27/12/2024

Chỗ ngọt trồng lúa, chỗ mặn nuôi tôm

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 19-3, GS Võ Tòng Xuân nêu ý kiến: ở đồng bằng sông Cửu Long, không nên chạy đua trồng lúa bằng mọi giá mà tùy vào điều kiện từng vùng, có thể nuôi tôm hoặc trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao…

 

Chỗ ngọt trồng lúa, chỗ mặn nuôi tôm

 

 

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 19-3, GS Võ Tòng Xuân nêu ý kiến: ở đồng bằng sông Cửu Long, không nên chạy đua trồng lúa bằng mọi giá mà tùy vào điều kiện từng vùng, có thể nuôi tôm hoặc trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao… 

 

 

 

 

Chỗ ngọt trồng lúa, chỗ mặn nuôi tôm
Ông Lương Ngọc Lân – Ảnh: T.Trình

Tuổi Trẻ ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Ông Lương Ngọc Lân (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu):

Nước ngọt vẫn là 
môi trường bền vững

Ý kiến của GS Võ Tòng Xuân tôi hiểu rằng xuất phát từ mong muốn nông dân ĐBSCL làm sao có thu nhập tốt, có cuộc sống thoải mái hơn trong điều kiện ngân sách không đủ đầu tư thì làm gì cho nông dân có lợi nhất.

Tại Bạc Liêu, nguyên thủy có tới 120.000ha trồng lúa nhưng hiện tại chỉ còn 68.000ha trồng lúa thôi, còn lại đã chuyển sang nuôi tôm hoặc lúa – tôm. Nhưng tôi lưu ý một điều là ngay cả trong điều kiện nuôi tôm thì con tôm vẫn cần nước lợ vì nếu nước quá mặn (trên 25 phần nghìn) thì tôm vẫn sống nhưng không phát triển.

Nói sống chung với mặn thì phải nói rõ vùng nào, như An Giang thì có đưa nước mặn vào được không? Vì vậy, tuỳ từng vùng, từng vị trí địa lý, từng điều kiện khu vực dân cư… mà có cách “sống chung với mặn” chứ không thể đánh đồng chung cho cả vùng ĐBSCL được.

Tôi cho rằng nước ngọt vẫn là môi trường bền vững cho ĐBSCL.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (nguyên trưởng khoa nông 
nghiệp và sinh học ứng dụng 
ĐH Cần Thơ):

Hãy chỉ ra: cây nào hiệu quả hơn cây lúa?

Chỗ ngọt trồng lúa, chỗ mặn nuôi tôm
Ông Nguyễn Bảo Vệ – Ảnh: N.V.C.C.

Nói chuyển dịch, nhưng chuyển qua cây gì? Tại sao người dân ĐBSCL vẫn đeo bám cây lúa? Bởi đơn giản vì cây lúa có đầu ra, còn những cây khác thì đầu ra không ai bảo đảm lâu dài. Đơn cử như cây nhãn, nhiều khi xuống giá chỉ còn 1.000 đồng/kg, người dân để trái rơi rụng đầy gốc.

Hay như con tôm, xuống Bạc Liêu mới thấy: ngày trước vùng Long Điền đất tốt, làm lúa hai vụ, đâu có cảnh xách thúng đi chạy gạo, nhưng khi chuyển dịch không đúng thì phải xách thúng đi chạy gạo đó thôi.

Tôi nghĩ rằng đối với những vùng dễ tổn thương thì “các nhà” phải ngồi lại với nhau. Không thể quy hoạch đồng ruộng theo ý chí chủ quan để rồi lỡ thất bại thì người dân lại lãnh đủ.

Tôi đề xuất chỗ nào dễ bị tổn thương, chỗ nào làm giảm năng suất thì phải tích cực đi tìm đối tượng mới, sau đó mới quy hoạch cho phù hợp. Không thể nói nước mặn vào thì phải chuyển sang nuôi tôm. Chắc chắn con tôm chịu được nước mặn, nhưng con tôm đó có mang lại hiệu quả kinh tế khi mình thay đổi hay không thì chưa ai trả lời chắc chắn được.

Ông Nguyễn Văn Tâm
(giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang):

Chỗ nào mặn thì cứ 
nuôi tôm

Chỗ ngọt trồng lúa, chỗ mặn nuôi tôm
Ông Nguyễn Văn Tâm – Ảnh: K.Nam

Đối với ngành nông nghiệp, lúa là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá thấp và thiếu ổn định. Câu chuyện “được mùa rớt giá” đã nói nhiều rồi. Để ổn định thu nhập cho người trồng lúa, hằng năm Chính phủ đều phải chỉ đạo mua tạm trữ.

Tại tỉnh Kiên Giang, nhiều năm nay đã nảy sinh và tồn tại mâu thuẫn lợi ích trong nội bộ nông dân giữa người trồng lúa với người nuôi tôm. Trong khi anh nuôi tôm xả nước mặn vô ruộng thì anh trồng lúa lại đắp đê bao giữ ngọt. Chính quyền các địa phương đã phải rất vất vả giải quyết mối quan hệ này.

Và bây giờ là câu chuyện biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước từ thượng nguồn và thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn bất thường. Nếu làm bài toán kinh tế thì việc ngăn mặn, giữ ngọt để đảm bảo năng suất lúa là cực kỳ tốn kém. Khoản tiền này chắc chắn ngân sách địa phương không kham nổi, bởi lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Cho nên theo tôi, đã đến lúc phải xem lại cơ cấu ngành nông nghiệp. Cần tính toán xem vùng nào thích hợp để trồng lúa, vùng nào nuôi thuỷ sản nước lợ, vùng nào nuôi thuỷ sản nước mặn. Kiên Giang có một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi nước nhiễm mặn thì duy trì việc trồng lúa. Những huyện ven biển thì theo tôi cứ mở cống cho dân lấy nước để nuôi tôm.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):

Uyển chuyển để lúa – tôm đều hiệu quả

Chỗ ngọt trồng lúa, chỗ mặn nuôi tôm
Ông Nguyễn Văn Sánh – Ảnh: C.Quốc

Tôi tán thành ý kiến của GS Võ Tòng Xuân về việc không chạy theo cây lúa bằng mọi giá, vì đã đến lúc chúng ta không thể làm theo kiểu cũ được nữa.

Chúng ta phải hiểu điều kiện tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một mùa mưa (nước ngọt) và một mùa khô (nước bị nhiễm mặn).

Vì vậy, mùa có nước mặn thì phải khai thác theo hướng khác có lợi thế mà tôi thấy các vùng ven biển từ nhiều năm nay nông dân đã làm lúa – tôm rồi. Không nên tiếp tục đầu tư tiền bạc cho làm đê, cống ngăn mặn một cách máy móc mà không quan tâm tới đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long, vốn rất nhạy cảm về tự nhiên.

Đắp đập ngăn mặn tập trung cho cây lúa chưa phải là chiến lược tốt. Không thể dẫn bằng được nước ngọt vào vùng mặn để trồng lúa và ngược lại cũng không thể đưa mặn vào vùng ngọt để nuôi tôm mà nên quy hoạch vùng nào “ngọt cho ra ngọt”, các vùng còn lại thì nên uyển chuyển sao cho khai thác lúa – tôm một cách hiệu quả nhất.

* PGS.TS Mai Thành Phụng (nguyên trưởng bộ phận thường trực Nam bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia):

Có chính sách để doanh nghiệp bước vào đồng ruộng

Theo tôi, hiện nay đừng bàn luận nên trồng lúa hay không nên trồng lúa (kể cả diện tích trồng lúa ở những vùng nên cắt giảm ngay).

Bàn vấn đề này là chưa hoàn toàn sát thực tế đồng bằng, mà sát sườn phải là: phải tìm ra phương án sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả nhất để cung cấp các giải pháp canh tác, sản xuất cho nông dân, giúp họ có thu nhập khá hơn trên mảnh đất của mình.

Còn nếu chưa tìm ra được phương án thay thế cây lúa thì nông dân phải làm lúa, bởi không có cái gì khác ngoài lúa để làm, chẳng lẽ nông dân lại ở không?

Trách nhiệm này phần lớn là của Nhà nước. 

Trên thực tế hiện nay có khá nhiều mô hình để nông dân có thể cải thiện thu nhập tốt hơn trồng lúa, song vấn đề là lắp các mô hình này vào những vùng đất nào, tạo điều kiện ra sao để nó chạy và mang lại lợi ích thật sự cho nông dân.

Mắc mứu lớn nhất cho vấn đề này, theo tôi, là chưa tháo gỡ được để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, nghĩa là doanh nghiệp phải tham gia đầu tư vào nông nghiệp.

Cho đến nay, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% tổng tiền mà cộng đồng doanh nghiệp đã bỏ vốn làm ăn. Điều này có thể xem là một thất bại của Việt Nam. 

Như vậy, để thay thế cây lúa bằng các loại cây trồng khác hiệu quả cao hơn hay nói rộng ra là chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả, “nhạy cảm” với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… nhất định phải gỡ nút thắt này. Nếu không có doanh nghiệp tham gia là khó thành công. Trách nhiệm của Nhà nước là làm sao để đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp từ 1% tăng lên mức 5%, rồi đạt 10% trong các năm tới. 

QUỐC THANH ghi

C.QUỐC – T.TRÌNH 
- K.NAM ghi