam luôn yêu chuộng hoà bình, đấu tranh bằng hoà bình nhưng đánh giá tình hình phải đúng. Bên cạnh đó là việc đánh giá mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc trong lịch sử.

“Chúng ta đã đưa vào sách giáo khoa để dạy cho con em chúng ta đã đầy đủ chưa? Tôi nghĩ là phải là phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” – ông Lai nói.

Nhắc lại ân tình giữa hai đất nước, đại biểu Lai nói: “Chúng ta không bao giờ quên việc họ đã thả gạo ngoài biển vào giúp chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; họ đưa súng đạn nhân lực, thậm chí đem máu để giúp chúng ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nhưng bây giờ người ta có những hành vi xâm phạm đến chủ quyền quốc gia thì chúng ta phải phản đối, và phải đánh giá đúng, chứ không thì nhân dân không chịu”.

Cuối lời, đại biểu tỉnh Quảng Nam nhắn nhủ rằng ông nói điều đó với tư cách, tâm huyết của một người đại biểu sắp mãn nhiệm để gửi gắm đến nhiệm kỳ Quốc hội XIV. Ông mong muốn Quốc hội khoá tới sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề chủ quyền. Vì có thái độ đúng đắn, thái độ đầy đủ thì mới làm được sứ mệnh mà nhân dân giao phó.

“Đối với các đồng chí đương nhiệm, các đồng chí sắp đến đảm nhận nhiệm vụ mới, tôi mong các đồng chí hai điều: Một là giặc nội xâm, phải chống cho được tham nhũng. Hai là giặc ngoại xâm, phải làm sao bảo vệ cho được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai việc đó thì nhân dân sẽ tôn vinh các đồng chí lên đỉnh cao của lịch sử” – ông Lai nói.

 

VIỄN SỰ