25/12/2024

‘Sữa đậu nành’ từ chợ hoá chất

Chỉ với 1 kg bột sữa không nhãn mác, cho thêm ít ‘tinh chất’, người bán đã có 50 lít ‘sữa đậu nành’ bán tràn lan trên các tuyến đường tại TP.HCM mỗi ngày.

 

‘Sữa đậu nành’ từ chợ hoá chất

 

 

Chỉ với 1 kg bột sữa không nhãn mác, cho thêm ít ‘tinh chất’, người bán đã có 50 lít ‘sữa đậu nành’ bán tràn lan trên các tuyến đường tại TP.HCM mỗi ngày.




Tại một cửa hàng chuyên kinh doanh hoá chất, hương liệu thực phẩm tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), người bán tên Xuân đưa chúng tôi xem một lọ hương đậu nành và hương đậu xanh, ra giá: nếu mua can 2 lít giá 800.000 đồng; loại rẻ và bán chạy hơn, giá chỉ 150.000 đồng/lít đã hết hàng.
Đủ thứ hương liệu, hóa chất được bày bán tại chợ Kim Biên - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đủ thứ hương liệu, hoá  chất được bày bán tại chợ Kim Biên – Ảnh: Diệp Đức Minh

“Thời nay nấu sữa đậu nành toàn dùng hương liệu mới thơm chứ nấu bằng đậu nành cao sản làm gì thơm đến vậy”, bà Xuân nói chắc như đinh đóng cột.
Bột đậu hoá chất + hương liệu = sữa đậu nành
Nhưng hương liệu chỉ là phụ. Sau một hồi úp mở, bà Xuân giới thiệu một loại “nguyên liệu khác có thể thay thế đậu nành và có lãi gấp 2 – 3 lần so với dùng đậu thật”. Đó là những bịch màu trắng ngà mà người bán gọi thẳng là “bột đậu hoá chất”, được giới thiệu nhập khẩu nhưng bao bì không nhãn mác, giá bán lẻ 55.000 đồng/kg; mua nguyên bao 50 kg giá trung bình 50.000 đồng/kg. “Mỗi ký đậu nành giá 35.000 đồng, thêm nước nhiều lắm cũng chỉ được 15 lít là tối đa mà mất cả buổi xay, lọc, nấu tùm lum, mất công lắm. Trong khi mỗi ký bột đậu này giá 55.000 đồng, thêm hương liệu nấu ít nhất cũng được 50 lít sữa. Muốn sánh, cho thêm chút bột gạo là có thể được 60 lít. Giờ người ta toàn dùng cái này thôi”, bà Xuân nói và dặn dò: “Nhớ chỉ nhỏ vài giọt như thuốc nhỏ mắt là thơm lừng rồi. Cho nhiều quá mùi hắc uống không nổi đâu”.
Cách đó không xa, bà Yên của sạp chuyên bán hoá chất, hương liệu thực phẩm cũng quả quyết: “Giờ nhiều người dùng bột này để làm sữa đậu nành lắm. Khỏi phải ngâm, xay, lọc, nấu, canh lửa làm gì cho mệt. Dùng đậu nành cao sản ít béo, muốn thơm phải bỏ hương liệu và thêm cả bột béo nữa mới bán được. Xay đậu nành làm gì cho mất công, cứ mua bột này về pha bán lợi. Mỗi ngày tui bán được mấy bao 50 kg”.
Ngoài loại không nhãn mác giống ở sạp của bà Xuân, bà Yên giới thiệu thêm loại bột sữa có tên Damuzhi của Trung Quốc, giá 60.000 đồng/kg, “bột sữa Hà Lan” đóng gói tại VN giá 80.000 đồng/kg… Theo bà Yên, đây cũng là những loại bột béo mà các quán bán trà sữa thường hay mua dùng. “Thường người ta mua nguyên bao 50 kg cho lợi. Nếu mua thì tôi cho người vào kho chở lấy hàng chứ ở đây không có đâu”, bà Yên nói.
Đặc, thơm, rẻ… chỉ có hoá chất
Tại TP.HCM, cách đây 2 năm, Sở KH-CN từng lấy mẫu sữa đậu nành tại các điểm bán lẻ dọc đường, nhà trẻ, quán ăn… để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, 90% mẫu sữa không nhãn hiệu chứa vi khuẩn tiêu chảy cao gấp 250 lần cho phép. So với 2 năm trước, hiện nay số xe bán sữa đậu nành bùng phát mạnh nhiều hơn về số lượng.
Trên đường N.T.N (Q.Tân Bình), chỉ một đoạn dài chưa tới 300 m có đến 7 điểm bán sữa đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, mè đen dọc hai bên. Nhiều điểm bày cả chục chiếc xoong, xô, chậu, 3 – 4 máy xay lớn làm việc hết công suất để nấu, xay trộn sữa các loại bán cho khách. Một phụ nữ tên Cẩm vừa trả lời khách, vừa bỏ bịch, thu tiền, thối tiền thừa, tay thoăn thoắt “chế biến” các loại sữa đóng chai bán tại chỗ. Các thao tác của Cẩm khá chuyên nghiệp: đổ một ca nước nóng có chút bột sền sệt (sau này được giải thích là bột gạo – PV) vào máy xay, múc thêm nước có màu trắng như sữa trong thùng nhựa đỏ để dưới chân, luôn tay đổ thêm muỗng bột trắng trông như đường cát, “nhón” chút nước hương liệu đựng ở cái tô bên cạnh. Xong, bấm máy quay trộn hỗn hợp đó khoảng 1 phút, rồi rót vào những chai nhựa loại nửa lít, đóng nắp, bày bán cho khách. Chỉ trong khoảng 10 phút, vừa bán vừa làm, chị này đã cho ra đời 3 “mẻ” sữa đậu nành, mỗi lần 1,5 lít. “Em có bí quyết làm sữa theo công nghệ cao, có vị ngon bùi, thơm mà uống không ngán nên khách thích lắm”, Cẩm tranh thủ quảng cáo và chỉ tô nước có mùi thơm và màu sắc y loại hương liệu đậu nành bán ngập chợ Kim Biên, hồn nhiên nói: “Thứ này tinh chất được ép từ mấy ký đậu nành đấy ạ. Để sữa khỏi bị lợn cợn vì xác hạt đậu, em chuyên dùng tinh chất để nấu cho khách. Khách muốn đặc, béo hơn, em “gia” thêm chút bột gạo và bột sữa nữa là xong”.
Các loại sữa được nấu theo “công nghệ cao” của Cẩm có giá vô cùng rẻ. Chai 0,5 lít sữa đậu nành 4.000 đồng, sữa hương đậu phộng và đậu xanh đồng giá 5.000 đồng, hương mè đen giá 6.000 đồng. Trong khi đó, bà Xáng, người có thâm niên 20 năm nấu bán sữa đậu nành trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình) khẳng định nếu “thuần” đậu nành, không thể có giá đó. Bà Xáng tính toán, 1 kg đậu khoảng 35.000 đồng, 20.000 đồng/kg đường, 20.000 đồng/10 vỏ chai nhựa, điện máy xay, gas khoảng 10.000 đồng, chưa tính công, giá vốn tổng cộng hết 85.000 đồng, ra được 10 lít sữa. “Giá vốn trung bình 8.500 đồng/lít, bán 4.000 đồng nửa lít thì bán lỗ à?”, bà Xáng nói và khẳng định chỉ có bỏ hương liệu hoá chất mới có giá bán rẻ như vậy. “Mỗi ký đậu loại tốt nếu nấu bán đàng hoàng cũng chỉ được 10 – 12 lít là nhiều. Nhưng để có mùi thơm và độ đặc béo như sữa bán ngoài đường thì mỗi ký chỉ nấu ra 3 lít sữa. Làm sao có thể bán với giá rẻ thế được”, bà Xáng nói thẳng.
Các loại sữa đóng chai ở quầy hàng bà Xáng có giá cao gấp đôi, gấp ba giá bán tại quầy của Cẩm. Cụ thể, bịch 0,5 lít sữa đậu nành không đường bà Xáng bán 10.000 đồng, có đường 12.000 đồng và đựng trong chai nhựa là 13.000 đồng/chai 0,5 lít. “Tôi lãi đúng 3.000 đồng/lít sữa đấy và khách cũng kén chọn nên ngày bán tầm 20 – 25 lít thôi”, bà Xáng cho biết.
Theo một người có thâm niên bán sữa đậu nành hơn 15 năm, dân trong nghề nhìn vào giá bán là biết sữa nấu từ thứ gì. Giá rẻ nếu không nấu hóa chất thì cũng là loại đậu chỉ chuyên làm thức ăn gia súc, thêm hương liệu. “Nhiều người chào giao tận nhà bột sữa, đường hoá học, hương liệu… giá bèo của Trung Quốc. Làm sữa cách này giá chỉ bằng một nửa so với giá mua đậu, lại không cần bỏ công thức đêm hôm để ngâm, xay, canh… nhưng tôi không chịu. Mình bán cho toàn khách quen bao năm nay, làm thế sao được”, chị này nói.
Tiền đề tích tụ bệnh nan y
Theo TS Văn Thị Hạnh, chuyên gia sinh học, sữa đậu nành nếu nấu bằng đậu nành không đúng cách, hoặc nấu không đủ độ sôi, rất độc hại. Đặc biệt, sữa đậu nành thật thường loãng, màu trắng ngà, vị thanh, không thơm lừng gay gắt bởi đa số đậu bán sau này ít thơm hơn trước. Khi nấu, phải vệ sinh bảo quản thật kỹ bởi sữa dễ nhiễm khuẩn nên rất chóng hỏng.
“Điểm mấu chốt trong sữa đậu nành là hiện tượng giả sôi. Trong sữa có độc tố saponin, nếu được hoà vào nước, nó có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt dung dịch, tạo nên bọt mà chính trong công nghiệp, người ta dùng chất này để sản xuất xà phòng. Chất saponin nếu để sôi ở nhiệt độ cao, các phân tử này sẽ bị bẻ gãy, biến mất. Song nếu chỉ đun ở nhiệt độ chưa đến 100 độ C, khi bọt mới nổi lên ngỡ đã sôi, tắt bếp, tức chất độc saponin vẫn còn, sẽ rất nguy hại sức khoẻ người uống phải nó. Nhiều người làm bán không hiểu nguyên tắc này, lại tiết kiệm gas nấu sẽ vô tình bán sản phẩm còn chất độc cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể nhiều mẫu sữa toàn đường hóa học, hoá chất hương liệu, hậu quả trước mắt gây ngộ độc thực phẩm, lâu dài là tiền đề tích tụ cho các loại bệnh nan y”, TS Hạnh nói.

 

Nguyên Nga