02/11/2024

ASEAN trong vòng xoáy Mỹ – Trung

Hơn 80 chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Trung – Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực” ngày 10-3.

 

ASEAN trong vòng xoáy Mỹ – Trung

 

 

Hơn 80 chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Trung – Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực” ngày 10-3.

 

 

 

 

ASEAN trong vòng xoáy Mỹ - Trung
TS Hà Anh Tuấn (trái) – Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam – trao đổi với GS Tsutomo Kikuchi – khoa chính trị quốc tế, Đại học Aoyama Gakuin, Nhật Bản – tại hội thảo ngày 10-3 – Ảnh: Quỳnh Trung

 

 

Hội thảo do Học viện Ngoại giao và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức đồng tổ chức tại Hà Nội, trong bối cảnh các diễn biến mới trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc đã và đang đặt ra nhiều thử thách đối với tư cách là nhân tố dẫn dắt các cơ chế hợp tác trong khu vực của ASEAN.

Không thể có chiến tranh 
Mỹ – Trung

Hội thảo tập trung thảo luận về các kiến nghị để thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, một mặt giữ cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, mặt khác thu hút sự tham gia của các nước lớn vào các thể chế khu vực, hướng đến thiết lập một trật tự khu vực dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế.

GS Kavi Chongkittavorn từ Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định Mỹ và Trung Quốc đang thiếu niềm tin chiến lược về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ông Chongkittavorn nhận định dù đang có những căng thẳng trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông nhưng khả năng chiến tranh giữa hai nước là khó xảy ra vì hai bên đang phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế.

Ngoài ra, cả hai đều có vai trò ngày càng lớn ở những điểm nóng tại khu vực châu Á như bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Theo GS Chongkittavorn, để duy trì tính trọng tâm trước ảnh hưởng của hai nước Mỹ – Trung, ASEAN cần tăng cường tham vấn và đối thoại với cả hai siêu cường này trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Cụ thể là yêu cầu Trung Quốc tham gia Bộ quy tắc ứng xử cho những chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) cùng với việc sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó có việc thúc giục Lào và Myanmar cùng tham gia.

Ngoài ra, ASEAN phải củng cố trật tự khu vực dựa trên những nguyên tắc và mở rộng những tầm nhìn chung về các lĩnh vực chính trị – an ninh.

“ASEAN phải thúc đẩy và tạo điều kiện cho hợp tác trong khu vực giữa một thế giới đang không ngừng chia rẽ và thay đổi” – GS người Thái kết luận.

Trong khi đó, GS Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định Trung Quốc đang khẩn trương đẩy mạnh các hoạt động chiếm hữu thực tế trên Biển Đông bởi bốn nguyên do chính, bao gồm: Toà trọng tài thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bầu cử ở Philippines vào tháng 5, Mỹ cứng rắn hơn trong bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, và bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

GS Carl Thayer cho rằng ASEAN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới kết thúc đàm phán COC. Ông Thayer lưu ý khi đàm phán COC, các quốc gia ASEAN phải cẩn trọng về khả năng Trung Quốc sử dụng COC để kiểm soát Philippines, Việt Nam và Mỹ.

“Tứ trụ” trên Biển Đông?

Trong phần thảo luận, có ý kiến hỏi liệu có triển vọng nào cho liên minh chiến lược bốn bên gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đối phó với những thách thức an ninh trong khu vực.

Trả lời câu hỏi này, GS Carl Thayer cho biết liên minh chiến lược không chính thức bốn bên là sáng kiến của Mỹ và ông cho rằng khả năng này hoàn toàn xảy ra trên thực tế.

“Úc đang cân nhắc lời kêu gọi của Mỹ trong khi Ấn Độ cũng bày tỏ làm thế nào để phát triển hiệu quả sự tự chủ chiến lược của họ. Dẫu sao các quốc gia này có lợi ích chung và sẽ tiếp tục thảo luận với nhau” – GS Carl Thayer bình luận.

Còn GS Tsutomo Kikuchi – thuộc khoa chính trị quốc tế, Đại học Aoyama Gakuin (Nhật) – cho rằng trong “tứ trụ” đó đang có sự hợp tác tốt giữa ba bên bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

“Lực lượng hải quân của ba quốc gia Ấn Độ, Nhật Bản, Úc sẽ tăng cường sâu hơn nữa sự phối hợp quân sự và an ninh. Chúng ta có thể thấy rất nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương trên thực tế” – GS Tsutomo Kikuchi cho biết.

GS Su Hao đến từ khoa ngoại giao Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quốc mong muốn trở thành một bên duy trì hoà bình, có trách nhiệm đối với các hoạt động trên Biển Đông.

Ông thừa nhận Trung Quốc có cải tạo đảo, bãi đá nhưng lại bao biện rằng đây không phải là ý định gây hấn của Trung Quốc mà là những hành động “ngây thơ” làm theo các quốc gia khác trong khu vực!

Tuy nhiên, ông Su thừa nhận Trung Quốc cần kiềm chế các hoạt động ở khu vực.

QUỲNH TRUNG