24/01/2025

VN hút vốn IPO nhiều nhất ASEAN

Hãng Bloomberg công bố thống kê cho biết thị trường chứng khoán VN hiện dẫn đầu các nước ASEAN trong việc huy động vốn từ các đợt IPO năm 2016.

 

VN hút vốn IPO nhiều nhất ASEAN


Hãng Bloomberg công bố thống kê cho biết thị trường chứng khoán VN hiện dẫn đầu các nước ASEAN trong việc huy động vốn từ các đợt IPO năm 2016.




Sàn giao dịch chứng khoán tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Sàn giao dịch chứng khoán tại TP.HCM – Ảnh: Diệp Đức Minh


Theo số liệu được Bloomberg công bố hôm qua, trong 3 tháng đầu năm 2016, 35 công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở VN đã thu được hơn 170 triệu USD. Đứng thứ hai sau VN là Malaysia với gần 100 triệu USD. Xếp sau khá xa là Thái Lan với khoảng hơn 30 triệu USD. Trong khi đó, lượng vốn IPO trên toàn cầu trong quý 1/2016 là 14,5 tỉ USD, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bloomberg cũng nhận định VN hiện có nguồn hàng IPO dồi dào nhờ vào số lượng lớn các công ty nhà nước đang lên kế hoạch IPO, với 177 công ty dự kiến phát hành từ đây đến năm 2020, bao gồm MobiFone và Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines), theo số liệu từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Cạnh tranh gay gắt
Thống kê của Bloomberg cũng đánh dấu việc thị trường chứng khoán Singapore mất vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực thu hút IPO ở khu vực Đông Nam Á. Trong 3 tháng đầu năm 2016, các công ty phát hành IPO ở Singapore chỉ thu về tổng cộng 34 triệu USD. Còn trong cả năm 2015, con số này chỉ vào khoảng 366 triệu USD, mức thấp nhất trong 14 năm. Số vốn đó chưa bằng 10% thị trường Thái Lan, bằng 1/3 so với Malaysia và một nửa so với Indonesia.
“Các sàn chứng khoán nhỏ hơn ở Đông Nam Á đang quảng bá vai trò địa điểm phát hành của họ. Việc các công ty Indonesia phát hành ở Jakarta và công ty Thái Lan phát hành ở sàn chứng khoán Thái Lan là hợp lý”, ông Pankaj Goel, người phụ trách lĩnh vực đầu tư ở Đông Nam Á của Tập đoàn Credit Suisse nói với Bloomberg.
VN hút vốn IPO nhiều nhất ASEAN - ảnh 1

Biểu đồ lượng vốn IPO ở 5 thị trường lớn của Đông Nam Á – Ảnh: Bloomberg

Theo các chuyên gia, xu hướng trên xảy ra không phải vì chất lượng dịch vụ của thị trường chứng khoán Singapore đi xuống mà vì sự cạnh tranh đang gia tăng giữa các đối thủ trong khu vực. Chẳng hạn, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang có kế hoạch lập sàn chứng khoán cho các công ty công nghệ mới ra đời. Kế hoạch của Jakarta là xây dựng sàn chứng khoán lớn nhất khu vực trong vòng 5 năm. Sàn chứng khoán Philippines cũng gặt hái thành công trong việc thu hút các công ty đa quốc gia hoạt động tại nước này phát hành IPO ở Manila.
Những số liệu này báo hiệu một sự dịch chuyển đáng kể ở Đông Nam Á. “Quan điểm lâu đời rằng chỉ có 3 trung tâm chính ở châu Á – Hồng Kông, Tokyo và Singapore – chắc chắn sẽ không còn tồn tại trong tương lai”, Chủ tịch sàn chứng khoán Philippines Hans Sicat nói.
Tuy vậy, ông Chew Sutat, một lãnh đạo sàn chứng khoán Singapore, cho rằng sự phát triển của các thị trường chứng khoán Đông Nam Á là tích cực. “Nó có lợi cho khu vực, giúp chúng tôi trở thành một thị trường vốn sôi động hơn”, ông Sutat nói với Bloomberg.

Công Chính