Trên thành nhiều cây cầu đẹp ở các thành phố lớn đã xuất hiện những ‘ổ khoá tình yêu’ của các đôi uyên ương treo lủng lẳng một cách tự phát và ‘phong trào’ đang có vẻ ngày càng lan rộng.
Gắn khoá tình yêu trên cầu, nên chăng?
Trên thành nhiều cây cầu đẹp ở các thành phố lớn đã xuất hiện những ‘ổ khoá tình yêu’ của các đôi uyên ương treo lủng lẳng một cách tự phát và ‘phong trào’ đang có vẻ ngày càng lan rộng.
Có nên cho gắn khoá tình yêu trên cầu không, gắn thế nào, gắn ở đâu đã trở thành việc đáng phải bàn.
Nhu cầu… gắn khoá
Gỡ khoá cứu cầu
Nổi tiếng về khoá tình yêu nhất phải kể đến cầu Pont des Arts bắc qua hai bờ sông Seine (Paris, Pháp). Những đôi lứa từ khắp nơi trên thế giới đến đây móc khoá tình yêu vào hàng rào mắt cáo dọc hai thành cầu. Điều này đã khiến một đoạn thành cầu quá tải, gãy và rơi xuống sông. Việc xử lý bằng cách gỡ bớt ổ khoá cũng không ăn thua so với lượng khách đổ về đây gắn khoá tình yêu ngày một nhiều. Tháng 6.2015, thành phố đã quyết định gỡ bỏ hoàn toàn các ổ khoá này (tổng cộng nặng đến 45 tấn) và cấm du khách móc khoá lên cầu. Đây cũng là cây cầu được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Ngày 10.3, Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp Sở VH-TT-DL Cần Thơ và Q.Ninh Kiều đã tổ chức toạ đàm về việc tạo sản phẩm du lịch mới trên cầu đi bộ Cần Thơ mới khánh thành. Qua phiếu ý kiến, có 41/65 đại biểu đồng ý cho phép “gắn khoá tình yêu” trên cây cầu này. Ông Trần Văn Kiệt, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Cần Thơ cho biết kết quả bỏ phiếu cùng ý kiến đóng góp cho khai thác cầu sẽ được báo cáo lên lãnh đạo thành phố. Tới đây, việc gắn hay không gắn khoá tình yêu lên cầu sẽ được thông báo sớm, rộng rãi.
Không chỉ ở Cần Thơ, cũng chẳng riêng ở VN, một số người muốn gắn khoá lên cầu để bày tỏ tình yêu của mình với ai đó. “Nghi lễ” khoá tình yêu khá tương đồng về hình thức: đôi uyên ương dùng ổ khoá khoá lên cầu mong tình yêu mãi bền vững, rồi ném chìa khoá xuống sông. Tại TP.HCM, dọc hai bên thành cầu Thủ Thiêm cũng có nhiều ổ khoá được các bạn trẻ khoá vào thành cầu. Cầu Long Biên (Hà Nội), trước năm 2011 cũng từng có nhiều khoá tình yêu, nhưng đến năm 2011, không biết vì lý do gì hàng loạt khoá trên cầu bỗng nhiên biến mất. Khoá tình yêu cũng được thấy trên cầu Tràng Tiền, Huế.
Nằm trong chuỗi công trình Bến du thuyền và CLB Thể thao dưới nước của Công ty CP DHC-Marina, cầu tình yêu ở TP.Đà Nẵng được xây dựng theo ý tưởng những cây cầu treo ổ khoá tình yêu nổi tiếng trên thế giới như Pont des Arts (Pháp), Hohenzollern (Đức), Milvio (Ý) hay Tretriakovsky (Nga). Trên thành cầu là ổ khoá của những cặp tình nhân mắc vào, lưu giữ lại với mong muốn tình yêu của họ được vĩnh cửu. Mỗi ngày, cầu tình yêu đón hàng trăm lượt người đến tham quan. Dịp lễ Tình nhân, ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, cầu tình yêu luôn trong tình trạng quá tải. Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL, cầu tình yêu hoạt động từ hơn 1 năm nay thực sự là điểm dừng chân mới đầy thu hút cho du khách khi đến với Đà Nẵng.
Tình yêu không cồng kềnh, nặng nề
Nếu được cho phép, cầu đi bộ Cần Thơ sẽ trở thành cây cầu đầu tiên do nhà nước xây dựng được phép treo khoá tình yêu trong cả nước. Nó khác hẳn với những cây cầu người dân tự phát treo khoá lên. Điều đó cũng có nghĩa là kèm theo nó sẽ phải có một đề án, những tính toán kỹ thuật cụ thể để không ảnh hưởng tới sức tải của cây cầu.
Sức tải của thành cầu này, theo một kiến trúc sư, hoàn toàn có thể tính được. Chỉ có điều sau đó thì bỏ khoá đi đâu, lại là chuyện khác. “Có thể phải bỏ đi bằng cách chọn ngẫu nhiên. Như thế thì có thể người dân lại không thích lắm”, kiến trúc sư này cho biết. Ông Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng không cần phải sợ việc gắn khoá tình yêu bị cho là lai căng văn hoá. Tuy nhiên, cần phải có một cảnh quan phù hợp với khoá tình yêu. “Cảnh quan ở đó nên được xây dựng sao cho thật lãng mạn”, ông nói.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, công tác tại Trường ĐH KHXH-NV – ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét điều quan trọng là cần đảm bảo “sức khoẻ” cho cầu. Vì thế, có thể dùng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, có nước trồng cây sắt trên đó có thể treo khoá được nhiều hơn. “Nếu treo thì nên khuyến cáo treo loại khoá nhỏ, nhiều màu. Ở Trung Quốc, thay vì treo khoá người ta treo chuông, nhẹ hơn và kêu vui tai”, bà Thuỷ nêu ý kiến.
Về việc treo khoá này, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, đề xuất có thể kết hợp khoá tình yêu với văn hoá bản địa. Nhiều dân tộc ở VN có một loại “khoá tình yêu” đặc biệt là buộc chỉ cổ tay. Buộc chỉ cổ tay cũng là một nghi lễ cầu may với nhiều dân tộc. Loại khoá này theo ông Loan rất nhẹ, lại có ý nghĩa. “Dùng chỉ có phải hay hơn cái khoá không. Cái khoá nó vừa công nghiệp, vừa cồng kềnh. Nếu đây dùng sợi chỉ bằng nhựa thì có phải đẹp bao nhiêu, có thể còn sáng tạo kết chỉ theo tên từng người rồi buộc với nhau thì đẹp biết mấy. Sợi bằng ni lông thì cũng bền với thời gian chẳng kém gì khoá”, ông nói.