23/01/2025

Đâu là thực phẩm ‘sạch’?

Rau muống trồng từ nhớt thải, heo có chất cấm, thịt bò bơm nước, trái cây ngâm thuốc giục chín, cà phê hoá chất, sữa đậu nành từ bột tinh luyện… chỗ nào cũng có thực phẩm bẩn.

 Đâu là thực phẩm ‘sạch’?

Rau muống trồng từ nhớt thải, heo có chất cấm, thịt bò bơm nước, trái cây ngâm thuốc giục chín, cà phê hoá chất, sữa đậu nành từ bột tinh luyện… chỗ nào cũng có thực phẩm bẩn.

Sự mất an toàn đang bủa vây cuộc sống của người dân thành phố, khiến họ thực sự khiếp sợ. Mua thực phẩm sạch ở đâu? Ai đảm bảo thực phẩm đó an toàn là nỗi trăn trở của hàng triệu bà nội trợ mỗi ngày xách giỏ đi chợ.

Chị bạn tôi cho biết đã từ lâu gia đình chị chỉ ăn thực phẩm ở quê gửi ra. Cứ nửa tháng một lần, mẹ chị đóng thùng thịt heo, gà, cá, trái cây, gạo, đậu… gửi xe đò từ Quảng Trị vào TP.HCM. Riêng rau dễ dập nát, hư hỏng và không để được lâu nên chị đành chấp nhận mua ở các siêu thị uy tín. “Nhưng thực lòng mình vẫn không yên tâm”, chị nói.

Đó là giải pháp đối phó của rất nhiều gia đình ở TP.HCM, Hà Nội và một số TP lớn hiện nay trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng khó kiểm soát. Nhưng đó chỉ là số nhỏ, rất nhỏ. Phần lớn người dân TP vẫn hằng ngày phải sử dụng thực phẩm chứa chất cấm. Hàng triệu công nhân ở các khu công nghiệp đang trở thành “đích đến” của rau bẩn, thịt bẩn. Nhưng họ không có sự lựa chọn.

Thậm chí ngay cả khi họ có điều kiện để lựa chọn đi nữa thì ngoài những khuyến cáo về xem rõ nguồn gốc sản phẩm, xem rõ hạn sử dụng… không có ai, không có gì đảm bảo cho một sản phẩm đang bán trên thị trường hiện nay là an toàn; kể cả thực phẩm đóng dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng thì vẫn “bẩn” như thường.

Nguyên nhân của tình trạng này là chúng ta đang thực hiện quy trình ngược. Đơn cử, theo quy định của Bộ NN-PTNT, gia súc phải được chuyển đến cơ sở giết mổ trước ít nhất 6 tiếng, phải được khám sức khoẻ, được vệ sinh sạch sẽ… rồi mới đưa vào mổ. Nhưng ở rất nhiều lò, quy định này không tồn tại. Heo, bò, gà cứ đưa vào là mổ. Mổ xong cán bộ thú y mới tới và hầu hết là làm một thủ tục hành chính, đóng dấu thông hành rồi đi thẳng ra chợ.

Nghĩa là thay vì kiểm soát chặt tại nguồn, là nơi nuôi, trồng, các lò mổ… thì chúng ta vẫn chỉ chăm chú đến thiết lập mạng lưới dày đặc các trạm kiểm dịch. Mà chuyện không kiểm dịch vẫn đóng dấu thông hành hay kiểm dịch mà thực phẩm vẫn bẩn… đã bị phanh phui quá nhiều. Thế nên, thực phẩm dấu má đầy đủ nhưng heo nhiễm chất cấm, bò bơm nước nhiễm khuẩn, gà nhuộm vàng ô, rau – củ – quả ngâm hoá chất vẫn leo lên mâm cơm của hàng triệu người dân TP mỗi ngày.

Để được nhập khẩu và giết mổ bò Úc, các đơn vị trong nước phải xây dựng khu nuôi nhốt bò, sử dụng công nghệ giết mổ theo tiêu chuẩn Hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng bên xuất khẩu (ESCAS). Toàn bộ quá trình này được chuyên gia Úc giám sát. Cơ sở nào không tuân thủ hoặc vi phạm các điều kiện của họ sẽ bị ngừng cung ứng bò thịt nhập khẩu ngay.

Thịt bò Úc ngày càng được ưa chuộng tại thị trường nội địa vì chất lượng tốt, giá cả phù hợp và quan trọng nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Úc còn quản lý được việc giết mổ ở VN thì không có lý gì chúng ta không kiểm soát được thực phẩm tại thị trường mình. Vấn đề ta có quyết tâm làm, làm đúng quy trình, làm từ gốc hay không mà thôi.