Ghé chốt bảo vệ dân phố cứ tưởng dân phòng “mật phục”
Thời gian qua, tại một số nơi trên địa bàn TP.HCM xảy ra các vụ án liên quan tới giết người và trộm cắp, cướp giật khiến người dân bất an. Nhiều người dân đặt câu hỏi: trong những thời điểm đó, dân phòng ở đâu?
Ghé chốt bảo vệ dân phố cứ tưởng dân phòng “mật phục”
Thời gian qua, tại một số nơi trên địa bàn TP.HCM xảy ra các vụ án liên quan tới giết người và trộm cắp, cướp giật khiến người dân bất an. Nhiều người dân đặt câu hỏi: trong những thời điểm đó, dân phòng ở đâu?
Một người trực nằm ngủ tại một chốt dân phòng ở Q.Gò Vấp – Ảnh: Lê Phan |
Theo phản ảnh của người dân, chúng tôi trở lại một số địa bàn có diễn biến an ninh phức tạp và từng xảy ra các vụ trộm cắp, cướp tài sản trong thời gian gần đây như P.An Phú (Q.2), P.Tân Phong (Q.7), thị trấn Nhà Bè (H.Nhà Bè), P.8 (Q.10), đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) và một số tuyến đường thuộc Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp để ghi nhận tình hình tổ chức chốt trực của bảo vệ dân phố.
Chốt “nằm ngủ”, chốt trống trơn
Khoảng 1g sáng 11-3, chúng tôi ghi nhận tại chốt dân phòng đầu đường song hành xa lộ Hà Nội (P.An Phú, Q.2) đèn vẫn sáng, tuy nhiên bên trong không có người trực và cửa đã được khóa ngoài bằng ổ khoá sắt.
Cùng thời điểm trên, một số chốt trực tại các tuyến đường nội bộ P.An Phú cũng trống trơn không có ai canh gác.
Một số người dân ở khu vực này cho biết họ thỉnh thoảng thấy một số dân phòng ở một vài chốt lớn nhưng đến 23g trở đi thì không thấy ai nữa. Ông L.M.T., một người dân sống trong khu vực, cho biết các chốt trực tại đây đa số đều bị bỏ hoang, hiếm khi thấy người trực chốt.
“Họ thường đi tuần mỗi tối một hai lượt rồi thôi, sau 23g thì không còn ai trực” – ông T. nói.
Tình trạng tương tự còn được ghi nhận tại chốt trực trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần cầu Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh).
Tại đây, đèn vẫn bật sáng nhưng cửa đã khoá và không có ai bên trong. Rạng sáng 11-3, tại trụ sở tổ bảo vệ dân phố khu phố 5, khu phố 6 (thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè) cổng được kéo lại, cửa khoá và không có bất cứ sự hiện diện nào của lực lượng bảo vệ dân phố.
Một số chốt trực khác thuộc P.12 (Q.Gò Vấp) cũng tắt đèn và đóng cửa im lìm không thấy bóng dáng người trực vào đêm 7-3 và đầu giờ sáng 8-3. Các con đường nội bộ nối từ đường Tân Sơn và đường Phan Huy Ích có nhiều chốt dân phòng không có người trực.
Trong ba ngày quan sát ở đây, chúng tôi chỉ một lần bắt gặp được một tốp bảo vệ dân phố đi tuần trên đường Tân Sơn vào rạng sáng 8-3.
Bên cạnh những chốt bảo vệ không có người trực, 1g sáng 10-3, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một bảo vệ dân phố nằm quấn võng ngủ ngon lành tại chốt trực trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh).
Vài ngày trước đó, chúng tôi cũng ghi nhận tại chốt trực đầu đường vào công viên Tầm Vu (Q.Bình Thạnh), người trực chốt nằm ngủ bên trong. Chốt trực trên đường Quang Trung (P.12, Q.Gò Vấp) cũng xảy ra tình trạng tương tự, hai bảo vệ dân phố được phân công trực đêm tại chốt lại nằm trùm chăn ngủ. Cánh cửa của chốt trực này được đóng lại và phần kính đã được dán đề can chỉ chừa hai ô nhỏ.
“Chỗ tôi ở mỗi con hẻm dù lớn nhỏ đều có một chốt bảo vệ, có khi hai chốt nhìn rất an toàn. Tuy nhiên, chốt bảo vệ rất nhiều nhưng không có người chốt chặn. Không phải một lần mà rất nhiều lần tôi chẳng thấy bóng dáng một bảo vệ dân phố nào ở chốt dù là ngày, đêm hay sáng. Điều đó chứng tỏ họ không làm tròn nhiệm vụ” – một người dân ở Q.Gò Vấp bức xúc.
“Cần thông cảm và gắn kết hơn…”
Ông Nguyễn Minh Tuấn – phó ban bảo vệ dân phố P.7, Q.Gò Vấp, đồng thời là tổ trưởng một chốt trực bị phản ảnh có người ngủ khi trực – cho biết theo lịch trực thì mỗi người bảo vệ dân phố thường phải có mặt lúc 8g tối để tiến hành ca trực tới 7g sáng hôm sau. Trong mỗi ca trực phải đảm bảo ba ca đi tuần.
Sau thời gian đó, nếu có điều động thì phải lên trụ sở công an phường để tiếp tục hỗ trợ và công việc này phải duy trì xuyên suốt không có ngày nghỉ, vì vậy rất mệt nên mới có tình trạng người trực nằm ngủ như phản ảnh.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm là với thời gian làm việc như vậy mà phụ cấp chỉ ở mức 1,5 triệu đồng/tháng nên đã có nhiều bảo vệ dân phố bỏ làm để kiếm công việc lo cho cuộc sống. Vì vậy đa số các chốt trực đều thiếu người hoặc chỉ có người lớn tuổi duy trì làm việc.
Trung tá Lê Thành Hưng – trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp – nói rằng về nguyên tắc, lực lượng bảo vệ dân phố này cần đảm bảo xuyên suốt việc trực tại chốt đồng thời tham gia đầy đủ khi được điều động để hỗ trợ giải quyết các vấn đề an ninh trật tự trong khu vực.
Tại các chốt trực phải đảm bảo có người trực để hỗ trợ người dân khi cần, trong quá trình trực không được ngủ và đóng cửa, trừ trường hợp được điều động đột xuất để hỗ trợ xử lý các vấn đề an ninh trật tự. Đối với các trường hợp vi phạm bị tổ kiểm tra nhắc nhở phát hiện sẽ tổ chức họp kiểm điểm và chấn chỉnh, nếu tiếp tục vi phạm sẽ kiểm điểm và vận động cho nghỉ.
“Tuy nhiên, vì mang đặc thù là lực lượng tự nguyện nên mức hỗ trợ thấp và đa số là những người ở độ tuổi trung niên tham gia. Do đó, người dân cũng cần thông cảm và gắn kết hơn với lực lượng bảo vệ dân phố. Trong trường hợp thấy chốt bỏ trống có thể là do được điều động đột xuất, nếu không thấy có người trực tại chốt mà có vấn đề cần trình báo thì người dân có thể gọi trực tiếp lên công an phường để được giải quyết” – trung tá Lê Thành Hưng nói.
Trung tá Lê Thành Hưng, trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp, cho biết theo nghị định số 38/2006/NĐ-CP và quyết định số 38/2006/NĐ-CP về quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố thì đây là lực lượng tự nguyện hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Căn cứ vào đặc thù địa bàn của từng địa phương, sẽ có sự phân bố chốt trực và số người trong một tổ trực. Tại P.12, Q.Gò Vấp là 4 người/chốt trực. |