23/01/2025

Kê khai cũng khó kiểm soát giá thuốc

Từ ngày 1-4, nếu doanh nghiệp không hoàn tất thủ tục kê khai, kê khai lại giá, Bảo hiểm xã hội VN sẽ tạm dừng thanh toán chi phí mua thuốc đã trúng thầu.

 

Kê khai cũng khó kiểm soát giá thuốc

 

Từ ngày 1-4, nếu doanh nghiệp không hoàn tất thủ tục kê khai, kê khai lại giá, Bảo hiểm xã hội VN sẽ tạm dừng thanh toán chi phí mua thuốc đã trúng thầu. 

 

 

 

 

Kê khai cũng khó kiểm soát giá thuốc
Cần kiểm soát chặt giá thuốc để người bệnh chi trả đúng với giá trị của thuốc – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

Theo danh sách Cục Quản lý dược công bố, đang có gần 15.000 thuốc được kê khai giá chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Tá Tỉnh, trưởng ban dược – vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội VN, cho biết từ tháng 9-2015 Cục Quản lý dược đã công bố danh sách gần 15.000 thuốc có giá kê khai, kê khai lại chưa hợp lý, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã yêu cầu doanh nghiệp cung ứng giải trình và điều chỉnh giá kê khai.

Vẫn có hiện tượng kê khai khống giá thuốc với Cục Dược, kê khai giá “đón đầu”. Giá kê khai luôn cao hơn giá thực tế thị trường nên dù doanh nghiệp có tăng giá bao nhiêu, có đi đấu thầu thuốc giá cao thế nào cũng không bị phạt

PGS.TS.DS PHẠM KHÁNH PHONG LAN 
(phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM)

Bệnh viện, bảo hiểm cùng bối rối

Trong số gần 15.000 cái tên được Cục Quản lý dược công bố là có giá thuốc kê khai, kê khai lại không hợp lý, có trên 8.400 mặt hàng thuốc nhập khẩu, gần 6.500 mặt hàng sản xuất trong nước.

Có những mặt hàng đã kê khai, kê khai lại từ năm 2011-2015 và được xác định giá kê khai như vậy là chưa hợp lý, buộc phải kê khai lại.

Theo hướng dẫn ngày 16-3 của Bảo hiểm xã hội VN, cơ quan bảo hiểm và bệnh viện sẽ cùng đối chiếu, rà soát, trường hợp thuốc đã sử dụng, được thanh toán, nếu phát hiện kê khai, kê khai lại chưa hợp lý sẽ phải thu hồi khoản chênh lệch giá đó về quỹ bảo hiểm.

Đáng nói là công việc rà soát ở khoảng 1.200 bệnh viện trên toàn quốc, xem từ năm 2011 đến nay họ đã dùng những thuốc nào trong gần 15.000 thuốc bị kê khai, kê khai lại không hợp lý là một yêu cầu quá khó khăn, kể cả với cơ quan bảo hiểm và bệnh viện.

“Tại sao mỗi năm tổ liên ngành về giá thuốc không xem xét tính hợp lý của giá thuốc kê khai, kê khai lại một lần, nay họ rà soát và tung ra một chùm gần 15.000 thuốc kê khai không hợp lý từ 2011-2015, ước tính khoản tiền nếu thu hồi được cũng cả trăm tỉ đồng. Nhưng để đòi được rất mất công vì chúng tôi chỉ làm việc với bệnh viện, phải thanh toán khoản chênh lệch ấy với bệnh viện, mà bệnh viện thì đấu thầu, mua thuốc của công ty dược và cũng đã trả tiền” – một chuyên gia của Bảo hiểm xã hội VN nói về những rắc rối với những thuốc đã mua trước năm 2015.

Rắc rối hơn nữa ở nhóm thuốc trúng thầu sử dụng cho năm 2016 (nằm trong số 15.000 thuốc có giá kê khai chưa hợp lý), theo Bảo hiểm xã hội VN, nếu doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục kê khai lại trên mạng của Cục Quản lý dược thì bệnh viện không được có thuốc, lấy thuốc ở đâu chữa bệnh?

Chưa kể người bệnh cũng bị thiệt thòi. Theo dược sĩ Nguyễn Thị Lầu – trưởng khoa dược Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, nếu không kiểm soát chặt chẽ để giá kê khai không phù hợp với giá trị thực của thuốc thì người bệnh sẽ trả thêm một khoản tiền vô lý, khiến họ thiệt thòi về tài chính, thêm khó khăn.

Giải quyết lúng túng này thế nào?

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho hay đã nhận được văn bản của 2 địa phương (trong đó có TP.HCM) và một số bệnh viện lớn, đề nghị hướng dẫn giải quyết rắc rối này. “Việc kê khai, kê khai lại giá thuốc lại là công việc của bên Cục Quản lý dược” – bà Hương cho biết.

Ông Nguyễn Tá Tỉnh đề xuất nên giao doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về giá kê khai của mình. Trường hợp doanh nghiệp kê khai sai về giá thuốc họ sẽ bị xử phạt nghiêm. Một chuyên gia khác thì cho rằng việc đấu thầu thuốc cho hơn 1.200 bệnh viện toàn quốc đều đang phải trông chờ vào việc đăng tải giá thuốc kê khai, kê khai lại tại Cục Quản lý dược.

“Việc này có gì khó đâu, theo tôi, nếu mời nhiều chuyên gia công nghệ thông tin và giá về xem xét giá kê khai và đăng tải thì hoàn thành việc công khai giá thuốc ngay thôi” – chuyên gia này cho biết.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Thanh Huyền – phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết khi tổ chức đấu thầu thuốc cung ứng vào bệnh viện, cơ quan chức năng phải căn cứ vào giá kê khai của doanh nghiệp để xây dựng giá kế hoạch.

Căn cứ để xây dựng giá kế hoạch là giá trúng thầu của các mặt hàng thuốc trong vòng một năm. Khi hội đồng đấu thầu chấm thuốc nào trúng thầu thì trong hồ sơ của doanh nghiệp đó đã có bảng giá kê khai của doanh nghiệp, có cam kết bán không quá giá kê khai theo quy định của Cục Dược. Khi phát hiện giá bán cao hơn giá kê khai, doanh nghiệp đó bị xử lý theo quy định và cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền chênh lệch do giá bán cao hơn giá kê khai.

“Bảo hiểm xã hội tuy có tham gia vào một số khâu của quá trình đấu thầu thuốc nhưng chúng tôi không thể biết được giá thuốc đó của doanh nghiệp có hợp lý hay không. Do vậy chúng tôi chỉ có thể rà soát lại giá thuốc để thanh toán cho người bệnh bảo hiểm y tế dựa trên giá kê khai được thông báo trên trang web của Cục Dược. Có những thuốc không có giá trên mạng của Cục Dược thì doanh nghiệp phải cam kết bán không quá giá kê khai”, bà Huyền nói.

Theo PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thị trường hiện có khoảng 30.000 thuốc nhưng việc kiểm soát giá thuốc của cơ quan chức năng còn lúng túng. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải lành mạnh hoá thị trường bằng các quy định hạn chế tầng nấc trung gian, quy định thặng số tối đa của thuốc từ giá đầu tiên cho đến tay người sử dụng, chống kê khai giá khống, in giá thuốc lên bao bì…

Thu hồi nhiều chục tỉ tiền thuốc

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN, vừa qua Quỹ bảo hiểm y tế đã thu hồi được 18 tỉ đồng, sau khi đàm phán với các nhà cung cấp gần 50 thuốc có hàm lượng lạ, hàm lượng không phổ biến có mức giá bất hợp lý và đã trúng thầu vào các bệnh viện. Ngoài ra, riêng TP.HCM thu được 20 tỉ đồng về quỹ do đàm phán với các nhà cung cấp có thuốc trúng thầu vào TP.HCM giá cao hơn các tỉnh thành khác.

Nhiều yếu tố quyết định giá thuốc

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thuốc (xin giấu tên) cho hay theo quy định hiện nay, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc muốn đưa thuốc ra thị trường phải nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành thuốc lên Cục Quản lý dược (Cục Dược, Bộ Y tế).

Khi có số đăng ký thuốc rồi doanh nghiệp mới báo giá thuốc về Cục Dược. Khi gửi báo giá về Cục Dược và được chấp thuận, Cục Dược mới đưa giá lên trang web của cục. Nếu không chấp thuận, Cục Dược đề nghị doanh nghiệp phải giảm xuống bằng giá công ty khác.

Nếu doanh nghiệp thấy yêu cầu giảm giá không phù hợp sẽ gửi văn bản giải trình với Cục Dược không giảm giá được thì “họ cứ để đấy” và không đưa giá thuốc của doanh nghiệp lên trang web của Cục Dược.

Theo vị giám đốc này, với thuốc bán tự do ngoài thị trường thì dù Cục Dược có đưa hay không đưa giá lên mạng thì doanh nghiệp vẫn bán theo giá đã báo. Nhưng với các thuốc trúng thầu cung ứng vào bệnh viện phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế mà Cục Dược không đưa giá lên mạng thì không được thanh toán.

Trong khi bệnh viện đã lấy thuốc của doanh nghiệp cấp cho bệnh nhân nhưng không được bảo hiểm xã hội thanh toán lại thì bệnh viện không có tiền trả cho doanh nghiệp và chắc chắn bệnh viện cũng không lấy thuốc của doanh nghiệp nữa.

“Giá thành của viên thuốc phụ thuộc nhiều yếu tố như nguồn gốc nguyên liệu – phụ liệu, máy móc thiết bị, nhà xưởng, kỹ thuật và công nghệ sản xuất, lương công nhân, quảng cáo tiếp thị sản phẩm mới, vận chuyển… Ví dụ giá thuốc bán ở TP.HCM phải thấp hơn do sản xuất ở TP.HCM, nếu bán ở Hà Giang phải cao hơn vì phải tính chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo quản” – vị giám đốc này nói.

LAN ANH – LÊ THANH HÀ ([email protected]) ([email protected])