23/01/2025

Đại hạn ‘giết’ bò Tây Nguyên

Cơn đại hạn kéo dài từ hơn hai tháng nay khiến người dân ở Gia Lai quay quắt tìm nguồn thức ăn cho đàn trâu bò.

 

Đại hạn ‘giết’ bò Tây Nguyên

 

Cơn đại hạn kéo dài từ hơn hai tháng nay khiến người dân ở Gia Lai quay quắt tìm nguồn thức ăn cho đàn trâu bò.





Lùa đàn bò đi tìm ít cỏ khô còn lại trong mùa đại hạn - Ảnh: Trần Hiếu

 

Lùa đàn bò đi tìm ít cỏ khô còn lại trong mùa đại hạn – Ảnh: Trần Hiếu


Đói ăn, khát nước khiến bò gầy, bò chết nên đã có cảnh nông dân phải vừa ăn thịt bò vừa khóc khi tài sản theo hạn hán bay đi…
Với hơn 450.000 con, Gia Lai là tỉnh đứng thứ hai cả nước về tổng đàn gia súc. Đây là nguồn thu nhập lớn của nông dân, đồng thời là nguồn cung cấp phân bón chủ động cho hàng trăm ngàn héc ta cây trồng. Nhưng với tình trạng khô hạn do El Nino hoành hành, đàn đại gia súc của Gia Lai đang sống cầm chừng, chờ mưa đến. Còn người dân thì rạc chân đưa đàn bò vào rừng xa kiếm thức ăn trong vô vọng.
Đi cuồng chân không thấy cỏ


Đề phòng dịch bệnh
Theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Krông Pa, các nhà khoa học, quản lý cần giúp dân có những giống cỏ chịu được thời tiết khô hạn hoặc cần ít nước tưới để nông dân yên tâm về nguồn thức ăn cho bò, hoặc có cách trữ lại cỏ trong mùa mưa để cho bò ăn vào mùa khô. Còn ông Dương Ngọc Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Gia Lai, khuyến cáo: “Trâu bò bị thiếu thức ăn, thiếu nước uống và thời tiết nắng nóng dẫn đến sức đề kháng giảm, cần chú ý phòng tránh các bệnh thường gặp như tụ huyết trùng, các bệnh truyền nhiễm và bệnh nghẽn dạ lá sách do thiếu nước uống dẫn đến bò bị chết. Chú ý bổ sung cho trâu bò lượng thức ăn xanh và thức ăn tinh phù hợp và bổ sung nước uống đầy đủ cũng như vệ sinh chuồng trại đề phòng bệnh. Đối với vỏ mì, bò, trâu ăn phải sẽ bị ngộ độc nên cần tránh”.

Trời đang cơn hạn nặng. Đất đai trơ khốc, nứt nẻ. Vùng đất của H.Krông Pa từ lâu được mệnh danh là “chảo lửa” nay càng khốc liệt hơn dưới cái nắng hạn kinh người. Khắp nơi hầm hập như rang lạc. Con suối Ia Xăm ở xã Đất Bằng của huyện này mọi khi vẫn ăm ắp nước là thế, nay cạn trơ đáy. Nhiều chân ruộng phải bỏ hoang vì hạn nặng.

Đàn bò hơn 60.000 con của H.Krông Pa gầy nhom vì thiếu thức ăn từ hai tháng qua. Thời điểm này chưa hẳn là đỉnh hạn nhưng tình trạng thiếu thức ăn, thiếu nước cho bò đã khiến người dân đứng ngồi chẳng yên. Hằng ngày, các gia đình có lượng bò nhiều cắt cử người xua bò vào rừng xa kiếm cỏ; toả đi tìm thức ăn và những vũng nước còn sót lại cho bò. Nhiều người phải lùa đàn bò đi gần 20 km mỗi ngày tìm thức ăn.
Anh Ksor Tim ở xã Krông Năng nói: “Mình dẫn đàn bò đi từ sáng sớm, đi xa lắm rồi cũng không có thức ăn. 12 con bò của mình đi mệt vì yếu sức, gầy quá. Mấy người trong làng có ít bò thì chung lại với nhau cử người đưa bò đi tìm thức ăn, đi trốn nắng. Nắng nóng, thiếu ăn, bò lớn không nổi, gầy quá. Mấy con nghé mới đẻ đi không vững, phải để ở nhà mua cám về khuấy lên cho chúng uống. Chờ đến mùa mưa thôi. Mình gần 40 tuổi rồi mà lần đầu tiên thấy hạn lớn như năm nay”.
Trong khi đó, suốt mấy hôm nay, anh Ksor Jú ở xã Ia M’lah chẳng buồn ra khỏi nhà. Chẳng là cách đây mấy hôm, anh Jú đi gọt mì thuê cho người dân trong xã. Nghĩ đến đàn bò 15 con ở nhà thiếu thức ăn, anh gom đống vỏ mì vào mấy bao tải chở về đổ vào cho bò ăn. Chẳng ngờ bò ăn chưa được bao lâu thì đứa con chạy hồng hộc vào nhà giật giọng: “Ra mà xem, mấy con bò không thở rồi!”. Anh lật đật chạy ra chuồng bò rồi như chết đứng khi chứng kiến cảnh đàn bò, con thì chết, con thì thoi thóp, bụng trương phình. Jú hớt hải gọi người nhà ra đổ nước cám, đổ nước đường pha muối với tỏi giã vào mồm bò, lấy ống đu đủ nhúng vào bột giặt thông hậu môn bò… Nhưng 7 con bò cứ lịm dần rồi tắt thở. 7 con bò giá gần 120 triệu đồng chỉ bán vớt vát được hơn 32 triệu đồng. Hôm ấy, người trong buôn Prông có bữa thịt bò chết vì say mì. Nhà Jú cũng để lại ít thịt bò ăn, nhưng nuốt sao được khi nghĩ đến số bò chết là tài sản gia đình anh để sinh kế, chỉ chưa đầy ba tiếng đã tiêu tan. Sáng hôm sau, nhiều người trong làng còn say rượu với thịt bò, chẳng ai nhìn thấy Jú ra góc chuồng bò đứng khóc một mình.
Cháy hàng… rơm rạ
Đồng khô cỏ cháy, rơm rạ đội giá cao. Anh Nguyễn Đình Hùng, người chuyên gom rơm rạ bán cho người nuôi bò và trồng cây ở TX.Ayun Pa (Gia Lai), cho biết: “Nếu nhà có 5 con bò thì chỉ non chục ngày là ăn hết một cây rơm, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Năm nay rơm rạ sốt giá, tăng lên đến 2,4 triệu đồng/cây rơm. Đắt đỏ thế nhưng không đủ rơm để bán. Người dân đành cho bò ăn rơm cầm chừng”.
Đại hạn 'giết' bò Tây Nguyên - ảnh 1

Đàn bò gầy nhom vì đồng khô cỏ cháy


Cả một vựa lúa nước gần 15.000 ha của khu vực Ayun Hạ cũng không đủ rơm rạ cho đàn bò ở các huyện lân cận như Chư Sê, Krông Pa, TX.Ayun Pa. Nhiều người dân bấm bụng trả thêm tiền mới mong mua được rơm cho bò ăn. Anh Nguyễn Văn Lý, một người dân ở H.Đăk Đoa, kể: “Tôi hỏi người quen mua rơm cho đàn bò 10 con đang thiếu ăn. Họ kêu giá hơn 4,5 triệu đồng/xe tải loại 8 tấn, đắt hơn năm trước chừng 400.000 – 500.000 đồng. Đã vậy, phải cắt cử hai người chăn bò và cắt cỏ thêm chẳng ăn thua”.
Những người dân không mua được rơm buộc phải mua mì lát, bột ngô, cám khuấy nước cho bò uống những mong chúng khỏi quỵ vì đói. Các huyện như Ia Pa, Chư Prông, Chư Pưh, Kon Chro, tình cảnh cũng chẳng khá hơn. Nhiều hộ dân vì chủ quan không trữ, lại không mua được rơm nên chỉ cho bò ăn thức ăn tinh cầm chừng.
Người, bò cùng khổ
Đại hạn 'giết' bò Tây Nguyên - ảnh 2

Phải tìm những vũng nước còn sót lại cho bò

Chưa năm nào người nuôi bò ở Gia Lai phải đối mặt với những thách thức lớn như năm nay. Cứ mỗi con bò trưởng thành nuôi từ bò bê lên, người dân có thể lãi từ 4-5 triệu đồng/con trong thời gian 4 – 5 tháng. Đây cũng là cách chăn nuôi tương đối hiệu quả bởi Tây nguyên vốn là vùng chuyên canh nhiều loại cây trồng. Chỉ cần nuôi độ 10 con bò trở lại, nông dân có thể cung cấp đủ phân bón cho khoảng 4 – 5 ha cây trồng. Nhưng hơn nửa năm nay người nuôi bò lỗ nặng, mỗi con bò trưởng thành chỉ lời khoảng 2 – 3 triệu đồng/con. Đặc biệt năm nay, El Nino hoành hành khiến người nuôi bò điêu đứng. Đàn bò thiếu thức ăn, chậm lớn, người nuôi phải bỏ thêm chi phí, mua cám cho bò ăn để giữ đàn bò bớt xuống ký.
Không chỉ đối mặt với cơn đói, đàn bò còn phải đối mặt với cơn khát. Bởi tại Gia Lai cũng như khu vực Tây nguyên, hàng trăm sông suối cạn khô từ hơn hai tháng nay. Nhiều người đưa bò vào rừng xa cũng phải tìm chỗ cho bò uống nước. Mỗi chiều, dọc bờ sông Ba chảy qua các huyện, thị vùng đông và đông nam của Gia Lai, hàng ngàn con bò chen nhau uống nước.
Anh Phan Đình Huy, người được người dân phong là “Vua bò” từ nhiều năm nay ở Gia Lai cũng không tránh khỏi khó khăn về nguồn thức ăn cho bò. Đàn bò 3.200 con của anh ở khu vực giáp ranh của hai huyện Phú Thiện và Chư Sê đang thiếu thức ăn. Anh Huy nói: “Thiếu cỏ cho bò quá, tôi đã chủ động nguồn rơm rạ vẫn không đủ. Mỗi tháng phải bỏ từ 30 – 50 triệu đồng mua thêm thức ăn tinh để duy trì sức cho đàn bò. Phải chờ có mưa mới có cỏ cho bò”.
Tìm những vùng cỏ tốt cho đàn đại gia súc của Gia Lai thời điểm này chẳng khác nào “tìm thúng úp voi”. Nông dân Tây nguyên chỉ biết ngửa cổ trông trời có những cơn mưa lớn để giải hạn.
 

Trần Hiếu