24/01/2025

Ẩn chứa nhiều hiểm hoạ kiểu cầu Ghềnh

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lo ngại, nếu không kiểm soát thì các vụ tai nạn tương tự như vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Ẩn chứa nhiều hiểm hoạ kiểu cầu Ghềnh

 

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lo ngại, nếu không kiểm soát thì các vụ tai nạn tương tự như vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh hoàn toàn có thể xảy ra.




Cầu Bình Lợi có tĩnh không hạn chế trong khi phương tiện gia tăng nhanh - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Cầu Bình Lợi có tĩnh không hạn chế trong khi phương tiện gia tăng nhanh – Ảnh: Diệp Đức Minh


Tại cuộc họp về hệ thống cầu yếu trên quốc lộ, đường sắt, đường thuỷ chiều qua 25.3, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết có 5.869 cầu trên cả nước. Từ năm 2004 đến nay đã sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ JICA, và hình thức BOT thay thế được 218 cầu yếu.
Còn 920 cầu đường sắt chưa nâng cấp
“Năm 1998 có 20 vụ sà lan đâm cầu, ngay sau đó tổng cục đã rà soát toàn bộ khu vực miền Nam; năm 2015 có 3 vụ sà lan đâm cầu” – ông Vinh cho hay và đề xuất Bộ GTVT cho phép triển khai sửa chữa nhanh với các cầu yếu, cấp 30 tỉ đồng cho 19 cầu ở miền Nam phải gia cường hệ thống chống va trôi bằng cách khoan và đổ bê tông xuống hoặc đóng cọc thép giằng với nhau, nếu sà lan đâm vào cũng không bị ảnh hưởng. Ông Vinh cũng cảnh báo, trên hệ thống QL1 có một số cầu mới xây nhưng cầu cũ chưa phá, khoảng cách cầu mới và cũ rất ngắn, trụ lệch nhau nên không thể để lâu và phải phá cầu cũ để thông khoảng tĩnh không cho tàu thuỷ lưu thông, như cầu Tân An, Bến Lức. Tuy nhiên, hiện tại một số địa phương không muốn phá do nhu cầu người dân đi qua còn lớn.
Theo ông Ngô Anh Tảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN, toàn hệ thống đường sắt có 1.920 cầu xây dựng từ năm 1886 đến nay, hiện có 1.000 cầu đã được nâng cấp sửa chữa, còn lại 920 cầu chưa được nâng cấp. Ngành đường sắt đã rà soát toàn bộ mạng lưới 180 cầu cần được ưu tiên nâng cấp sửa chữa, trong đó đường sắt Thống Nhất là 147 cầu, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Hải Phòng là 5 cầu, Yên Viên – Lào Cai là 11 cầu… Tuy nhiên, do chưa có vốn nên vẫn chưa triển khai nâng cấp được.
“Đường sắt Thống Nhất có 85 cầu thì 44 cầu yếu cần bố trí vốn làm ngay, 41 cái còn lại thì bố trí vốn làm sau. Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng có 5 cầu, toàn cầu lớn, không thể tồn tại vì không đảm bảo thông thuyền, lại là cầu yếu nên cần thay thế gấp”, ông Tảo nói.
Phải có cảnh báo từ xa
Trong khi đó, ông Trần Văn Thọ, Cục phó Cục Đường thủy nội địa VN, lại cung cấp số liệu cho biết cả nước có 532 cầu qua sông có tĩnh không thông thuyền thấp. Cục này đã triển khai xây dựng lắp đặt cảnh báo cho các tàu thông qua cảnh báo từ xa và lực lượng điều tiết, xây dựng một số hệ thống chống va cho một số cầu.
Trước thông tin của ông Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đặt câu hỏi: Cục Đường thủy nội địa đã bao giờ cảnh báo cầu có nguy cơ bị tàu đâm vào chưa? Cầu yếu là yếu như thế nào? “Điều tiết với đường thuỷ vô cùng quan trọng, như cầu Ghềnh phải có cảnh báo từ xa, tàu thuyền phải đi đúng luồng chứ chỉ có mấy phao tiêu kích cỡ nhỏ, màu sơn mờ đi thì làm sao thấy được. Không có tiền để thay thế hết được cầu thì phải có giải pháp ban đầu để người điều khiển vận tải có ý thức chấp hành luật”, ông Trường nói và cho rằng đường thuỷ phải có cảnh báo ít nhất cách cầu 1 km, giới hạn độ cao với tàu được phép qua.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận trên thực tế các đơn vị quản lý chưa đặt ra vấn đề cảnh báo với cầu yếu, vì thế thời gian tới phải rà soát lại toàn bộ các cầu yếu và hiến kế các giải pháp chống tàu va đâm vào cầu. “Nếu cứ chờ làm cầu mới thì bao giờ mới có tiền để làm. Nếu không có giải pháp ngay, chắc chắn còn sập cầu nữa”, ông Trường nhấn mạnh.
Bịt lỗ hổng trong quản lý
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận các vụ tai nạn đường thủy chính là “lỗ hổng” trong quản lý người lái phương tiện, phao tiêu, biển báo đường thủy tại địa phương. “Trách nhiệm này là của Bộ, không thể đổ cho địa phương. 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chiếm 60% vận tải thủy mà đa số người lái không có bằng, bảo cho học nhưng không đi”, ông Nhật nói.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá nếu không kiểm soát thì những vụ tai nạn như cầu Ghềnh hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới. Ông Trường yêu cầu các đơn vị có văn bản tham mưu cho Bộ để đề nghị chấn chỉnh lại hoạt động quản lý với các sông do địa phương quản lý, để nhà nước có thể “vươn tay” đến tất cả các con sông có vận tải thuỷ. Doanh nghiệp nào cố tình vi phạm sẽ xử phạt thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi giấy phép điều khiển phương tiện.
Về giải pháp trước mắt, Cục Đường thuỷ kiểm tra tất cả vị trí nào có nguy cơ va đập thì có trạm điều tiết 2 đầu để điều tiết 24/24 giờ; hoàn thiện hệ thống phao tiêu, biển báo bằng phao tiêu lớn hơn, sơn phản quang rõ nét để ban đêm tàu có thể biết…
Hàng loạt cán bộ cảng vụ đường thuỷ bị xử lý
Cục Đường thuỷ nội địa (Bộ GTVT) hôm qua đã có quyết định đình chỉ công tác 15 ngày với trưởng đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa Kinh Môn (Hải Dương), Bình Dương và Long An cùng thanh tra cảng vụ có liên quan sau các vụ phương tiện thuỷ đâm vào cầu An Thái (sông Kinh Môn, Hải Dương), cầu Cơn Độ (kênh Nhà Lê, Hà Tĩnh) và cầu Ghềnh (sông Đồng Nai).
Theo đó, liên quan vụ cầu An Thái, trưởng đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa Kinh Môn, Trưởng đội Thanh tra đường thuỷ số 2 bị yêu cầu đình chỉ. Đối với vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, hai trưởng đại diện cảng vụ (tại Bình Dương và Long An) quản lý cảng, bến mà tàu kéo sà lan cập, rời trước khi đâm sập cầu Ghềnh và Trưởng đội Thanh tra số 5, 6 (vụ cầu Ghềnh) cũng bị đình chỉ. Với vụ tàu đâm sập cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh), Cục đã có văn bản đề nghị Sở GTVT Hà Tĩnh kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.

Mai Hà