Học theo kiểu mở
Lên kịch bản, mời ban nhạc, đầu bếp tham gia vào tiết học là cách mà nhiều giáo viên áp dụng cho chương trình dạy tích hợp liên môn theo chủ đề giúp học sinh thích thú và tạo hiệu quả trong học tập.
Học theo kiểu mở
Lên kịch bản, mời ban nhạc, đầu bếp tham gia vào tiết học là cách mà nhiều giáo viên áp dụng cho chương trình dạy tích hợp liên môn theo chủ đề giúp học sinh thích thú và tạo hiệu quả trong học tập.
Đưa ban nhạc dân tộc vào tiết văn – sử
Từ đầu năm 2015, nhiều trường THPT tại TP.HCM khuyến khích giáo viên (GV) tổ chức dạy tích hợp liên môn theo chủ đề. Để tổ chức những tiết học này, GV phải chọn được chủ đề phù hợp, thuộc những môn có kiến thức giao nhau để tạo cho học sinh (HS) sự liên tưởng và hệ thống kiến thức từ sách giáo khoa gắn với cuộc sống giúp HS hiểu sâu sắc vấn đề hơn.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1), cho biết trong học kỳ 1 vừa qua trường đã tổ chức được một số tiết dạy tích hợp liên môn khá hiệu quả với các môn văn – sử – địa. GV bộ môn lên kế hoạch chuẩn bị kỹ về nội dung và hình thức, sau đó phối hợp thực hiện. “Vừa rồi chúng tôi có kết hợp dạy tích hợp 2 môn văn – sử. Trộn 2 lớp vào nhau. GV cả 2 môn đều tham gia tiết dạy. Khi tôi giảng kiến thức về lịch sử thì GV văn sẽ hỗ trợ. Và ngược lại…”, bà Nguyễn Thị Phi Phượng, GV môn sử của Trường THPT Trưng Vương, chia sẻ.
“Để có những tiết dạy tốt nhất, chúng tôi phải hợp với nhau trước cả tuần để ráp nội dung bài học. Từ việc sử dụng kiến thức thuộc bài nào, chương nào tới việc lựa chọn hình thức tổ chức lớp và tính toán xem có thể kết hợp với những yếu tố bên ngoài trường học, sử dụng những giáo cụ trực quan nào để tiết học hiệu quả nhất”, bà Phượng cho hay.
Giúp HS hiểu thêm về âm nhạc truyền thống, các GV đã mời một ban nhạc dân tộc gồm có đàn bầu, đàn tranh… cùng tham gia lớp học. “Chúng em thấy rất hào hứng với hình thức học này. Trong tiết học chúng em liên tục được thay đổi không khí, kiến thức trong sách được lồng ghép với các tiết mục biểu diễn giúp chúng em tiếp thu dễ dàng hơn”, Dương Kim Ngân (HS lớp 10A2) chia sẻ.
Cũng trong tiết học này, nhiều HS mạnh dạn chọn những dụng cụ âm nhạc yêu thích để biểu diễn và làm bài thuyết trình về nhạc cụ đó. “Trong tiết học chúng em không chỉ được hệ thống lại kiến thức mà còn được dạy chơi những nhạc cụ dân tộc dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ, từ đó thấy hào hứng hơn”, Mai Nguyễn Minh Hằng (HS lớp 10A2) cho biết.
“Muốn thành công khi dạy tích hợp liên môn theo chủ đề cần chuẩn bị chu đáo. GV đứng lớp phải như một người nhạc trưởng điều phối tiết học từ những chi tiết nhỏ nhất. Thay vì chỉ dạy kiến thức, GV chỉ là người khơi gợi để HS tìm tòi và tạo sự tương tác với HS”, bà Trương Thị Bích Thuỷ chia sẻ.
Học ở bên ngoài nhà trường
Không chỉ “đổi gió” cho HS bằng những tiết học sinh động, mới đây Trường THPT Nhân Văn (Q.Tân Phú) còn tổ chức chuyến đi miền Trung với hơn 10 chủ đề liên quan đến các môn học văn, sử, lý, sinh… theo mô hình học tích hợp liên môn theo chủ đề.
Bà Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Văn, chia sẻ: “Hầu hết HS còn rất bỡ ngỡ với mô hình học tích hợp liên môn theo chủ đề. Chính vì thế, việc đầu tiên khi bắt đầu áp dụng mô hình học này tôi lên lớp giải thích cho HS hiểu như thế nào là tích hợp liên môn theo chủ đề. Sau đó lên lịch trình gửi cho từng GV bộ môn để họ làm kịch bản cụ thể, đồng thời soạn sổ tay với 30 trang tóm tắt về kiến thức cơ bản sẽ xuất hiện trong chuyến đi, đặt câu hỏi gợi ý cho HS theo hệ thống kiến thức giới hạn trong chủ đề để giúp HS nắm vững kiến thức”. Với mô hình tổ chức này, GV trở thành hướng dẫn viên, khơi gợi kiến thức, gợi mở sự tò mò, kích thích sự tìm tòi của HS.
Trong suốt chuyến đi, HS phải ghi chép, quay phim, chụp hình, lấy ý kiến của người dân địa phương để về viết báo cáo. “Kết thúc mỗi ngày di chuyển, chúng em phải dành ra khoảng 30 phút để hệ thống lại kiến thức đã được trải qua trong ngày. Sáng sớm, trước khi khởi hành thầy cô tiếp tục kiểm tra sổ tay và bổ sung những ý còn thiếu. Từ đó hệ thống kiến thức được xâu chuỗi chặt chẽ hơn”, Nguyễn Trần Vy Thảo (HS lớp 12A2) nhớ lại.
Nhiều HS đánh giá chuyến đi mang lại nhiều điều thú vị, bất ngờ. “Trước đây em cứ nghĩ vua Quang Trung họ Nguyễn, quê ở Bình Định nhưng sau những chuyến đi mới biết được thật ra vua Quang Trung lại mang họ Hồ và quê ở Gia Lai”, Lê Ngọc Ánh (lớp 12A1) hào hứng nói. Ánh còn diễn giải thêm: “Trước đây khi học tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông, em thấy rất chán. Em cũng không quan tâm nhiều đến những chuyện xung quanh tác phẩm. Nhưng khi đứng trước dòng sông Hương em cảm nhận rõ hơn về cái đẹp, nét thơ mộng nên chủ động lên internet tìm hiểu sau đó gặp GV nhờ giải đáp một số chi tiết. Nhờ thế em hiểu tác phẩm sâu hơn và vừa rồi làm bài viết văn đạt điểm rất cao”.
Lam Ngọc