02/11/2024

Chờ nhiều ngày mới được khám tâm lý

Khi phát hiện trẻ có vấn đề về tâm lý, nhiều bậc cha mẹ đã lo lắng đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khám. Dù có mặt tại bệnh viện tầm 6g sáng nhưng nhiều trẻ vẫn không được khám vì hết số thứ tự.

 

Chờ nhiều ngày mới được khám tâm lý

 

Khi phát hiện trẻ có vấn đề về tâm lý, nhiều bậc cha mẹ đã lo lắng đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khám. Dù có mặt tại bệnh viện tầm 6g sáng nhưng nhiều trẻ vẫn không được khám vì hết số thứ tự.

 

 

Chờ nhiều ngày mới được khám tâm lý
Phụ huynh đưa con tới khám tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Q.10, TP.HCM) sáng 16-3 – Ảnh: Duyên Phan

“Số trẻ cần được khám tâm lý khá đông nhưng hiện mỗi ngày khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ tiếp nhận được 20 bệnh nhi mới nên số trẻ còn lại sẽ phải ra về. Bệnh viện không biết con số trẻ ra về là bao nhiêu”- ThS.BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết như vậy.

Trong khi đó, có những phụ huynh khi đưa trẻ vào phòng khám đã kể cho bác sĩ nghe con họ chờ ba ngày mới được khám.

30-60 phút/ca khám tâm lý

Bác sĩ Triết nhận xét số trẻ bị rối loạn tâm lý, mắc các bệnh về tâm lý đang có xu hướng tăng. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do phụ huynh ít có thời gian dành cho con, nhiều trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, Internet, dẫn đến ít được tiếp xúc tương tác với con người nên có nhiều nguy cơ bị các rối loạn về tâm lý.

Ví dụ, nhiều bậc cha mẹ “khoán trắng” việc chăm sóc trẻ cho ông bà, người giúp việc. Trẻ luôn có nhu cầu được cha mẹ chú ý nên có hành vi không mong đợi như hung hăng, hoặc trầm cảm để mong được sự chú ý của ba mẹ…

Trẻ đến khám bệnh tâm lý đông hơn còn do kiến thức về các rối loạn tâm lý đã được nâng cao trong cộng đồng, trong y khoa.

Người dân biết đến các rối loạn tâm lý nhiều hơn và các bác sĩ không phải chuyên khoa tâm lý cũng bắt đầu chú ý hơn. Có những bậc cha mẹ đọc báo, nghe đài và thấy con có triệu chứng giống như báo, đài nói nên đưa trẻ đi khám.

Bên cạnh những bệnh nhân ngoại trú, khoa còn tiếp nhận trẻ đang nằm điều trị nội trú trong bệnh viện. Ngoài ra, những học sinh có khó khăn trong học tập, nhà trường cũng yêu cầu đánh giá và có giấy chứng nhận…

Thời gian đánh giá và can thiệp một trẻ có vấn đề về tâm lý dài, mỗi một trường hợp đánh giá cần từ 30-60 phút. Vì nền tảng của tâm lý là tìm hiểu các mối quan hệ, sự tương tác của các vấn đề xung quanh bệnh nhân liên quan đến các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng, ở trường. Muốn bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nói được những điều này cần có sự tin tưởng ở mức độ nhất định, vì vậy người làm tâm lý cần có thời gian để tạo dựng sự tin tưởng đó.

Hiện tại, khoa có cải tiến cách đánh giá nhanh hơn, thời gian có cải thiện ngắn hơn nhưng so ra vẫn dài hơn so với thời gian các bác sĩ khám các bệnh lý nhi khoa khác tại khoa khám bệnh. Thời gian để bác sĩ khám lọc, tiếp cận nhanh một trẻ dao động từ 15 – 45 phút, tạm tính trung bình là 25 phút. Như vậy, mỗi bác sĩ có thể tiếp nhận 19 trẻ trong 8 giờ.

Theo lý thuyết là vậy nhưng thân nhân trẻ có tâm lý thường dễ có cảm xúc nên trong thực tế cần nhiều thời gian hơn. Ví dụ: một phụ huynh sau khi bác sĩ thông báo con mình có thể mắc tự kỷ, phản ứng của phụ huynh có thể khóc, bác sĩ không thể mời phụ huynh đó ra ngoài để khám cho bé khác!

Bên cạnh đó, vì làm việc trong môi trường có nhiều cảm xúc nên người bác sĩ cũng cần có thời gian điều chỉnh cảm xúc của chính mình 
sau mỗi trường hợp khám.

Cải tiến quy trình tiếp nhận bệnh nhân

Năm 2010, tổng số lượt bệnh nhân được tiếp nhận tại khoa gần 6.000 lượt. Năm 2014, tổng số lượt bệnh nhân được tiếp nhận tại khoa gần 8.000 lượt và năm 2015, tổng số lượt bệnh nhân được tiếp nhận tại khoa gần 9.200 lượt.

Trong thời gian qua, khoa và bệnh viện đã thực hiện một số thay đổi như cải tiến quy trình tiếp nhận bệnh. Bố trí tiếp nhận bệnh nhân ở cửa ưu tiên; số lượng bệnh nhân nhi ngoại trú đến khám tại bệnh viện trung bình khoảng 6.000 – 7.000 lượt/ngày, chủ yếu tập trung vào buổi sáng. Số bệnh nhân khoa tâm lý có thể tiếp nhận được khoảng 40 – 50 ca mỗi ngày. Vì vậy, nếu để những bệnh nhân này cùng được tiếp nhận ở các cửa như bệnh nhân khác sẽ kéo dài thời 
gian đăng ký của bệnh nhân.

Ngoài ra, khoa cũng thay đổi hướng tiếp nhận bệnh nhân. Năm 2010, bệnh nhân khi đến bệnh viện thường được cho một cuộc hẹn sau 3 – 4 tháng, không được khám liền. Kết quả ở khoa có tình trạng là bệnh nhân mới đến nhưng không được khám, còn bệnh nhân có cuộc hẹn cũng ít đến khám vì thường là họ không chờ được 3 tháng, đã đưa con mình đi khám nơi khác.

Hiện tại, khoa không hẹn đối với bệnh nhân mới, chỉ hẹn tái khám cho bệnh nhân cũ. Mỗi sáng, khoa tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mới đến khám và 20 – 30 bệnh nhân đã có lịch tái khám. Làm theo cách này, bệnh nhân mới có cơ hội được khám ngay nhưng sẽ có nhiều bệnh nhân đi nhiều ngày liên tiếp nhưng vẫn không được khám.

Trong tuần qua, với những bệnh nhân đến khám mà không được khám ngay trong ngày, khoa sẽ cho các lịch hẹn để khám xen vào những buổi chiều.

Khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến các công cụ nhằm giảm thiểu thời gian đánh giá bước đầu nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đánh giá cho bệnh nhân, tuyển dụng và đào tạo bác sĩ cho khoa, nghiên cứu triển khai khám ngoài giờ, hoàn chỉnh phác đồ và xem xét mở các lớp đào tạo cho các bác sĩ tuyến trước về một số bệnh lý về tâm lý…

Thiếu cơ sở điều trị bệnh tâm lý

Trong khi số trẻ cần được khám tâm lý nhiều như vậy nhưng số cơ sở điều trị bệnh tâm lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các bệnh viện dưới tỉnh đều không điều trị cho trẻ em có vấn đề về tâm lý nên trẻ ở tỉnh đều lên TP.HCM để khám bệnh.

Tại TP.HCM cũng chỉ có ba bệnh viện công tiếp nhận những bệnh nhân này là Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần.

Riêng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện số nhân sự còn bị giảm hai người so với năm 2010. Cụ thể, năm 2010 khoa có 12 người (3 bác sĩ, 3 chuyên viên tâm lý, 3 giáo viên đặc biệt, 1 nhân viên công tác xã hội, 1 điều dưỡng và 1 hộ lý).

Hiện khoa chỉ còn 10 người (3 bác sĩ, 2 chuyên viên tâm lý, 2 giáo viên đặc biệt, 1 nhân viên công tác xã hội, 1 điều dưỡng và 1 hộ lý). Việc tuyển dụng nhân sự cho khoa tâm lý gặp nhiều khó khăn do ít có bác sĩ chọn.

THUỲ DƯƠNG ([email protected])