Vén màn dự án ‘máy bay ruồi’ của Mỹ
Mỹ đang thử nghiệm loại máy bay không người lái siêu nhỏ có thể tấn công mục tiêu theo kiểu “bầy đàn” hoặc gây nhiễu đội hình đối phương.
Vén màn dự án ‘máy bay ruồi’ của Mỹ
Mỹ đang thử nghiệm loại máy bay không người lái siêu nhỏ có thể tấn công mục tiêu theo kiểu “bầy đàn” hoặc gây nhiễu đội hình đối phương.
Theo tờ The Washington Post, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tích cực thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) siêu nhỏ mang tên Perdix có khả năng được triển khai từ ống phóng tên lửa của chiến đấu cơ F-16 hoặc F/A-18 đang bay. Sau khi phóng ra, một chiếc Perdix sẽ bung cánh rồi bật thiết bị đẩy phía sau để tiến về phía trước, nhập cùng các UAV tạo thành một “đội quân” đông đảo.
Nhỏ nhưng có võ
Perdix là một trong những vũ khí bí mật mới mà Lầu Năm Góc hy vọng có thể giúp Mỹ duy trì ưu thế chiến lược trước các đối thủ tiềm tàng. Được lấy cảm hứng từ loại vũ khí cực kỳ lợi hại có tên “máy bay ruồi” trong trò chơi điện tử Starcraft, dự án Perdix có mục tiêu tạo ra những đội quân máy bay nhỏ số lượng lớn lao tới vây chặt lấy máy bay địch, phi công sẽ lâm vào thế bị bao vây tứ phía trong khi mục tiêu quá nhỏ, quá nhiều để có tiêu diệt chính xác.
Đến nay, Mỹ vẫn giữ bí mật về công năng cụ thể của Perdix nhưng nhiều nguồn tin và chuyên gia quân sự tiết lộ với The Washington Post rằng máy bay có thể mang bom để lao vào máy bay địch hoặc gây rối tầm mắt phi công cũng như làm nhiễu hệ thống radar đối phương. “Hãy tưởng tượng một chiến đấu cơ thả khoảng 30 chiếc Perdix để hình thành mạng lưới dày đặc lao đến hệ thống phòng không tích hợp của đối phương. Qua các cuộc thử nghiệm cho thấy thiết bị này sẽ phát huy tác dụng lớn”, chuyên trangBreaking Defense dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nói.
Ưu điểm lớn nhất của Perdix là nhỏ gọn, dễ sản xuất, giá thành lẫn chi phí bảo dưỡng đều thấp hơn đáng kể so với UAV truyền thống. Mỗi chiếc chỉ nặng khoảng 450 gr được chế tạo bằng công nghệ in 3D với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD tùy công năng. Nó vận hành bằng pin lithium-ion, tương tự như điện thoại di động và nhờ sử dụng nguyên liệu sợi Kevlar pha sợi carbon nên Perdix cực kỳ cứng chắc để chịu được lực phóng mạnh tốc độ cao cũng như chịu được những luồng gió cực mạnh trên không trung.
Dự án Perdix chính thức được thử nghiệm từ năm 2014, nhưng phải đến gần đây Lầu Năm Góc mới thu được những kết quả đáng khích lệ khi các UAV có thể tự tìm thấy nhau trong lúc bay để hình thành phi đội. Trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên Northern Edge tại bang Alaska vài tháng trước, những chiếc Perdix đã được thử nghiệm 150 lần, bao gồm 72 lần phóng từ máy bay chiến đấu. Quân đội Mỹ cũng phóng loại UAV siêu nhỏ này từ mặt đất bằng ống phóng cầm tay, nhưng triển khai Perdix từ chiến đấu cơ vẫn được chú trọng nhiều hơn nhằm tận dụng tối đa ưu thế trên không.
Cơ quan bí mật
Theo chuyên san The National Interest, UAV Perdix ban đầu là phát kiến của một nhóm sinh viên thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với mục tiêu chế tạo thiết bị hỗ trợ hoạt động giám sát môi trường. Tuy nhiên, quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra tiềm năng quân sự của UAV và giao trọng trách phát triển cho Văn phòng Năng lực chiến lược (SCO). Ra đời năm 2012, đây là một trong những cơ quan bí mật nhất thuộc Lầu Năm Góc và các dự án của SCO đều được giữ kín trước dư luận hoặc chỉ hé lộ rất ít chi tiết.
Trụ sở SCO hiện được đặt tại bang Virginia, trong cùng tòa nhà với Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA), bộ phận được biết đến nhiều nhất của Lầu Năm Góc trong lĩnh vực phát triển công nghệ. Nhưng DARPA và SCO là hai tổ chức khác nhau hoàn toàn về cách thức hoạt động. DARPA được thành lập vào năm 1958 tập trung vào nỗ lực cách mạng hoá hoạt động quân sự dựa trên sáng chế và công nghệ mới. Ngân sách hằng năm dành cho cơ quan này ước tính khoảng 3 tỉ USD. Trong khi đó, SCO chịu trách nhiệm tìm cách tận dụng thiết bị cũ, trang bị công năng mới cho các công nghệ lâu đời cũng như phát triển các loại vũ khí “độc, lạ, rẻ”.
Tấm màn bí mật bao quanh SCO đã được vén lên phần nào khi hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lần đầu tiên tiết lộ một số dự án của SCO khi đề xuất cấp ngân sách 902 triệu USD cho cơ quan này trong năm 2017. Con số này cao gần gấp đôi số tiền mà SCO nhận được trong năm nay. Tiết lộ của ông Carter đã gây ra một số ý kiến cho rằng ông chủ Lầu Năm Góc đã vô tình làm lộ bí mật quân sự. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi, Giám đốc SCO William Roper khẳng định ý định của Bộ trưởng Carter khi công bố các dự án như Perdix là nhằm răn đe những đối thủ tiềm tàng.
“Bạn không thể giành chiến thắng trong các cuộc chiến nếu bày mọi thứ ở ngoài cửa, nhưng bạn cũng không thể ngăn chặn chiến tranh nếu luôn giấu kín mọi thứ”, ông Roper nói với The Washington Post.
Những vũ khí “độc” khác
Bên cạnh Perdix, SCO còn đang triển khai nhiều dự án tham vọng khác như Avatar và Arsenal Plane.
Theo The Washington Post, chương trình Avatar nhằm phát triển phiên bản không người lái của các loại chiến đấu cơ đời cũ như F-16 Fighting Falcon hoặc F/A-18 Hornet để phối hợp chiến đấu với tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35. Nói một cách nôm na nhất, với Avatar, phi công F-22 hay F-35 có thể cùng lúc điều khiển 2 máy bay gồm chiếc chính mình đang cầm lái và một chiếc F-16 UAV bay kề cận. Tương tự, dự án Arsenal Plane cải biến oanh tạc cơ đời cũ để mang được số lượng lớn vũ khí hạng nặng tấn công các mục tiêu do phi đội chiến đấu cơ tàng hình chỉ thị.
Ngoài ra, SCO cũng đang nỗ lực tạo cho tên lửa Standard Missile-6 của hải quân Mỹ khả năng tấn công tàu địch. Tên lửa này hiện được trang bị trên tàu khu trục và tuần dương, ban đầu được thiết kế với mục đích đánh chặn tên lửa đạn đạo trong khí quyển.
|
Trùng Quang