25/12/2024

“Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và…đứng ngó”

“Hai hộ trong xóm đánh nhau, chúng tôi can không được nên chạy đến chốt dân phòng nhờ họ can thiệp. Họ có đến nhưng chỉ đứng… ngó”.

 

“Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và…đứng ngó”

 

 

 

“Hai hộ trong xóm đánh nhau, chúng tôi can không được nên chạy đến chốt dân phòng nhờ họ can thiệp. Họ có đến nhưng chỉ đứng… ngó”. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

"Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và...đứng ngó"
Một chốt dân phòng đặt trên vỉa hè dưới chân cầu Hoàng Hoa Thám, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – ẢNh: Thanh Tùng

​Trong số 100 người dân được hỏi, có 59 người cho biết chưa bao giờ gọi lực lượng dân phòng hoặc bảo vệ dân phố (người dân thường gọi chung là dân phòng – DP) khi có chuyện liên quan đến an ninh trật tự vì chưa hiểu nhiệm vụ, chưa thấy hiệu quả của lực lượng này..

“Tới bây giờ tui cũng không biết DP có nhiệm vụ gì và tui được nhờ vả trong trường hợp nào” – ông Tăng Minh Hồng (ngụ Q.5), một trong số 100 người dân ở TP.HCM tham gia cuộc khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ về mức độ quan tâm của người dân đến vai trò và nhiệm vụ của DP, chia sẻ.

Sao dân phòng 
toàn người lớn tuổi?

Đó vừa là thắc mắc vừa là nỗi lo của ông Nguyễn Văn Trung (Q.Gò Vấp) về thành phần tham gia DP mà ông thường thấy ngay khu vực ông sống và một số nơi khác.

Theo ông Trung, ông thường thấy DP có khi đi với đội quản lý trật tự đô thị nhắc nhở, tịch thu bảng hiệu, hàng hóa của người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Có khi ông thấy họ đi với công an khu vực giải quyết các vụ gây rối trật tự, có lúc lại “sắm vai” cảnh sát giao thông phân luồng lúc kẹt xe…

“Có mấy ổng cũng đỡ thiệt nhưng tôi thấy lo không biết cơ chế tuyển chọn DP thế nào mà đa số là người lớn tuổi, hiệu quả làm việc chắc hạn chế. Với lại thấy mấy ổng thường đi với cơ quan chức năng nên tui với bà con ở đây cũng ngại nhờ khi có chuyện” – ông Trung nói.

Còn anh Lê Mạnh Tùng (Q.10) kể: “Có lần hai hộ trong xóm đánh nhau, chúng tôi can không được nên chạy đến chốt DP nhờ họ can thiệp. Họ có đến nhưng chỉ đứng… ngó. Từ đó về sau tôi không nhờ nữa”.

Câu chuyện của ông Trung, anh Tùng cũng là một phần lý do mà 59 người “chưa bao giờ gọi DP” chia sẻ với nhóm khảo sát.

Bên cạnh việc chưa hiểu về vai trò và nhiệm vụ của DP, còn nhiều người dân gặp trở ngại khi tìm đến lực lượng này. Vẫn còn có 28% người tham gia khảo sát nói rằng họ không biết chốt DP ở khu vực mình sinh sống đặt tại vị trí nào.

Những người biết vị trí chốt DP thì hơn phân nửa (51,4%) nhận xét chốt DP được bố trí ở vị trí chưa hợp lý và hình thức còn nhếch nhác.

Theo mô tả chung, chốt DP thường được dựng tạm bằng mái tôn và được đặt trên các vỉa hè, gần ngã tư hoặc một số điểm thường xuyên xảy ra tệ nạn. Nhiều người nói chốt DP chiếm hết vỉa hè khiến người dân đi lại khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng chốt DP cần đặt ở những vị trí như vậy để dễ tìm. “Lấn chiếm vỉa hè một chút nhưng hỗ trợ dân kịp thời, “nhát ma” được tụi cướp giật, đua xe, hút chích thì có sao?” – chị Phan Thị Bảo Trân (Q.Tân Bình) lý giải.

"Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và...đứng ngó"
Kết quả khảo sát 100 người – Đồ hoạ: Ngọc Thành

Còn xa dân lắm…

Khi được hỏi thường nhờ đến đội ngũ DP trong trường hợp nào, 32% người tham gia khảo sát cho biết họ nhờ khi xảy ra trộm, cướp. Số khác liên hệ khi có người buôn bán lấn chiếm (27%); nhờ giữ xe, giữ an ninh khi có đám cưới, đám ma trong khu vực; khi có mâu thuẫn, đánh nhau hoặc xảy ra cháy, nổ… Đáng lưu ý là những người ở ngoại thành có tỉ lệ tìm đến DP cao hơn ở nội thành, chủ yếu họ nhờ khi xảy ra trộm cướp và có đánh nhau.

Theo chị Lê Huyền Minh Trang (Q.10), chính nhờ sự có mặt của DP trong các trường hợp trên mà hình ảnh, màu áo của DP trở nên gần gũi với dân hơn. “Nhưng thực tế vẫn còn xa dân lắm vì không ít người trong lực lượng này chưa hiểu rõ vai trò, quyền hạn của chính mình nên dẫn đến việc lấn quyền, thái độ tiếp xúc với dân không chuẩn” – chị Trang thẳng thắn chia sẻ.

Trong các thang đo mức độ hài lòng của người dân về: thời gian chờ đợi hỗ trợ, thái độ tiếp xúc và trách nhiệm khi làm việc với dân của DP, cả ba tiêu chí đều nhận được đánh giá “tốt” chưa đến 15%, trong khi có đến 40% ý kiến đánh giá là “chưa tốt”.

Vì vậy, khi bàn về biện pháp để DP nâng cao hiệu quả hoạt động và gần gũi với người dân hơn, thì giải pháp và cũng là mong mỏi lớn nhất của 100 người tham gia khảo sát (66% ý kiến) là làm sao để DP chuyên nghiệp hơn, được đào tạo bài bản hơn.

Cụ thể hoá giải pháp này, bà Lê Nguyễn Hồng Vy (huyện Củ Chi) cho rằng: “Cần xem xét lại các tiêu chí tuyển chọn lực lượng DP hiện nay. Cần công khai tuyển chọn những người có lý lịch, sức khoẻ tốt, trình độ văn hoá tương đối. Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách trả lương xứng đáng vì theo tôi được biết lương của DP rất thấp”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (P.An Phú, Q.2):

"Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và...đứng ngó"

“Ở phường tôi, DP thường đi tuần tra, nhắc nhở người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường hay đứng ra phân luồng giao thông khi cần. Nhờ có chốt DP mà nhiều năm nay khu vực này an ninh hơn”.

Chị Hoài Anh (Q.Tân Phú):

"Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và...đứng ngó"

“Chốt DP khu tôi bề bộn lắm. Nằm chình ình trên vỉa hè, không còn lối đi nhưng khi cần thì tìm mỏi mắt không có ai trực. Thiết nghĩ lực lượng này cần chốt trực thường xuyên để người dân có thể liên hệ trực tiếp khi cần sự hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Văn Bình (P.7, Q.Gò Vấp):

"Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và...đứng ngó"

“Tôi thấy DP phần lớn là người đã lớn tuổi, sức khoẻ thường không tốt, bệnh người già nhiều nên đôi khi có việc họ không xử lý được. Tôi nghĩ cần tuyển những người trẻ tuổi vào lực lượng này và muốn tuyển được thì phải có chế độ, lương bổng phù hợp người ta mới làm”.

Ông Lê Thành Long (huyện Bình Chánh):

"Xóm tôi có đánh nhau, dân phòng tới và...đứng ngó"

“Nếu muốn DP hoạt động có hiệu quả thì quan trọng hơn cả vẫn là sự nhiệt tình, tự giác của họ với công việc và trách nhiệm với người dân. Thực tế người dân và DP vẫn chưa có sự liên hệ với nhau nhiều”.

NHÓM KHẢO SÁT