24/01/2025

Săn lùng thực phẩm sạch

Để tự cứu mình trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều gia đình ở thành phố nhờ người thân mua thịt cá, rau củ quả… từ quê gửi vào hoặc trực tiếp về quê “săn” thực phẩm “sạch”.

 

Săn lùng thực phẩm sạch

 

 

Để tự cứu mình trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều gia đình ở thành phố nhờ người thân mua thịt cá, rau củ quả… từ quê gửi vào hoặc trực tiếp về quê “săn” thực phẩm “sạch”.

 

 

 

 

Săn lùng thực phẩm sạch
Chị Lê Thái Anh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) thường đến cửa hàng bán nông sản sạch trên phố Nguyễn Du để chọn mua thực phẩm – Ảnh: Quang Thế

Nhiều gia đình cho biết đã đặt mua toàn bộ thực phẩm từ cá, thịt, tôm cho đến rau củ quả… ở quê rồi trữ trong tủ lạnh dành ăn dần.

Chỉ mua thực phẩm từ quê

Trên mâm cơm trưa của gia đình bà Phượng (Q.12, TP.HCM) bày biện nhiều món ăn quen thuộc: một đĩa cá thu kho tộ, canh rau, hành muối… như bao gia đình khác. Chỉ có điều đặc biệt là toàn bộ nguyên liệu cho bữa trưa này đều được gửi từ Quảng Ngãi vào.

Hôm chúng tôi đến, bà Phượng làm thêm món bánh gạo cho cả nhà thay đổi khẩu vị. “Ăn toàn đồ ở ngoải gửi vô, không được phong phú như mua ngoài chợ nên lâu lâu tui đổi món cho cha con ổng dễ ăn” – bà Phượng cho hay.

Vừa khuấy hai hũ mắm cá cơm tự muối thơm phức, ông Tuyển – chồng bà Phượng – cho biết vài năm trở lại đây, thông tin thịt bẩn, rau hoá chất rầm rộ khiến gia đình ông mua hẳn đồ ngoài quê. Hằng tháng, người nhà ông Tuyển gom mua, đóng thùng khoảng 20kg thịt, 20kg cá, 100kg gạo. Cá, tôm thì mua ngay khi mới vào bờ. Thịt heo, thịt bò mua từ lò mổ của người anh ruột.

“Chỉ còn rau củ vì đưa “dzô” sợ giập nát nên nhà tui mới ra mua ở siêu thị, chứ không mua luôn ở ngoải…” – ông Tuyển cho biết.

Không riêng gia đình ông Tuyển, nhiều người dân Sài Gòn hiện có xu hướng đặt hàng cho người thân ở quê mua đồ ăn “sạch” rồi đóng thùng gửi vào. Anh P.V.K. (Q.2) cho biết hằng tháng đều ra bến xe Miền Đông nhận cá, thịt do người thân gửi vào rồi cho vào tủ lạnh để ăn dần.

Ngon và an tâm hơn

Để có bó rau, quả trứng, lon gạo, lạng thịt… “sạch”, không ít bà nội trợ tại Hà Nội không vào siêu thị hay đi chợ mà nhờ người quen đặt hàng từ các vùng quê lên để tích trữ trong tủ lạnh ăn dần. Gia đình có điều kiện đã mua cả đồ đặc sản ở miền núi đắt hơn giá thị trường sử dụng hằng ngày.

Những lúc cháy hàng, họ còn tìm về những hộ dân có trang trại cách xa Hà Nội hàng trăm kilômet để gom nông sản sạch.

Trời tối muộn nhưng chị Trần Thúy Vân (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân) cùng mẹ đẻ chạy tới cửa hàng bán nông sản “quê” của một người bạn tại phố Nguyễn Du, cách nhà 10km để mua rau, hoa quả. Ngày nào không ghé lấy được, chị nhờ bạn gửi tới chỗ làm, với chi phí mua rau củ sạch bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

“Lúc tôi mang bầu đứa thứ hai, cả gia đình ăn đỗ xào nhưng chỉ mình tôi bị đau bụng. Đến khi vào viện bác sĩ nói tôi bị ngộ độc thức ăn nên từ ngày đó không dám mua rau ngoài chợ nữa. Chồng tôi đi làm tận Quảng Ninh cũng tìm các loại rau sạch mang về cho mẹ con ăn dần” – chị Vân chia sẻ.

Trên đường đi đón con từ trường học, chị Lê Thái Anh (Q.Hoàng Mai) ghé đến một cửa hàng bán nông sản sạch trên phố Nguyễn Du để lấy thực phẩm. Cửa hàng này chuyên cung cấp từ hoa, rau, quả đến thịt, trứng… đều là những sản phẩm từ vùng núi như: Sa Pa, Si Ma Cai (Lào Cai), Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng.

“Nhiều khi siêu thị lớn nhưng cũng không tin tưởng bằng của người quen. Đến đây đâu phải mua hàng mà còn giới thiệu cho các con biết những sản phẩm sạch, sản phẩm từ miền núi. Không chỉ tôi mà chồng và con đều thích những sản phẩm này” – chị Anh cho biết.

Theo chị Đinh Hiền – chủ một trong những cơ sở bán nông sản sạch vùng cao có uy tín tại Hà Nội, mới đầu lập cửa hàng chủ yếu là để cung cấp cho người thân nhưng không ngờ chỉ khoảng một năm sau khi đi vào hoạt động, lượng khách nhảy vọt lên.

Mở cửa từ 8g sáng, nhưng hôm nào cũng gần 8g tối vẫn còn nhận được điện thoại nhờ chuyển hàng.

Chia sẻ thực phẩm “sạch”

Anh Thanh Tùng (đường Nguyễn Khánh Toàn, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết một số đồng nghiệp trong cơ quan anh đã lập ra nhóm riêng trên Facebook để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nông sản sạch.

Người nào có người thân ở quê trồng được rau hay nuôi được cá, lợn thì giới thiệu, rồi đặt mua để chia nhau cho vào tủ lạnh ăn dần. Ăn đồ sạch chất lượng đảm bảo thành thói quen khiến nhiều gia đình không muốn ra chợ.

Tương tự, cơ quan chị Nguyễn Thị Hải Vân (Q.2, TP.HCM) cũng mua thực phẩm “sạch” ở quê rồi chia sẻ cho nhau. Những lần về quê ở Lâm Đồng, chị Vân thường mua thịt heo, bò, gà, cá đồng, bún tươi, bún khô… đưa xuống chia cho mọi người, rồi nhận lại những đồ ăn khác.

TIẾN LONG – QUANG THẾ ([email protected])