Hết cách xử vụ chặn lối vào doanh nghiệp để đòi phí?
Vụ chặn lối vào doanh nghiệp để đòi phí, chủ đầu tư bảo hết cách. Tại sao?
Hết cách xử vụ chặn lối vào doanh nghiệp để đòi phí?
Vụ chặn lối vào doanh nghiệp để đòi phí, chủ đầu tư bảo hết cách. Tại sao?
Các lối vào của Công ty TNHH Tango Candy trong KCN Tân Đức (xã Đức Hoà Hạ, Đức Hoà, Long An) đều bị chủ đầu tư đổ đất và dựng rào chắn phong toả nhiều ngày nay – Ảnh : S.Lâm |
Trong khi các doanh nghiệp cho rằng chủ đầu tư thiếu thiện chí (trong đó các doanh nghiệp Nhật đã gửi đơn cầu cứu lên Tổng lãnh sự Nhật tại TP.HCM cùng UBND tỉnh Long An), phía chủ đầu tư KCN này khẳng định đã chịu lỗ và nhân nhượng nhưng các doanh nghiệp FDI chây ì nên phải áp dụng biện pháp mạnh.
Doanh nghiệp: chủ đầu tư thiếu thiện chí
Sáng cùng ngày, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Tango Candy trong KCN Tân Đức (xã Đức Hoà Hạ, Đức Hoà) phải đi vào làm việc bằng lối phụ vì cả hai cổng chính phía trước và phía sau công ty này đều đã bị Công ty CP đầu tư Tân Đức – chủ đầu tư KCN Tân Đức – chắn ngang bằng đất, trụ điện và rào chắn.
Ông Từ Khắc Hùng – đại diện Công ty Tango Candy – cho biết nguyên nhân của vụ việc là do giữa KCN và doanh nghiệp chưa thoả thuận được mức phí với nhau. Tân Đức đưa ra phí 10.018 đồng/m2/năm, trong khi 33 doanh nghiệp FDI tại KCN này chỉ chấp nhận mức giá 8.500 đồng/m2/năm. “Việc rào chắn này khiến xe đưa đón công nhân không thể vào tận công ty. Xe vận chuyển đều không thể ra vào được khiến sản xuất bị ngưng trệ từ nhiều ngày nay” – ông Hùng nói.
Ông Tango Hirosuke – tổng giám đốc Tango Candy – cho biết ước tính thiệt hại bị đình trệ mỗi ngày do bị chắn cổng khoảng 15.000 USD. “Mức giá chênh lệch là không lớn, nhưng cách thức họ áp đặt mà không qua thoả thuận và việc họ yêu cầu đóng lãi phạt khiến chúng tôi bất bình. Chúng tôi có thể ngừng hoạt động công ty, nhưng không thể chịu nhún nhường đóng phí với kiểu áp đặt như vậy” – ông Tango Hirosuke nói thêm.
Chiều 21-3, ông Nguyễn Văn Được – phó chủ tịch UBND tỉnh Long An – cho biết đã báo cáo vụ việc KCN Tân Đức đổ đất rào chắn cổng của doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đòi phí sử dụng hạ tầng lên ban thường trực Tỉnh uỷ để xin ý kiến giải quyết.
Cùng ngày, 18 doanh nghiệp FDI tại KCN này cũng nhóm họp để phản đối hành động này của chủ đầu tư. Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho rằng KCN Tân Đức đã thiếu thiện chí khi không chịu đàm phán rõ ràng với các doanh nghiệp ngay từ đầu, chỉ hoàn toàn gửi văn bản mang tính áp đặt các doanh nghiệp về mức phí sẽ thu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau cuộc họp, ông Masaru Ueno – phó tổng giám đốc Công ty FKK Vietnam – chia sẻ: “Đây là một hành động nguy hiểm. Tôi đã làm việc tại VN hơn 10 năm nay và chưa bao giờ gặp phải cảnh này”.
Cùng ngày, theo ông Masaru Ueno, 8 doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhật Bản tại KCN Tân Đức đã đồng gửi đơn lên Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và UBND tỉnh Long An để cầu cứu.
Chủ đầu tư: đơn giá được áp dụng bình đẳng
Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Dương – phụ trách truyền thông ban lãnh đạo KCN Tân Đức – cho biết từ khi đi vào hoạt động năm 2005, Tân Đức không hề thu phí sử dụng hạ tầng. Đến năm 2012, Tân Đức đã mời đơn vị kiểm toán độc lập và xác định mức phí là 12.254 đồng/m2/năm, dựa trên chi phí bình quân hằng năm mà công ty chi cho việc duy tu cơ sở hạ tầng giai đoạn 1.
“Chúng tôi đã chấp nhận bù lỗ 20%, áp dụng thu phí cơ sở hạ tầng từ năm 2013 với đơn giá 10.018 đồng/m2/năm. Chúng tôi cũng đã có văn bản xin được thu phí cơ sở hạ tầng và được ban quản lý Khu kinh tế Long An chấp thuận.
Đơn giá được áp dụng bình đẳng cho toàn bộ doanh nghiệp đã thuê đất hoặc nhà xưởng trong KCN Tân Đức. Việc mức phí cao hơn so với các KCN xung quanh vì chúng tôi là nơi có môi trường, cơ sở hạ tầng tốt nhất hiện nay” – ông Dương nói.
Theo ông Dương, trong khi các doanh nghiệp VN đều thực hiện nghiêm túc mức phí trên, một số doanh nghiệp FDI cố tình trì hoãn việc đóng phí. “Những doanh nghiệp như Tango Candy đã lợi dụng sự ưu ái của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng VN dành cho các doanh nghiệp FDI để chây ì việc đóng phí.
Hết cách, chúng tôi mới phải dùng đến hành động chắn lối đi, cắt nước. Sắp tới nếu họ không chịu đóng phí, chúng tôi sẽ tiếp tục ngưng phục vụ các dịch vụ khác như điện…” – ông Dương nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiều – trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An – cho biết theo quy định, chủ đầu tư các KCN-KCX và khu kinh tế được định giá cho thuê, cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các loại phí sử dụng hạ tầng liên quan khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên không thoả thuận được sẽ xử lý như thế nào lại chưa được quy định rõ.
“Vụ việc lùm xùm tại KCN Tân Đức là chưa có tiền lệ, trong trường hợp này hai bên chưa ký được hợp đồng về mức phí hạ tầng nên khi xảy ra tranh chấp cũng không thể khởi kiện ra toà án được. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ KH – ĐT cho ý kiến nhưng chưa được phản hồi, nên rất lúng túng trong xử lý tranh chấp này” – ông Tiều nói.
Tranh chấp nên được giải quyết tại toà Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – cho hay trước hết cần xem lại giữa KCN Tân Đức và các doanh nghiệp có hợp đồng, thoả thuận gì về việc thu phí hay không. Nếu trước đó các bên chưa ký hợp đồng riêng về sử dụng hạ tầng, cần phải xem quy định cung cấp nước sạch, xử lý rác, xử lý nước thải, cung cấp hạ tầng giao thông và dịch vụ an ninh trật tự… được các bên thoả thuận như thế nào, quyền và nghĩa vụ của các bên ra sao. “Tôi cho rằng dù có hay không thoả thuận, phía KCN Tân Đức nên có cách hành xử phù hợp chứ không thể cho dựng rào chắn, đào cắt ống nước và đổ đất đá chắn ngang lối vào của các doanh nghiệp. Mọi tranh chấp nếu không thể giải quyết được bằng thương lượng, hoà giải thì cần được đưa ra các cơ quan tài phán như toà án, trọng tài để giải quyết” – ông Hậu nói. |