23/01/2025

Siết ngoại tệ, hết cửa ‘ăn’ chênh lệch lãi suất

Hết hôm nay (31.3) các ngân hàng thương mại sẽ ngưng không cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh trong nước, theo quy định trong Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 8.12.2015.

 

Siết ngoại tệ, hết cửa ‘ăn’ chênh lệch lãi suất

 

Hết hôm nay (31.3) các ngân hàng thương mại sẽ ngưng không cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh trong nước, theo quy định trong Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 8.12.2015.





Siết ngoại tệ, hết cửa ‘ăn’ chênh lệch lãi suất


Thực ra, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần gia hạn quy định này bởi cứ gần đến ngày ngưng cho vay, thị trường ngoại tệ lại trở nên căng thẳng. Nhưng lần này thì ngược lại, một vài ngày trước “giờ G”, thị trường ngoại tệ khá yên ổn. Ngày 30.3, giá USD tại các ngân hàng (NH) tiếp tục giảm nhẹ 10 – 20 đồng/USD so với ngày 29.3. Giá mua – giá bán USD tại Eximbank còn 22.250 – 22.330 đồng/USD; Vietcombank còn 22.260 – 22.330 đồng/USD; ACB còn 22.240 – 22.320 đồng/USD…
Chuyển vay mượn sang mua bán ngoại tệ
Theo giới kinh doanh ngoại tệ NH, nguồn cung USD trên thị trường hiện khá dồi dào. Do thị trường không “tiêu thụ” hết lượng USD dẫn đến giá mua USD của NH thương mại thấp hơn giá mua USD tại Sở Giao dịch NHNN và NHNN đã thực hiện mua USD khối lượng lớn trong thời gian qua. Diễn biến này đang ủng hộ việc thực thi quy định ngưng cho vay để chuyển sang quan hệ mua – bán ngoại tệ của NH đối với DN sản xuất kinh doanh trong nước.
Giải thích về việc chuyển từ quan hệ vay mượn sang mua – bán ngoại tệ, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nói: “Trước đây, khi nền kinh tế còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, để khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, NHNN đưa ra chủ trương cho DN vay bằng USD. Bởi lúc đó lãi suất USD thấp hơn VND và kỳ vọng tỷ giá không tăng do đó DN vay USD sẽ có lợi hơn về mặt lãi suất. Tuy nhiên, các DN này cũng phải bán lại USD ngay khi giải ngân cho NH và dùng tiền VND để kinh doanh. Ở thời điểm hiện tại, cùng với chủ trương chống đô la hóa, lãi suất huy động USD giảm về 0%, nền kinh tế đã tăng trưởng, NHNN thấy cần phải “siết” lại”.
Theo một chuyên gia tài chính, việc ngưng cho vay USD sẽ khiến một số DN không còn thực hiện được chiêu “ăn” chênh lệch lãi suất “đô – đồng” như đã từng xảy ra. Trước đây, lãi suất vay USD khoảng 2,8 – 3,5%/năm, lãi suất gửi VND 5 – 7%/năm, giữa 2 đồng tiền vẫn có mức chênh lệch từ 2,2 – 3,5 điểm % nên nhiều DN đã thực hiện vay USD chuyển qua tiền VND để ăn chênh lệch lãi suất. Với quy định này, theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, DN sẽ “hết cửa” lách. Hơn nữa, khi chuyển sang quan hệ mua bán, DN sẽ chủ động đi mua USD kỳ hạn thay vì đi vay như hiện nay và họ sẽ chủ động trong kế hoạch kinh doanh, giảm thiểu được rủi ro về tỷ giá.
Chi phí vốn sẽ tăng
Dù đã biết chủ trương này từ khá sớm nhưng nhiều DN vẫn không khỏi lo lắng và than khó. Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu đồ nhựa sang thị trường châu Âu cho biết công ty ông ký hợp đồng tín dụng vay 200.000 USD với NH trước thời điểm 1.1.2016 (thời điểm thông tư có hiệu lực), hợp đồng kéo dài đến hết năm 2016. Nay nếu phải tất toán sớm sẽ chưa kịp thu ngoại tệ về để trả nợ. “Nếu không có USD để trả nợ thì liệu các NH có xử phạt hay không? Liệu NH có buộc DN phải mua USD với giá cao hay không”, vị này nghi ngại.
Đặt nghi ngại trên lên bàn tổng giám đốc một NH, ông này trả lời theo quy định “chuyển tiếp” tại thông tư đối với các hợp đồng ký kết trước thời điểm 1.1.2016, thì các NH và DN vẫn tiếp tục được thực hiện cho đến khi kết thúc. Chỉ có các hợp đồng mới ký sau thời điểm này mới phải thực hiện theo quy định tại thông tư. Ông Bùi Quốc Dũng cũng cho biết, qua theo dõi trên hệ thống dư nợ tín dụng đối với các DN đang vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh trong nước chiếm một tỷ lệ “rất ít” trên tổng dư nợ cho vay ngoại tệ. Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động/cho vay ngoại tệ hiện ở mức 70% là con số khá an toàn. “Trong quý 1/2016, huy động tín dụng giảm nhưng dư nợ tín dụng giảm mạnh hơn, hiện giảm 3% so với cuối năm 2015. Điều đó cho thấy một lượng ngoại tệ lớn đang găm giữ, đầu cơ được giải phóng và thanh khoản ngoại tệ được đảm bảo”, ông Dũng khẳng định.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC VN, nhận xét DN không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND. Lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất vay USD nên chi phí vay vốn tăng lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vay bằng VND đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi vay “đô – đồng” hiện nay không quá lớn. Ông Hải nhấn mạnh: “Quy định này cũng đã được gia hạn một vài năm nhằm giúp giảm chi phí vốn vay cho DN và kích thích tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tín dụng đã mạnh trở lại, tăng trưởng kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Nghĩa là chúng ta đã đạt được mục đích. Vì vậy, cũng đã đến lúc NHNN bắt đầu thực thi quy định để từng bước thực hiện lộ trình chống đô la hoá. Hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đô la hoá nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của NHNN và Chính phủ”. Tương tự, vị tổng giám đốc NH nêu trên nói: “Chủ trương chống đô la hoá đã được thực thi với việc giảm lãi suất huy động USD về 0%/năm, việc hạn chế cho vay đầu ra cũng là cần thiết. Chặn đầu vào, phải bịt đầu ra để tránh gây áp lực cho NH trong huy động vốn, đảm bảo ổn định thanh khoản ngoại tệ, đi đúng lộ trình chống đô la hoá”.
 

Thanh Xuân – Anh Vũ