Đề thi, kiểm tra: “Cho học sinh giải quyết tình huống thực tiễn”
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về chủ trương ra đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2016, đề thi học sinh giỏi lớp 9, đề kiểm tra cuối học kỳ…
Đề thi, kiểm tra: “Cho học sinh giải quyết tình huống thực tiễn”
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về chủ trương ra đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2016, đề thi học sinh giỏi lớp 9, đề kiểm tra cuối học kỳ…
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi môn văn tại hội đồng thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình, TP.HCM kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2015 – Ảnh: Như Hùng |
Theo đánh giá chủ quan của tôi thì hầu hết giáo viên TP có thể đáp ứng tốt các yêu cầu về đổi mới. Tuy vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được các yêu cầu có thể do: tâm lý ngại đổi mới, các yếu tố khách quan khác như nội dung chương trình, sĩ số học sinh cao, các điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng tốt cho việc đổi mới |
Ông Hiếu cho biết: Chủ trương trên nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” và đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh được xem là khâu đột phá trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Tất cả các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh, coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn hay không.
Đổi mới mạnh mẽ ở văn và toán
* Cụ thể như thế nào, thưa ông?
|
– Đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ tiếp tục đổi mới ở hai môn toán và văn. Trong đó, môn văn vẫn tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước, những vấn đề gần gũi với lứa tuổi để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình.
Ðề thi hướng đến việc đánh giá năng lực học sinh, đề thi có hai phần: phần đọc – hiểu (gồm các câu hỏi theo các mức độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) và phần tạo lập văn bản (nghị luận văn học và nghị luận xã hội).
Đề thi môn toán sẽ có những câu hỏi gắn với những vấn đề của thực tiễn, học sinh sẽ dùng kiến thức môn học để giải quyết.
Chủ trương này cũng sẽ được thể hiện rõ nét ở tất cả các môn thi trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm nay. Đặc biệt là môn thi mới trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP lớp 9: môn kiến thức tổng hợp thực tiễn nhằm định hướng cho học sinh không học lệch môn mà học toàn diện.
Nếu như đề thi học sinh giỏi các môn khác sẽ ra theo dạng chuyên sâu, nâng cao thì môn kiến thức tổng hợp thực tiễn chỉ kiểm tra kiến thức ở mức độ căn bản theo khuynh hướng chiều rộng, kiến thức môn thi có thể thuộc nhiều môn học khác nhau (cả tự nhiên và xã hội) nhưng sẽ là những vấn đề rất gần gũi cuộc sống hằng ngày của các em học sinh.
Qua đó, học sinh thể hiện được năng lực vận dụng kiến thức của mình để giải quyết tình huống trong cuộc sống, góp phần hình thành các kỹ năng sống cho học sinh.
Về kiểm tra học kỳ thì năm học 2015-2016, sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT quận huyện phải ra đề kiểm tra cuối học kỳ cho các khối lớp 6, 7, 8, 9 theo hướng đánh giá năng lực và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
* Như vậy, qua đợt kiểm tra học kỳ 1 vừa rồi, ông đánh giá như thế nào về chất lượng đề kiểm tra của các quận huyện?
– So với đề kiểm tra học kỳ của các trường tự biên soạn những năm trước thì đề kiểm tra của phòng GD-ĐT ít sai sót hơn, bước đầu các đề kiểm tra đã thể hiện được tinh thần đổi mới tuy độ đậm, nhạt có khác nhau và tùy theo từng môn học, từng đơn vị.
Đề kiểm tra chung cho toàn quận huyện nhằm đánh giá khách quan hơn trình độ của học sinh, có thể so sánh một cách chính xác hơn đầu vào và đầu ra của các trường cũng như chất lượng giáo dục của các trường THCS. Việc ra đề kiểm tra chung cũng làm cho người giáo viên có trách nhiệm hơn với công việc của mình, học sinh học hành nghiêm túc hơn.
Giáo viên phản ứng là tất yếu
* Nhưng trong thời điểm kiểm tra học kỳ 1 năm học 2015-2016 đã có nhiều phụ huynh và cả giáo viên phản ứng về cách ra đề theo hướng đổi mới như chủ trương của Sở GD-ĐT TP. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Phản ứng là điều tất yếu phải có trong quá trình đổi mới. Lâu nay giáo viên và học sinh đã quen với cách dạy và học cũ, đề kiểm tra do nhà trường, do chính giáo viên đứng lớp biên soạn và ra theo kiểu kiểm tra trình độ học thuộc lòng của học sinh.
Giáo viên giảng dạy, ôn đúng trọng tâm như nội dung đề kiểm tra thì tỉ lệ điểm cao chắc chắn rồi. Bây giờ đổi mới, học sinh phải thật sự hiểu bài (chứ không phải học vẹt) mới làm bài được; học sinh phải tư duy mới giải quyết đúng yêu cầu của đề thi; học sinh phải biết trình bày, lập luận…
Khi học sinh không làm bài được chắc chắn sẽ bị điểm thấp. Trò điểm thấp sẽ ảnh hưởng đến uy tín của thầy. Giáo viên phản ứng là vì vậy.
Phụ huynh cũng thế, ai cũng muốn con mình phải giỏi nhưng lâu nay ở một số trường việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh chưa trung thực và khách quan khiến một số phụ huynh hiểu lầm về năng lực của con em mình. Nay khi gặp đề kiểm tra theo hướng đổi mới, các em lúng túng không làm bài được thì cha mẹ các em phản ứng.
Việc đổi mới như tôi đã nói ở trên không phải đùng một cái sở yêu cầu các trường phải thực hiện ngay mà có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước: thông báo, tập huấn, hướng dẫn cụ thể trong các buổi họp chuyên môn để các quận huyện đổi mới cách dạy và học trước. Ngay cả việc đổi mới nội dung đề thi cũng vậy. Năm học 2013-2014, sở đã đổi mới đề thi ở một số môn thi trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP lớp 9. Năm học 2014-2015 thì mở rộng ra nhiều môn thi hơn.
Song song đó là hướng dẫn về đổi mới cách đánh giá học sinh, không chỉ thông qua các bài kiểm tra, bài thi mà học sinh còn được đánh giá qua nhiều kênh khác nhau: đánh giá qua quá trình học, qua các sản phẩm sáng tạo có được từ việc học tập… thuyết trình, học qua dự án… cũng có thể cho điểm và đưa vào làm cơ sở để đánh giá học sinh