Vũ khí bí mật phá huỷ địa đạo
Israel và Mỹ đang bắt tay phát triển vũ khí bí mật chuyên phát hiện, phá huỷ các cơ sở ngầm dưới lòng đất để đối phó nhiều nguy cơ khác nhau.
Vũ khí bí mật phá huỷ địa đạo
Israel và Mỹ đang bắt tay phát triển vũ khí bí mật chuyên phát hiện, phá huỷ các cơ sở ngầm dưới lòng đất để đối phó nhiều nguy cơ khác nhau.
Theo Đài RT, Israel được cho là đang bắt đầu thử nghiệm một loại vũ khí bí mật mới nhằm triệt tiêu hệ thống địa đạo chằng chịt do lực lượng Hamas xây dựng sâu dưới lòng đất. Các nguồn tin quốc phòng phương Tây cho hay vũ khí mới mang tên Vòm sắt ngầmthực chất là một hệ thống phức tạp bao gồm thiết bị do thám, vệ tinh, phân tích dữ liệu tinh vi và các loại vũ khí chuyên dụng xuyên phá lòng đất.
Mê cung xuyên biên giới
Trong nhiều năm qua, Hamas đã xây dựng một hệ thống đường hầm xuyên biên giới chằng chịt từ Gaza vào các khu vực do Israel kiểm soát để cất giấu, vận chuyển vũ khí và nhất là xâm nhập Israel. Hồi giữa năm 2014 đã xảy ra nhiều vụ lính Hamas như những bóng ma từ dưới đất chui lên tấn công các chốt gác, khiến hơn 10 binh sĩ Israel thiệt mạng.
Các tay súng còn cướp thi thể mang về để làm con bài trao đổi tù binh với Tel Aviv. Ngay trong năm đó, Israel phát động chiến dịch gây nhiều tranh cãi mang tên Bảo vệ ranh giới tấn công Gaza với mục tiêu tìm kiếm và phá hủy hệ thống địa đạo của Hamas. Theo tờ The Times of Israel, binh sĩ nước này đã phát hiện khoảng 40 đường hầm rộng rãi, kiên cố, đủ điện nước, cất giữ nhiều vũ khí, đạn dược và cho phép một người vũ trang tận răng qua lại dễ dàng. Một trong số đường hầm đó dài 2,5 km, được đào ở độ sâu 20 m và các chuyên gia ước tính Hamas đã dùng 350 tấn bê tông để xây dựng.
Sau chiến dịch làm 2.000 người Palestine và 72 người Israel thiệt mạng cùng khoảng 100.000 người ở Gaza lâm vào cảnh mất nhà cửa, Tel Aviv đến nay vẫn tỏ ra bất lực trước “mê cung” của Hamas. Chuyên trang Foreign Policy dẫn lời thủ lĩnh chính trị lực lượng này Ismail Haniyeh: “Các chiến binh của chúng tôi vẫn đang nỗ lực tạo ra số đường hầm gấp đôi các địa đạo từng được đào ở VN khi xưa”.
Sở dĩ hệ thống hầm ngầm của Hamas rất khó phát hiện vì chúng bắt đầu từ bên trong nhà dân hoặc đền thờ ở Gaza, kéo dài hàng ki lô mét vào bên trong hoặc ngay rìa các thị trấn biên giới bên phần Israel. Vì thế, dự án Vòm sắt ngầm đang là một trong những ưu tiên lớn nhất của quân đội Israel.
Trong số những công ty tham gia dự án này có Elbit Systems và Rafael Advanced Defense Systems, các nhà thầu từng phát triển lá chắn tên lửa Vòm sắt nổi tiếng. Hiện mọi thông tin về hệ thống vũ khí mới được giữ tuyệt mật nhưng trang tin DEBKafile dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Vòm sắt ngầm sẽ bao gồm các cỗ máy mặt đất được cảm biến siêu nhạy, có thể phát hiện những rung chấn và tiếng động nhỏ nhất dưới lòng đất. Kết hợp với hình ảnh chụp từ vệ tinh và thông qua quy trình phân tích dữ liệu phức tạp, hệ thống sẽ giúp “thấy rõ mồn một” những gì đang diễn ra sâu bên trong lòng đất. Từ đó, các cấp chỉ huy sẽ triển khai vũ khí tiêu diệt mục tiêu.
Mỹ vào cuộc
Theo RT, dự án Vòm sắt ngầm được sự hỗ trợ rất tích cực từ Mỹ. Sau chuyến thăm mới đây của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work, Washington và Tel Aviv đã đạt thoả thuận hợp tác cùng phát triển hệ thống này. Cụ thể, Mỹ đồng ý hỗ trợ 120 triệu USD cho dự án và quốc hội nước này đã thông qua khoản giải ngân đầu tiên 40 triệu USD với mục tiêu “xây dựng năng lực chống địa đạo nhằm phát hiện, vẽ bản đồ và vô hiệu hóa những đường hầm đe dọa Mỹ lẫn Israel”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Sherwood cho hay. Theo ông, Mỹ sẽ “nhận các thiết bị mẫu, có quyền thăm địa điểm thử nghiệm và hưởng quyền lợi về mặt phát minh sáng chế”.
Lý giải cho sự tham gia của Mỹ, các chuyên gia nhận định bản thân Mỹ cũng đang có nhu cầu sở hữu năng lực phát hiện và phá huỷ các cơ sở ngầm dưới lòng đất. Mối hoạ sát sườn nhất là hệ thống đường hầm từ Mexico được bọn tội phạm sử dụng để tuồn ma tuý và buôn người vào lãnh thổ Mỹ. Xa hơn, Washington muốn chuẩn bị cho viễn cảnh xung đột nếu có với Iran, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Trước đây, Mỹ và Israel luôn cáo buộc Iran che giấu các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân trong hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng núi. Đến nay, dù quan hệ Tehran – phương Tây đã được cải thiện rõ rệt nhưng chiều hướng này luôn có nguy cơ bị đảo ngược.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là sở hữu hệ thống hầm ngầm kiên cố trải khắp nước để cất giấu máy bay và tên lửa hạt nhân cộng thêm một căn cứ tàu ngầm bí mật ẩn trong núi ở đảo Hải Nam có thể đóng vai trò chủ lực cho Hạm đội Nam Hải trong trường hợp nổ ra xung đột ở Biển Đông.
Triều Tiên thì từ lâu đã nổi tiếng với khả năng đào hầm, bao gồm hệ thống địa đạo phức tạp ở khu phi quân sự liên Triều. Thậm chí, theo tờ The Telegraph, có nghi vấn chính Bình Nhưỡng đã hỗ trợ bước đầu giúp Hamas tạo ra mê cung địa đạo hiện nay.
Mặt khác, hiện Israel vẫn thiếu một loại vũ khí phá boong ke có sức huỷ diệt lớn; còn Mỹ đang sở hữu “siêu bom” GBU-57. Được xem là bom phi hạt nhân lớn nhất thế giới, GBU-57 được dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh định vị và có khả năng xuyên phá tới 80 m bê tông. Nếu kết hợp với Vòm sắt ngầm thì Mỹ tự tin sẽ có được giải pháp phi hạt nhân lợi hại bậc nhất, đủ sức đánh phá bất cứ đối thủ nào.
Hamas liên tục sập hầm
Kể từ đầu năm 2016, hơn 10 đường hầm của Hamas đã sụp đổ và chôn vùi những người đang đào bới, khiến lực lượng này tổn thất hàng chục thành viên.
Mưa gió được cho là nguyên nhân có thể gây sập hầm, nhưng tình trạng xảy ra hàng loạt khiến Hamas và một số chuyên gia nghi ngờ có thể Israel đã đưa Vòm sắt ngầm ra thử nghiệm thực địa. Hồi đầu tuần, tờ Arutz Sheva (Israel) đưa tin một chỉ huy cấp cao của Hamas đã thiệt mạng trong sự cố đường hầm ở Gaza.
Theo thông báo từ Binh đoàn e Izz al-Din al-Qassam thuộc Hamas, Abd al-Salah al-Butnaji, 36 tuổi, đã bị chôn vùi khi đang làm việc bên trong địa đạo. Do vậy, Hamas đang theo dõi sát sao mọi nỗ lực của Israel nhằm phá huỷ mạng lưới địa đạo chằng chịt ở Gaza.
Tờ The Time of Israel dẫn lời thủ lĩnh Ismail Haniyeh cho biết lực lượng này mới “phát hiện một phương tiện ngầm, được gắn camera, cảm biến với mục tiêu theo dõi đường hầm và các chiến binh của chúng tôi”.
|
Thuỵ Miên