23/01/2025

Chỉ nhà thầu Trung Quốc có hồ sơ hợp lệ (!?)

Việc cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 có qúa trình mời thầu, trúng thầu ra sao? Có hay không sự “thông thầu”?

 

Chỉ nhà thầu Trung Quốc có hồ sơ hợp lệ (!?)

 

Việc cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 có qúa trình mời thầu, trúng thầu ra sao? Có hay không sự “thông thầu”?

 

 

 

 

Chỉ nhà thầu Trung Quốc có hồ sơ hợp lệ (!?)
Khắc phục đường ống nước sông Đà bị vỡ đoạn km21+400 trên đại lộ Thăng Long qua huyện Quốc Oai, Hà Nội – Ảnh: Tuấn Anh

 

 

Đã có 21 nhà thầu mua hồ sơ gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2, nhưng khi nộp hồ sơ chỉ còn lại bốn. Sau đó có hai hồ sơ không hợp lệ, một hồ sơ không đạt nên chỉ còn Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) trúng thầu.

Liên quan đến gói thầu CCOG09 – cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện, ngày 1-8-2015, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) có quyết định phê duyệt điều chỉnh một số nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu và phê duyệt dự toán một số gói thầu, trong đó có gói CCOG09. Ngày 11-9-2015, tiếp tục có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự toán các gói thầu.

Theo đó, gói thầu CCOG09 được xác định trị giá trên 667 tỉ đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu là “đấu thầu rộng rãi quốc tế”. Thời gian lựa chọn nhà thầu quý 2, 4-2015. Cùng ngày, gói thầu được phê duyệt hồ sơ mời thầu, đăng tải thông báo mời thầu trên báo Đấu Thầu ngày 3-8-2015. Tính đến thời điểm đóng thầu vào ngày 
30-9-2015, tổng cộng đã có 21 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu.

Sửa đổi nhiều nội dung mời thầu

Tuy nhiên trong quá trình mời thầu, ngày 3-9-2015, phía chủ đầu tư đã sửa đổi nhiều nội dung hồ sơ mời thầu của gói thầu như: sửa đổi về thời gian đóng và mở thầu, điều khoản thanh toán, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu…

Có bốn nhà thầu có văn bản đề nghị làm rõ hồ sơ dự thầu gồm Công ty Hydrochina Corporation, Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing, Công ty Saint-Gobain PAM, Công ty TNHH dịch vụ kỹ thương An Phát…

Tuy nhiên cuối cùng, trước thời điểm đóng thầu chỉ có bốn nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm Công ty Hydrochina Corporation, Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing, Công ty Saint-Gobain PAM và liên danh Jsaw – Newtatco.

Ngày 18-11-2015 sau khi tổ thẩm định dự án của chủ đầu tư thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, đoàn khảo sát của chủ đầu tư đã đi khảo sát tại Công ty Cấp nước Bình Dương (Biwase).

Tiếp đó đoàn tiếp tục khảo sát và có báo cáo về chuyến thăm nhà máy của nhà thầu Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing và Jindal Saw thuộc nhà thầu liên danh Jsaw – Newtatco.

Đến ngày 16-12-2015, chủ tịch HĐQT Viwasupco có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu, theo đó chỉ có duy nhất nhà thầu Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing được phê duyệt đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu.

Hai ngày sau đó, hồ sơ của nhà thầu được mở niêm phong tại trụ sở của tòa nhà Vinaconex (34 Láng Hạ, Hà Nội). Trải qua một số bước khác, đến ngày 27-1-2016 Viwasupco đã tổ chức thương thảo hợp đồng với Công ty Xinxing.

Chỉ nhà thầu Trung Quốc có hồ sơ hợp lệ (!?)
Công nhân khắc phục đoạn ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ 13 – Ảnh: Tuấn Anh

Tổ trưởng tổ chuyên gia đánh giá “không đạt”

Tổ chuyên gia đã đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu trong gần một tháng (từ 18-12-2015 đến 13-1-2016) trên hai tiêu chí: tính hợp lệ và đánh giá chi tiết.

Về tính hợp lệ, có ba chuyên gia đánh giá không đạt vì hồ sơ không đáp ứng được giá dự thầu biểu hiện có điều kiện, gây bất lợi cho chủ đầu tư về điều kiện thanh toán, trách nhiệm của chủ đầu tư; trách nhiệm của nhà thầu sau giao hàng về việc đảm bảo giao hàng hóa đến chân công trình; việc uỷ quyền của nhà thầu không thể hiện được đầy đủ năng lực và tính chuyên nghiệp.

Trong khi đó về đánh giá chi tiết hợp đồng, đáng chú ý có ba chuyên gia khác không được tham gia đánh giá do phân công.

Đặc biệt, chính tổ trưởng tổ chuyên gia đã không tham gia đánh giá chi tiết hợp đồng và cũng chính tổ trưởng là người cho đánh giá “không đạt” ở phần tính hợp lệ của hồ sơ.

Kết quả tổ chuyên gia chấm cho Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing 95,05 điểm và đề nghị “chủ đầu tư cho tiến hành thương thảo hợp đồng” với nhà thầu trên. Tuy nhiên tổ chuyên gia chỉ lưu ý chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu chi tiết các khoản chi phí, phí, lệ phí, thuế… trong bước thương thảo hợp đồng để tránh ảnh hưởng đến phát sinh và tranh chấp sau này.

Nội dung thẩm định của Trung tâm hỗ trợ đấu thầu (Bộ Kế hoạch – đầu tư) cũng cho rằng trung tâm nhận thấy đến thời điểm trình duyệt kết quả đấu thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài quá 60 ngày là không tuân thủ quy định Luật đấu thầu.

Ngoài ra về tính cạnh tranh, công bằng, Trung tâm hỗ trợ đấu thầu cũng cho rằng: “Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính còn có một số lưu ý được ghi nhận lại của một số thành viên tổ chuyên gia”.

Tuy nhiên cuối cùng, ngày 4-2, Trung tâm hỗ trợ đấu thầu đã kiến nghị Viwasupco phê duyệt kết quả lựa chọn đấu thầu cho Công ty Xinxing với giá đề nghị trúng thầu là trên 26,2 triệu USD.

“Phải theo ý kiến đa số”

Liên quan tới việc lựa chọn nhà thầu, Tuổi Trẻ đã có trao đổi với ông Trương Quốc Dương, phó tổng giám đốc Viwasupco. Ông Dương nói: Đến thời hạn đóng thầu thì có hai nhà thầu, còn lại không đạt yêu cầu về tính hợp lệ của hồ sơ đấu thầu kỹ thuật, trong đó Công ty Saint-Gobain PAM không bảo đảm dự thầu, Công ty Hydrochina Corporation bảo đảm dự thầu không hợp lệ.

Liên danh nhà thầu Jindal Saw – Newtatco cũng không đạt ở mục kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự.

Tính tại thời điểm mở thầu, đơn vị này có ưu thế về sản xuất các loại ống gang dẻo phi 1300 nhưng để sản xuất loại ống phi 1800 thì mới chỉ cung cấp được khoảng 300m và chưa có chứng chỉ về vật liệu. Do đó, kết quả cuối cùng đơn vị thắng thầu thuộc về Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing.

* Có ba chuyên gia trong tổ thẩm định đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của Xinxing không đạt nhưng tại sao Xinxing vẫn được lựa chọn?

– Khi chấm thầu là tuân thủ theo nguyên tắc đại đa số, những ý kiến của các chuyên gia kia nói không đạt thì chỉ tổng hợp và lưu ý thôi. Còn ý kiến đó sẽ cho qua vì phải chiếu theo ý kiến đa số.

* Có thông tin Viwasupco đã chuyển nhượng 43,6% cổ phần của công ty cho đối tác Singapore là Acuatico?

– Đúng vậy. Thành viên HĐQT của công ty hiện nay có hai thành viên của đối tác Singapore trong tổng số năm thành viên. Tuy nhiên nếu hai thành viên này không chọn thì cũng không thông qua được và ngược lại.

* Có hay không việc đối tác sở hữu 43,6% cổ phần của Viwasupco có sở hữu chéo tại Công ty Xinxing?

– Hiện tại cái này theo tôi biết thì khẳng định là không có chuyện đó.

* Ông Phạm Sanh (chuyên gia giao thông):

Quá nhiều điều 
“khôi hài”

Ban quản lý dự án đã tổ chức đấu thầu theo Luật đấu thầu nhưng chưa được chặt chẽ lắm. Trong cuộc đấu thầu dự án trên có bốn nhà thầu tham gia, nhưng khi xét thầu thì có nhà thầu không có giấy bảo lãnh ngân hàng là điều “khôi hài” thứ nhất.

Bởi vì tham gia một cuộc đấu thầu quốc tế mà nhà thầu không nộp bảo lãnh theo quy định để tự loại mình khỏi cuộc thầu. Điều “khôi hài” thứ hai là nhà thầu thứ hai Trung Quốc lại nộp giấy bảo lãnh có thời gian hiệu lực ngắn hơn so với quy định đấu thầu. Không ai dại đi đấu thầu lại đưa vào hồ sơ giấy bảo lãnh không đúng thời gian để tự mình đánh rớt thầu.

Điều “khôi hài” thứ ba là khi vào vòng trong thầu, nhà thầu Ấn Độ lại chưa lo được giấy ISO nên không đủ điều kiện tham gia thầu.

Như vậy, đứng về Luật đấu thầu, ban quản lý dự án đã xử lý cuộc đấu thầu không sai vì đã loại dần các nhà thầu không thực hiện theo đúng quy định về đấu thầu và đã chọn ra một nhà thầu có giá rẻ hơn so với dự toán thầu.

Tuy nhiên, Luật đấu thầu cũng quy định trong trường hợp còn một nhà thầu, chủ đầu tư có thể hủy thầu, báo cấp trên để xử lý hoặc đưa ra đấu thầu tiếp…

Hiện tượng “khôi hài” diễn ra nhiều lần với các nhà thầu tự loại mình ra khỏi cuộc đấu thầu như nhiều người nói đây là hiện tượng “thông thầu”, dù pháp luật của ta chưa điều tra ra. Hiện tượng “thông thầu” đã xảy ra nhiều trên thế giới và VN cũng không mới.

NGỌC ẨN ghi

Đúng quy định,
nhưng chưa chắc rẻ

Việc gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện phục vụ dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 có bốn nhà thầu có hồ sơ hợp lệ, nhưng ba không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, cuối cùng chủ đầu tư đã chấp nhận nhà thầu Trung Quốc Xinxing (duy nhất đủ điều kiện), theo một lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch – đầu tư, vẫn đúng luật.

Theo vị này, ngay cả khi có 9 nhà thầu tham gia, mà 8 nhà thầu không đủ điều kiện thì nhà thầu còn lại trúng thầu.

Trả lời câu hỏi vậy liệu có kẽ hở để việc đấu thầu bị ém thông tin, chỉ còn vài nhà thầu thông đồng với nhau để một đơn vị thắng, vị lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn quy định rất chặt chẽ.

Ví dụ quy định hiện hành, việc đấu thầu bắt buộc phải đăng tải trên báo Đấu Thầu và hệ thống thông tin đấu thầu quốc gia. Nếu đơn vị nào không đưa thông tin lên là vi phạm quy định.

Với việc giảm được 11,8% chi phí, theo vị lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, là bình thường. Bởi đã có nhiều dự án nhà thầu châu Âu, có thể qua đấu thầu, khi thấy áp lực cạnh tranh mạnh, họ giảm giá được tới 20-30%, thậm chí đã có dự án giảm tới 50% so với dự toán của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết dự án đường ống nước sông Đà là dự án của Hà Nội, do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành và họ tự quyết, Cục Quản lý đấu thầu không nắm cụ thể từng dự án.

C.V.KÌNH ghi

LÂM HOÀI