Rủi ro của nợ công
Nợ công VN đang đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó đáng chú ý có rủi ro về đảo nợ, vay nhiều để chi tiêu chứ không phải cho đầu tư phát triển.
Rủi ro của nợ công
Nợ công VN đang đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó đáng chú ý có rủi ro về đảo nợ, vay nhiều để chi tiêu chứ không phải cho đầu tư phát triển.
Trả lời Thanh Niên, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (ảnh), giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đã có những phân tích về vấn đề này.
Ngân sách 2.000 tỉ đồng, nợ đọng gần 4.000 tỉ đồng
Nợ công VN tăng quá nhanh trong 5 năm qua, trung bình khoảng 20%/năm, đạt mức 2,8 triệu tỉ đồng năm 2015, tương đương 115 tỉ USD. Ông dự báo nợ công giai đoạn 2016 – 2020 sẽ như thế nào?
Chắc chắn sẽ tăng hơn 20% trong giai đoạn tới. Nợ công tăng nhanh có nhiều nguyên nhân, trong đó có cân đối thu chi của VN không đảm bảo. Chúng ta có thể thấy nguồn thu bấp bênh, không bền vững trong cân đối ngân sách. Thu dầu thô từ chỗ chiếm tới 30% giảm còn 20% ngân sách, nay chỉ 6%. Thu từ thuế xuất nhập khẩu thì theo cam kết tự do thương mại không còn dồi dào như trước. VN chủ yếu dựa vào nguồn thu nội địa mà nền kinh tế vẫn yếu như thế này lấy đâu ra tiền, thu càng nhiều DN càng chết. Trong khi đó, nhu cầu vốn của ta quá lớn, nhưng lại không xuất phát từ nhu cầu thật sự đáng cần. Nhà nước ôm đồm quá nhiều thứ nên phải cần nguồn tiền để tài trợ. Chẳng hạn, ở quê tôi, con đường nông thôn đất đỏ dân muốn tự bỏ tiền ra làm bê tông, nhưng xin chính quyền thì bị bác, bảo đường này tỉnh quản lý, ngân sách tỉnh rót nên dân phải đợi, kiên nhẫn chờ ngân sách. Nhìn con đường nhỏ nhưng là vấn đề lớn, điểm chung của nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách khác. Thành ra có tình trạng dự án nào cũng muốn đưa vào danh mục đầu tư công để xin ngân sách. Đấy là lập ngân sách đầu tư dựa trên nhu cầu. Còn các nước lập ngân sách dựa trên hiệu quả. Nên tôi không hề thấy triển vọng gì về cắt giảm thâm hụt ngân sách như lộ trình Chính phủ đưa ra cả.
Nghĩa là mấu chốt vấn đề nợ công hiện nay là kỷ luật ngân sách?
Đúng thế, kỷ luật ngân sách cực kỳ lỏng lẻo, dễ dãi. Năm ngoái, Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 07 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Thực tế, nhiều địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản chồng chất. Tôi đi làm đề án tái cơ cấu ở một tỉnh miền núi phía bắc, giám đốc sở xây dựng than nợ đọng xây dựng của tỉnh là 3.800 tỉ đồng trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh cả năm chưa tới 2.000 tỉ đồng. Nghĩa là anh nhịn ăn nhịn uống 2 năm mới trả xong hết nợ đọng xây dựng cơ bản. Thế nên suốt ngày lãnh đạo địa phương tới trung ương xin ngân sách trung ương rót về chi trả. Điều đó cho thấy tính kỷ cương kỷ luật trong việc sử dụng ngân sách kém.
Tín hiệu nguy hiểm
|
Ông có thể phân tích những rủi ro nợ công của VN?
Nợ của VN hết sức bấp bênh, nhất là nợ ngắn hạn nhiều. Thời gian qua phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn (3 – 5 năm), đặt ra rủi ro thanh khoản, nghĩa là tiền chưa xài kịp đã đến hạn phải trả. Điều đó cho thấy, năng lực quản lý nợ công của ta kém quá, khi không phối hợp được giữa việc huy động nguồn lực và phân bổ vốn. Kỳ hạn ngắn, thanh khoản nợ sẽ cao. Dẫn tới hệ quả đảo nợ cực kỳ nguy hiểm vì làm tăng quy mô nợ. Đảo nợ phát đi một tín hiệu nguy hiểm về mặt khả năng chi trả. Nó thể hiện rằng anh đang gặp khốn khó tài chính chứ không đơn thuần vay mới trả cũ.
Rủi ro của nợ công không chỉ ở quy mô nợ mà còn là xu hướng của nó. Với tốc độ tăng khoảng 20%/năm, nợ công VN rõ ràng rất nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế VN sau khi cộng lạm phát chưa tới 8% GDP. Ngoài ra, nguyên lý để đánh giá tính bền vững của nợ công là nợ 1 đồng hôm nay phải kiếm nhiều hơn 1 đồng để trả nợ trong tương lai. Nguồn trả nợ phải lấy từ thặng dư ngân sách. Phải có tích luỹ, tiết kiệm mới có thu nhập thặng dư để trả nợ. Nhưng 30 năm đổi mới có năm nào chúng ta thặng dư ngân sách không? Hầu như không. Chưa kể, các rủi ro khác bao gồm nợ đang nằm phân tán khắp nơi, từ trung ương, địa phương, doanh nghiệp nhà nước, bộ ngành; chi phí vay nợ ngày càng cao…
Theo ông, đâu là những giải pháp để khắc phục tình trạng “vung tay quá trán”, thiếu kỷ cương trong sử dụng ngân sách?
Những giải pháp căn cơ đòi hỏi Chính phủ phải lắng nghe một cách thật sự. Đó là phải cải cách thể chế, cụ thể là phải có đối trọng về giám sát. Bên cạnh đó, phải có cơ chế giải trình trách nhiệm. Phải giải trình ra bên ngoài chứ không phải giải trình cho cấp trên của mình. Hiện nay có điều phi lý là giải trình nội bộ sau đó nội bộ phát ra bên ngoài, vậy thì còn gì là minh bạch. Đồng thời phải có thiết chế để đảm bảo tiếng nói của người dân, tăng sự phản biện để giảm động cơ trục lợi. Đây cũng là khâu giám sát quan trọng. Ngoài ra, các giải pháp trước mắt là phải siết lại kỷ cương, kỷ luật tài khoá, bằng cách quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu. Không có chuyện quy cho tập thể. Tập thể là huề. Có cơ chế hồi tố trách nhiệm đối với người về hưu chứ không phải tạo ra “hiệu ứng tuổi 59” hay “hạ cánh mềm”…
N.Trần Tâm
(thực hiện)