24/01/2025

Phép thử cho sự chín chắn của nước Mỹ

Bình thường hóa quan hệ Cuba – Mỹ sẽ mang lại cơ hội lẫn nguy cơ cho Havana cũng như là một phép thử cho sự trưởng thành của Washington.

 

Phép thử cho sự chín chắn của nước Mỹ

 

Bình thường hoá quan hệ Cuba – Mỹ sẽ mang lại cơ hội lẫn nguy cơ cho Havana cũng như là một phép thử cho sự trưởng thành của Washington.





Chủ tịch Raul Castro (phải) tiếp Tổng thống Obama tại thủ đô Havana - Ảnh: AFP

 

Chủ tịch Raul Castro (phải) tiếp Tổng thống Obama tại thủ đô Havana – Ảnh: AFP


Trong bài phân tích độc quyền cho Thanh Niên, Giáo sư Jeffrey D.Sachs, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, cùng nghiên cứu sinh Hannah Sachs tại Đại học Yale nhận định bình thường hóa quan hệ với Cuba là một thử thách mới cho Mỹ.
Ông Barack Obama đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến Cuba kể từ sau chuyến công du năm 1928 của “tiền bối” Calvin Coolidge.
Sắp tới, theo chân ông sẽ là nhà đầu tư, người Mỹ gốc Cuba, du khách, học giả và cả bọn lừa đảo. Bình thường hoá quan hệ song phương sẽ mang lại cơ hội lẫn nguy cơ cho Cuba cũng như là một phép thử cho sự trưởng thành của Washington.
“Sỉ nhục” năm xưa
Cuộc Cách mạng Cuba cách đây 57 năm bị Washington coi là “sỉ nhục nặng nề” đối với “tinh thần Mỹ”. Kể từ khi lập quốc, các thế hệ lãnh đạo tin rằng mô hình Mỹ là “đúng đắn nhất, hấp dẫn nhất” và mọi quốc gia “tử tế” chắc chắn phải lựa chọn đi theo con đường do Mỹ dẫn dắt. Khi một chính phủ nước ngoài nào đó từ chối mô hình Mỹ, họ sẽ bị trừng phạt vì “làm tổn hại lợi ích và đe doạ an ninh Mỹ”.
Phép thử cho sự chín chắn của nước Mỹ - ảnh 1

Giới trẻ Cuba hân hoan chào đón ban nhạc Anh The Rolling Stones đến Cuba biểu diễn – Ảnh: Reuters


Havana chỉ cách quần đảo Florida Keys gần 145 km và đương nhiên, việc Mỹ can thiệp vào Cuba là một quá trình mang tính liên tục. Tổng thống thứ ba Thomas Jefferson từng tuyên bố vào năm 1820 rằng “khi có cơ hội phải chiếm Cuba”. Việc này cuối cùng cũng đã xảy ra vào năm 1898, khi Washington can thiệp vào cuộc nổi dậy của người Cuba chống Tây Ban Nha để củng cố vị thế bá chủ về kinh tế và chính trị của Washington trên đảo quốc này.
Trong cuộc chiến xảy ra sau đó, Mỹ chiếm Guantanamo ở phía đông nam Cuba làm căn cứ hải quân và củng cố cái gọi là quyền can thiệp Cuba trong tương lai bằng đạo luật Platt khét tiếng. Sau đó, thủy quân lục chiến Mỹ nhiều lần tiến chiếm Cuba và Washington mau chóng làm chủ hầu hết các đồn điền mía của láng giềng. Đây chính là mục tiêu kinh tế của Mỹ trong chính sách can thiệp vào Cuba.
Tướng Fulgencio Batista, người bị lật đổ bởi cuộc cách mạng của Fidel Castro, là nhân vật cuối cùng trong danh sách những nhà cầm quyền hà khắc do Washington dựng lên.
Cuộc cải cách nông nghiệp và quốc hữu hóa ruộng đất ở Cuba từ năm 1959 đã đụng chạm tới lợi ích của Mỹ trong ngành mía đường, dẫn tới các biện pháp bao vây cấm vận mới. Khi Cuba dựa vào sự hỗ trợ của Liên Xô để vượt qua, Tổng thống Dwight Eisenhower ban hành một mệnh lệnh bí mật cho CIA tìm cách lật đổ chính quyền mới và dẫn đến sự kiện Vịnh con lợn thảm khốc năm 1961.
Đến năm 1962, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev quyết định ngăn chặn phủ đầu các kế hoạch của Mỹ đối với Cuba bằng cách bí mật lắp đặt tên lửa hạt nhân ở đảo quốc này, dẫn đến cuộc khủng hoảng tên lửa đẩy thế giới đến bờ vực huỷ diệt hạt nhân.
Nhờ vào sự kiềm chế và bản lĩnh không ngờ của Tổng thống John F.Kennedy và lãnh đạo Khrushchev, nhân loại tránh được thảm họa diệt vong, Liên Xô rút tên lửa và Mỹ cam kết không tiếp tục xâm lược Cuba. Để “bù đắp”, Washington tăng gấp đôi cấm vận thương mại, yêu cầu bồi thường những phần bất động sản bị quốc hữu hoá và càng đẩy Havana về phía Moscow. Tình trạng độc canh cây mía vẫn tồn tại nhưng sản lượng xuất khẩu bấy giờ chuyển từ Mỹ sang Liên Xô.
Nửa thế kỷ qua, Cuba gặp khó khăn trùng trùng về kinh tế do mô hình lẫn cấm vận. Xét về sức mua, thu nhập bình quân đầu người của Cuba chỉ bằng 1/5 của Mỹ. Tuy nhiên, nước này vẫn đạt những thành tựu lớn về giáo dục và y tế. Tuổi thọ ở Cuba tương đương Mỹ và cao hơn nhiều so với những quốc gia Mỹ Latin khác. Mấy năm gần đây, các bác sĩ Cuba đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh ở châu Phi.
Phép thử cho sự chín chắn của nước Mỹ - ảnh 2

Ban nhạc Anh The Rolling Stones biểu diễn ở Havana, Cuba ngày 25.3.2016 – Ảnh: Reuters


Hai viễn cảnh
Bình thường hóa quan hệ ngoại giao tạo ra hai viễn cảnh khác nhau cho quan hệ Mỹ -Cuba. Thứ nhất, Washington tiếp tục bám giữ vào tâm thức lạc hậu và đòi Havana phải có “cải cách triệt để” nếu muốn “thật sự bình thường”.
Chẳng hạn quốc hội Mỹ khăng khăng đòi Cuba bồi thường tài sản bị quốc hữu hóa trong thời cách mạng, cấp quyền mua đất đai không giới hạn cho người Mỹ, tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước với giá thấp hơn giá thị trường và chấm dứt những chính sách xã hội tiến bộ như hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Viễn cảnh này sẽ rất tồi tệ.
Ngược lại, viễn cảnh thứ hai sẽ tạo ra đột phá mang tính lịch sử. Trong đó, Mỹ sẽ tự kiềm chế. Các ông bà nghị tại Đồi Capitol sẽ khôi phục quan hệ thương mại với Cuba mà không đòi nước này tự thay đổi theo hình ảnh của Mỹ hoặc ép láng giềng xét lại quá trình quốc hữu hoá. Cuba sẽ không bị gây sức ép phải bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe do nhà nước bảo trợ hoặc mở toang ngành y tế cho các nhà đầu tư tư nhân.
Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là Cuba có thể “ngồi yên hưởng lợi”. Havana cũng phải nhanh chóng nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng các quyền về bất động sản và tư hữu hoá một số doanh nghiệp một cách thật minh bạch và cẩn trọng.
Những cải cách theo định hướng thị trường kết hợp với đầu tư công mạnh mẽ có thể đẩy mạnh tăng trưởng và đa dạng hoá nền kinh tế trong khi vẫn bảo vệ những thành tựu về y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội. Theo chúng tôi, Cuba có thể hướng tới mô hình dân chủ xã hội kiểu Costa Rica hay Scandinavia hơn là chủ nghĩa tư bản “toàn tòng” như Mỹ.
Từ đó, nối lại quan hệ kinh tế song phương chính là phép thử cho cả hai quốc gia. Cuba cần những cải cách đáng kể để đáp ứng tiềm năng của mình mà không phải phá bỏ những thành tựu xã hội lớn. Mỹ cần có sự tự kiềm chế chưa có tiền lệ để Cuba có thời gian lẫn không gian hoạt động cần thiết nhằm xây dựng nền kinh tế đa dạng, hiện đại do chính người Cuba làm chủ chứ không phải là những người láng giềng phương bắc.
Nga, Trung dè dặt
Sau chuyến thăm lịch sử đến Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Moscow ủng hộ đối thoại mới giữa Washington và Havana, nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ cần gỡ bỏ tất cả biện pháp trừng phạt nhằm vào Cuba. Bà Zakharova còn mô tả sự hiện diện của căn cứ Mỹ ở Guantanamo là “cái gai”, theo Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh “vui mừng khi thấy hai nước bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, bà Hoa cũng không quên “nhắn nhủ” rằng quan hệ “đôi bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và Cuba không nhắm tới bất kỳ bên thứ ba nào và cũng không ai có thể tác động tới sự phát triển sâu đậm của quan hệ hai nước”, theo Tân Hoa xã.
Minh Trung

Jeffrey D.Sachs – Hannah Sachs