24/01/2025

Malaysia tố 100 tàu Trung Quốc xâm nhập

Malaysia tiết lộ khoảng 100 tàu mang biển đăng ký Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển nước này ở nam Biển Đông và tuyên bố sẽ có hành động phù hợp.

 

Malaysia tố 100 tàu Trung Quốc xâm nhập

 

Malaysia tiết lộ khoảng 100 tàu mang biển đăng ký Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển nước này ở nam Biển Đông và tuyên bố sẽ có hành động phù hợp.



 


Tàu hải cảnh Trung Quốc từng xuất hiện trong vùng biển bãi cạn Luconia của Malaysia - Ảnh: Aseanmildef

Tàu hải cảnh Trung Quốc từng xuất hiện trong vùng biển bãi cạn Luconia của Malaysia – Ảnh: Aseanmildef


Thông tin trên được Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Shahidan Kassim tiết lộ với báo chí bên hành lang quốc hội cuối ngày 24.3. Tuy nhiên, ông không cho biết tàu Trung Quốc thuộc loại gì và đã hiện diện gần bãi cạn Luconia, phía tây bang Sarawak của Malaysia từ bao giờ.
Thanh Niên đã nỗ lực tìm hiểu từ nhiều nguồn thạo tin nhưng câu trả lời đều giống nhau: “Không rõ”. Bernama trích lời giới chức Cơ quan thực thi luật Biển Malaysia (MMEA) cho hay: “Ba tàu MMEA đã được đưa tới hiện trường. Hải quân Hoàng gia cũng đã có mặt trong khi máy bay Bombardier thực hiện không thám và phát hiện một nhóm ngư dân Trung Quốc ở đó”.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo sáng 25.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói “không rõ chi tiết” về vấn đề này nhưng ra sức bào chữa: “Điều tôi muốn nói là hiện đang mùa đánh cá. Vào thời điểm này, hằng năm ngư dân Trung Quốc thực hiện hoạt động đánh bắt bình thường trong các vùng nước phù hợp”.
Trong lúc dư luận đang chờ đợi thông tin cụ thể hơn, Bộ trưởng Shahidan phát biểu Malaysia sẽ có “hành động thực thi luật pháp thích hợp” nếu tàu Trung Quốc bị phát hiện xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Hồi giữa tháng 3.2016, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein từng tuyên bố sẽ thảo luận với người đồng cấp Úc về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông nhằm tìm cách “buộc Bắc Kinh giữ lời hứa không đưa thiết bị quân sự ra khu vực này”. Ông Hishammuddin cũng được trích lời nói Malaysia sẽ đàm phán với phía VN và Philippines nhằm “ngăn chặn hành động kiểu nước lớn”. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo với người đồng cấp Marise Payne tại Canberra hôm 24.3, khi được hỏi về các tuyên bố trước đó, ông Hishammuddin nói các thông tin (về việc quân sự hoá của Bắc Kinh – NV) trước hết cần “được kiểm chứng bởi rất nhiều bên có ý đồ và nguyên tắc rõ ràng”. Còn việc thảo luận với VN và Philippines thì “phải chờ đến khi Philippines có tổng thống mới” sau cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5.2016.
Từ đó, giới chuyên gia Malaysia cho rằng tuyên bố “sẽ có hành động” của Bộ trưởng Shahidan cũng sẽ “sớm nguội”. Trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 25.3, tiến sĩ Oh Ei Sun, cố vấn không chính thức cho Thủ tướng Malaysia về các vấn đề Trung Quốc, cho biết: “Lập trường căn bản của Malaysia về Biển Đông là tránh đối đầu, đặc biệt là với Trung Quốc, và ít khả năng thay đổi vì những va chạm gần đây”. Ông Oh lý giải thêm: “Sự tham gia của Trung Quốc trong nền kinh tế Malaysia quá lớn và quan trọng thêm mỗi ngày. Trong khi Biển Đông chưa bao giờ là mối quan tâm nội địa lớn so với các vấn đề nội chính”.
Indonesia bắn tàu Đài Loan đánh bắt trái phép
Lực lượng chống đánh bắt trái phép Indonesia (Satgas 115) xác nhận đã bắn nhiều phát vào 2 tàu cá Đài Loan tại vùng biển Lhokseumawe, phía tây nước này. Hôm 21.3, tàu tuần tra Satgas 115 phát hiện 2 tàu săn cá ngừ Đài Loan hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Theo Satgas 115, các tàu này phớt lờ cảnh báo và cố tình đâm vào tàu tuần tra, buộc phía Indonesia bắn cảnh cáo. Một tàu cá trúng 12 phát đạn trong khi tàu còn lại bị bắn 4 – 5 phát nhưng không trúng, toàn bộ thuỷ thủ gồm 2 người Đài Loan và 23 người Indonesia đều an toàn. Hai con tàu sau đó cập cảng cá Jurong của Singapore sáng 24.3. Đài Loan đã bác bỏ các cáo buộc trên.

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)