28/12/2024

Khoan xuống giống khi Trung Quốc xả nước

Ngày 18-3, TS Lê Anh Tuấn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) – cảnh báo nông dân ĐBSCL không nên xuống giống vụ hè thu khi hay tin Trung Quốc xả đập thuỷ điện.

 

Khoan xuống giống khi Trung Quốc xả nước

Ngày 18-3, TS Lê Anh Tuấn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) – cảnh báo nông dân ĐBSCL không nên xuống giống vụ hè thu khi hay tin Trung Quốc xả đập thuỷ điện. 

 

Khoan xuống giống khi Trung Quốc xả nước

Một đoạn sông Mekong chảy trên đất Trung Quốc – Ảnh:the diplomat.com

Lý do: nước từ thượng nguồn có đổ về cũng không được bao nhiêu, trong khi hiện đồng ruộng đang nứt nẻ, phải cần một lượng nước rất lớn để bù nên khả năng sẽ không đủ nước nuôi cây.

Ngoài ra, các cơ quan khí tượng thuỷ văn đã dự báo năm nay mùa khô kéo dài, mặn xâm nhập sâu, trong khi kế hoạch Trung Quốc xả nước đến ngày 10-4 là ngưng, từ thời điểm này trở về sau nếu không có mưa mà lúa vào giai đoạn mạ sẽ bị chết.

“Các báo đưa tin chi cục thủy lợi các tỉnh ĐBSCL cho biết đã sẵn sàng mở cống để đón nước ngọt từ Trung Quốc xả đập. Đừng quá kỳ vọng vào việc này. Tôi khuyến cáo các nhà quản lý và nông dân khi nào có nước mà thấy đảm bảo thì hãy xuống giống, hiện tại nên ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt vì xuống giống vào thời điểm này rủi ro rất lớn” – ông Tuấn nói.

Ông Tuấn còn cho biết qua theo dõi đến ngày 18-3, mực nước trên sông Cửu Long vẫn chưa “nhúc nhích”, trong khi Trung Quốc xả đập thuỷ điện trước đó.

Còn TS Dương Văn Ni, một chuyên gia về ngập nước thuộc ĐH Cần Thơ, cho rằng chế độ thuỷ văn của sông Mekong là khi có nguồn nước (nước mưa, nước tan băng) nó sẽ bão hoà các tầng đất khô, lấp đầy các vùng trũng phía thượng nguồn trước khi chảy nhiều về phía hạ lưu.

“Giả sử hiện nay Trung Quốc xả một lượng nước đủ lớn như là vào đầu mùa mưa, thì lượng nước này cũng sẽ chảy vào các vùng trũng ở phía thượng nguồn trước, trong đó có Biển Hồ, chỉ một ít chảy xuống ĐBSCL thôi. Việc Trung Quốc xả nước thuỷ điện là một động thái tích cực của nước láng giềng, nhưng chúng ta không nên trông đợi lượng nước đó sẽ cứu hạn – mặn cho ĐBSCL, để tránh những quyết định chưa chính xác” – TS Ni nói.