24/12/2024

Ba bài học chống khủng bố

Châu Âu cần bảo đảm an ninh cho mọi phương tiện giao thông công cộng, đổi mới công tác tình báo và xoá sổ bọn chóp bu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 

Ba bài học chống khủng bố

 

Châu Âu cần bảo đảm an ninh cho mọi phương tiện giao thông công cộng, đổi mới công tác tình báo và xoá sổ bọn chóp bu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 

 

 

 

Ba bài học chống khủng bố
Binh sĩ Bỉ canh gác đường vào sân bay Zaventem ở Brussels ngày 24-3 – Ảnh: Reuters

Sau vụ đánh bom khủng bố hôm 22-3 ở Bỉ, Ronen Bergman, nhà báo Israel chuyên phân tích các vấn đề tình báo của báo Yedioth Ahronoth và trang tin Ynet, đã ghi nhận có ba bài học để châu Âu tham khảo.

Tàu xe cũng cần bảo vệ

Bài học thứ nhất liên quan đến mạng lưới hàng không quốc tế. Sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, hàng không quốc tế đã thay đổi cơ bản như kiểm soát an ninh chặt chẽ hơn trước khi bay.

Giải pháp thay đổi này đã thành công. Khủng bố Al Qaeda nhiều lần âm mưu cho máy bay phát nổ trong khi bay nhưng đều thất bại.

Tuy nhiên, giải pháp thay đổi lại chỉ được áp dụng cho máy bay chứ không tác động đến sân bay hay các phương tiện giao thông công cộng khác như tàu khách, xe buýt, tàu hoả.

Trước khi xảy ra vụ đánh bom tàu hỏa ở Madrid (Tây Ban Nha) ngày 11-3-2004, tướng về hưu Dani Arditi, nguyên giám đốc Cục Đấu tranh chống khủng bố Israel, từng cảnh báo tàu khách sẽ trở thành mục tiêu của bọn khủng bố, đặc biệt ở châu Âu.

Ngày 21-8 năm ngoái, một phần tử Hồi giáo cực đoan Morocco định xả súng bắn người hàng loạt trên tàu cao tốc Thalys chạy tuyến Amsterdam – Paris. Vụ thảm sát đã được chặn đứng vì hai quân nhân Mỹ đi trên tàu khống chế hung thủ kịp thời.

Đến hôm 22-3 vừa rồi, bọn khủng bố đã đánh bom liều chết tại sân bay và trạm xe điện ngầm ở Brussels (Bỉ).

Các ví dụ nêu trên cho thấy cần một cuộc cải cách mới trên toàn bộ các phương tiện giao thông công cộng, trong đó nên lập phạm vi kiểm tra an ninh trên toàn bộ ga tàu, trạm xe điện ngầm và cảng. Cuộc cải cách mới sẽ cần nhiều nỗ lực và sẽ gây khó cho hành khách, chưa kể cần đầu tư nhiều về tài chính.

Phòng vệ từ cơ sở

Bài học thứ hai là đổi mới công tác tình báo. Hiện thời các cơ quan tình báo châu Âu đang đối phó với kẻ thù trẻ tuổi, có tài, hoạt động xuyên quốc gia, khéo léo khai thác dân địa phương và đủ sức tổ chức các chiến dịch đồng bộ trong thời gian ngắn bằng cách sử dụng thiết bị thông tin đã mã hoá.

Trước kẻ thù như thế, về cơ bản châu Âu cần phải thay đổi nhận thức về tình báo, công tác phối hợp, pháp luật, nhân lực và tài chính, ngoài ra có thể sẽ phải chấp nhận gia giảm về nhân quyền.

Trọng tâm của chính sách thay đổi này chính là khái niệm “phòng vệ từ cơ sở” theo cách gọi của Shin Bet (cơ quan an ninh nội địa Israel). Đây là khái niệm mà hầu hết các nước châu Âu lại cho rằng trái ngược với uy tín và đạo đức trong khi Shin Bet từng sử dụng với người dân Palestine.

“Phòng vệ từ cơ sở” có nghĩa là mọi lúc đều phải đeo bám, giám sát rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân và các vùng địa lý, ngay cả đối với người không phải đối tượng nghi ngờ đặc biệt. Cụ thể là giám sát các cộng đồng Hồi giáo và không chỉ tại các cộng đồng mà cơ quan tình báo cần thu thập thông tin riêng.

Đánh vào hang ổ IS

Bài học thứ ba: Cứ mỗi vụ tấn công khủng bố mới xảy ra ở châu Âu thì lại kéo châu Âu đến gần thời điểm châu Âu sợ nhất, đó là mở chiến dịch trên bộ đánh IS ở Iraq và Syria. Kinh nghiệm đau thương từ chiến dịch can thiệp vào Afghanistan và Iraq của Mỹ đã in hằn trong trí các nhà lãnh đạo châu Âu.

Chiến dịch ở Afghanistan đã đạt được mục đích ban đầu, đẩy các chỉ huy Al Qaeda phân tán khắp Trung Đông và châu Á. Khi chiến dịch khó khăn hơn, Mỹ đã tiến hành biện pháp tiêu diệt có chọn lọc, từ đó gây thiệt hại nặng nề cho bộ máy chỉ huy của Al Qaeda.

Rốt cuộc năm 2005, Bin Laden và Ayman al-Zawahiri phải quyết định chấm dứt phần lớn hoạt động ở phương Tây và co cụm lại ở Trung Đông.

Hiện nay, IS đã kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn và bành trướng tư tưởng mạnh qua mạng Internet. Một tổ chức khủng bố hoạt động trong điều kiện như thế sẽ khác với Al Qaeda.

Vụ đánh bom liều chết ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cuối tuần trước là một ví dụ rõ nét. Phần tử thánh chiến IS tên Mehmet Ozturk ung dung qua lại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhiều lần cho đến khi sẵn sàng hành sự.

Nhà báo Ronen Bergman cho rằng mở chiến dịch trên bộ đánh IS không có nghĩa là cần phải kiểm soát hoàn toàn Syria và Iraq mà nhằm xoá sổ các căn cứ chủ chốt, bắt giữ hoặc tiêu diệt bọn cầm đầu IS. Hình ảnh bọn chóp bu IS bị tiêu diệt hay bị xét xử trước Toà án hình sự quốc tế ở La Haye sẽ có giá trị tác động tâm lý rất lớn đối với IS.

“Phòng vệ từ cơ sở” đòi hỏi phải đủ người và kỹ thuật triển khai trên mọi con đường, mọi trung tâm cộng đồng và các đền thờ Hồi giáo. Nhân viên tình báo phải đạt kiến thức văn hoá địa phương hoàn hảo để có thể sinh hoạt trong môi trường đang giám sát.

HOÀNG DUY (lược dịch)