02/11/2024

‘Ngã ngửa’ với gói 30.000 tỉ đồng

Nhiều người trước đây hân hoan được vay vốn ưu đãi trong gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà thì giờ hoảng loạn trước thông tin từ 1.6.2016 sẽ phải trả theo lãi suất thị trường do khách hàng và ngân hàng tự thoả thuận.

 

‘Ngã ngửa’ với gói 30.000 tỉ đồng

 

Nhiều người trước đây hân hoan được vay vốn ưu đãi trong gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà thì giờ hoảng loạn trước thông tin từ 1.6.2016 sẽ phải trả theo lãi suất thị trường do khách hàng và ngân hàng tự thoả thuận.




Chị Liên, một khách hàng mua căn hộ thương mại tại Q.8 (TP.HCM) được vay 800 triệu đồng trong gói 30.000 tỉ đồng. Đến nay, chị đã giải ngân được 4 đợt tổng cộng 473 triệu đồng (trong đó số tiền đối ứng ban đầu của chị là hơn 200 triệu đồng). Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, chị sẽ nhận nhà vào khoảng giữa năm 2017. Trong khi đó, đến đợt thanh toán thứ 5 thì gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đóng lại vào ngày 1.6.2016 và số tiền còn lại của hợp đồng giải ngân sau ngày này sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm mà phải chịu mức lãi suất thương mại do ngân hàng ấn định.
'Ngã ngửa' với gói 30.000 tỉ đồng - ảnh 1

Việc “cắt” ưu đãi lãi suất gây hoang mang, lo lắng cho người dân

“Nghe thông tin này mới tá hoả”


Gói 30.000 tỉ  đồng ưu đãi cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, nên việc sắp tới phải trả theo lãi suất thị trường sẽ là gánh nặng với họ, thậm chí nhiều hộ có thể không kham nổi

Chị Liên cho biết, lúc mua nhà, chỉ nghe nhân viên kinh doanh tư vấn mua căn hộ của dự án sẽ được vay gói 30.000 tỉ đồng, với lãi suất ưu đãi cố định 5%/năm trong suốt 15 năm. “Mới đây đọc thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói rằng phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1.6.2016 áp dụng lãi vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng tự thoả thuận làm tôi hoang mang, lo lắng vô cùng”, chị Liên nói.

Một khách hàng mua nhà ở thương mại tại dự án Hưng Ngân (Q.12) cũng tỏ ra hốt hoảng khi biết thông tin này. Vì chị “chắc mẩm” toàn bộ hợp đồng vay vốn sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi nên mới dám vay. “Không chỉ tôi mà hầu hết mọi người đều nghĩ vậy. Đến nay khi nghe thông tin này mới tá hoả”, khách hàng này cho hay.
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng vẫn tiếp tục tăng mạnh, tính đến hết năm 2015 tổng số tiền đã cam kết là 26.999 tỉ đồng, đạt 90%. Tuy nhiên, số tiền thực tế giải ngân mới đạt 17.711 tỉ đồng, khoảng 59%. Trong số đó, hộ gia đình, cá nhân vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, xây và sửa chữa nhà là 13.771 tỉ đồng; với tổ chức đã giải ngân cho 58 dự án, dư nợ là 3.940 tỉ đồng.
Hàng trăm, hàng ngàn khách hàng cá nhân vay gói 30.000 tỉ đang vô cùng lo lắng trước thông tin này.
Thiệt thòi cho người dân


Liên quan đến thông tin nhiều khách hàng hoảng loạn về lãi suất ưu đãi sẽ chấm dứt vào ngày 1.6.2016, theo các chuyên gia, có nguyên nhân khách hàng sơ suất không xem kỹ trong hợp đồng vay vốn với ngân hàng. Đặc biệt, rất nhiều môi giới cố tình mập mờ rằng lãi suất ưu đãi sẽ được kéo dài suốt thời gian vay. Thị trường mập mờ, chủ đầu tư mập mờ, ngay cả các ngân hàng thực hiện cũng lập lờ dẫn đến tình trạng “ngã ngửa” hiện nay. Nhưng chung quy cuối cùng, chỉ có khách hàng là gánh chịu thiệt hại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nói rằng trước đây HoREA đã rất nhiều lần kiến nghị kéo dài gói tín dụng này đến năm 2018 hoặc giải ngân hết gói này không quy định thời gian kết thúc, nhưng không được chấp nhận.

Mới đây, ông Châu qua trao đổi với lãnh đạo NHNN thì được giải thích việc quy định này không tác động đến nhà ở xã hội vì sẽ thực hiện theo luật mới, lúc đó quyền lợi của người dân sẽ được giữ nguyên khi chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì cho vay. Những khách hàng vay gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà thương mại giá dưới 1,05 tỉ đồng mới bị ảnh hưởng. Ông Châu lấy ví dụ, một người vay mua nhà ở thương mại 600 triệu đồng, đến ngày kết thúc gói này mới giải ngân được 300 triệu, còn 300 triệu chưa giải ngân sau sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi nữa, mà phải trả theo phương thức thương mại. “Nó không gây ách tắc cho nhà ở xã hội, nhưng nhà ở thương mại, những người vay để sửa chữa, xây nhà sẽ bị tác động. Bởi trong số 17.711 tỉ đồng giải ngân thì số tiền cho vay mua nhà ở xã hội chỉ 3.978 tỉ đồng, còn vay mua nhà thương mại đến 8.062 tỉ đồng và vay cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 1.731 tỉ đồng. Theo tôi, cần giải ngân hết gói này thì kết thúc không hạn chế thời gian. Trong trường hợp không được thì cần nghiên cứu xem xét cho người vay tiền đã ký hợp đồng vay vốn bất kể đã được giải ngân hết hay chưa đều được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi. Có như vậy mới tạo được sự công bằng và tránh gây thiệt thòi, hoảng loạn cho người dân”, ông Châu kiến nghị.
Ông Đinh Duy Trinh, Giám đốc điều hành Công ty Bản Việt Land, cũng đề nghị giải ngân hết gói 30.000 tỉ đồng không quy định thời gian. Những trường hợp đã ký hợp đồng tín dụng thì được hưởng hết những quyền lợi, ưu đãi theo gói vay 30.000 tỉ đồng. “Một chính sách ưu đãi cần có sự công bằng cho các bên tham gia. Nếu những người bây giờ mới ký hợp đồng vay vốn mà ngày 1.6.2016 này đã hết hạn, vậy có quá bất công cho họ? Họ đã phải rất khổ sở, khó khăn lắm khi đi làm hồ sơ mới được vay vốn mà không được hưởng chút ưu đãi, lợi gì. Thậm chí, Giáo sư Đặng Hùng Võ từng cho rằng đối tượng vay gói 30.000 tỉ đồng khó tiếp cận giống như hình ảnh người leo cột mỡ, vậy mà nay họ ký được hợp đồng rồi lại không được hưởng lợi gì thì thiệt thòi cho người dân quá”, ông Trinh phân tích.
Theo một chuyên gia, gói 30.000 tỉ đồng ưu đãi cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, nên việc sắp tới phải trả theo lãi suất thị trường sẽ là gánh nặng với họ, thậm chí nhiều hộ có thể không kham nổi.
Ưu đãi sắp hết
Trước tình hình này, hôm qua, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), và ông Đông khẳng định thông tin trên là hoàn toàn chính xác. Theo ông Đông, quy định này được nêu rõ tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN. Theo đó, việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng bằng tiền tái cấp vốn của NHNN. Số tiền này sẽ kết thúc khi được giải ngân hết, nhưng tối đa không quá 36 tháng kể từ thời điểm 1.6.2013. “Chiếu theo thông tư, đối với tất cả các khoản giải ngân trước thời điểm 1.6.2016 sẽ vẫn được hưởng lãi suất 5%/năm theo quy định. Còn từ sau thời điểm này các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay thông thường theo thoả thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa ngân hàng với khách hàng”, ông Đông nói.
Về phía 4 ngân hàng thương mại do nhà nước sở hữu vốn tham gia gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu cho vay và giải ngân đến hết thời điểm 1.6.2016 theo đúng quy định.

 

Đình Sơn – Anh Vũ