26/12/2024

Viễn cảnh chiến tranh bội siêu thanh

Sự bùng nổ của các dự án thiết bị quân sự nhanh hơn âm thanh gấp nhiều lần đang tạo ra viễn cảnh tốc độ thống trị các cuộc chiến trong tương lai.

 

Viễn cảnh chiến tranh bội siêu thanh

 


Sự bùng nổ của các dự án thiết bị quân sự nhanh hơn âm thanh gấp nhiều lần đang tạo ra viễn cảnh tốc độ thống trị các cuộc chiến trong tương lai.





Máy bay X-51 của Mỹ - Ảnh: The National Interest

Máy bay X-51 của Mỹ – Ảnh: The National Interest


Trong số những công nghệ quân sự có tính chất đột phá sẽ xuất hiện trong 10 năm tới, những vũ khí tấn công bội siêu thanh có thể làm biến đổi đáng kể diện mạo các chiến dịch quân sự của tương lai cũng như mở ra triển vọng tiếp cận không gian dễ dàng và ít tốn kém hơn.
Theo chuyên san The National Interest, bội siêu thanh chỉ tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh trở lên (Mach 5, tức khoảng 6.174 km/giờ) và các chương trình nghiên cứu hiện nay đang tập trung vào phạm vi từ Mach 5 đến Mach 10 dựa trên động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm (scramjet).
Cuộc đua nhiều đối thủ
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc đều đang tích cực triển khai dự án nghiên cứu và phát triển nhằm phát triển lực đẩy bội siêu thanh. Máy bay sử dụng động cơ scramjet mang tên X-51 Waverider của Mỹ đã 2 lần thử nghiệm thành công trong khoảng thời gian từ tháng 5.2010 đến tháng 5.2013 và cung cấp những dữ liệu có giá trị giúp phát triển những loại vũ khí dựa trên scramjet trong tương lai.
Tờ Daily Mail dẫn lời các chuyên gia thuộc Phòng Thí nghiệm nghiên cứu không quân Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang đặt mục tiêu vũ khí hoá thiết bị bay bội siêu thanh bằng chương trình Vũ khí tấn công tốc độ cao (HSSW). “Với những thiết bị đạt vận tốc từ Mach 5 đến Mach 10 và được sử dụng như tên lửa tấn công, bạn có thể bắn hạ những mục tiêu di động ngay trước khi chúng kịp thay đổi vị trí”, chuyên gia Kenneth Davidson nói.
Trong khi đó, vào tháng 10.2014, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo thử nghiệm thiết bị bay trang bị động cơ scramjet mang tên Wu-14. Nay được gọi bằng cái tên khác là DZ-ZF, thiết bị này đã bay thử nhiều lần và gần nhất vào ngày 23.11.2015. Bắc Kinh không tiết lộ thêm chi tiết nhưng một số nguồn tin ước lượng DZ-ZF đạt tốc độ tối đa Mach 10 và có khả năng được biến thành các vũ khí tấn công tàu sân bay trên toàn cầu, theo báo mạng Washington Free Beacon.
Nga cũng quyết không chịu kém và đang tập trung vào tên lửa liên lục địa RS-26 Rubezh với tốc độ được cho là có thể xuyên thủng bất cứ lá chắn nào, theo Đài RT. Do thông tin được bảo mật rất cao nên bên ngoài không nắm được về quá trình phát triển RS-26 Rubezh nhưng giới chức quốc phòng Nga ước đoán vũ khí này có thể sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay.
Hành động chớp nhoáng
Theo The National Interest, vũ khí bội siêu thanh làm giảm thời gian ứng chiến của đối phương đến mức các hệ thống phòng thủ tên lửa đối hạm không thể đối phó kịp. Từ đó, các bên cũng sẽ phát triển những công nghệ đánh chặn mới như vũ khí laser, súng điện từ hoặc hệ thống tên lửa phòng thủ bội siêu thanh. Mặt khác, sự phát triển của các khí tài siêu nhanh cũng thúc đẩy thay đổi nhận thức về địa lý của các chiến dịch quân sự, từ quy mô chiến trường cục bộ ra toàn cầu.
Mới đây, hải quân Mỹ công bố học thuyết chiến tranh mới mang tên Distributed Lethality (tạm dịch: Phân bổ sát thương), được thiết kế một phần nhằm đối phó nguy cơ do các tên lửa bay với tốc độ gấp nhiều lần vận tốc âm thanh, đặc biệt là tên lửa diệt hạm. Do khung thời gian để ứng phó đòn tấn công của đối phương bị giảm thiểu rõ rệt, bên phòng vệ cần đầu tư lớn để nâng cao khả năng do thám, tình báo và theo dõi từ xa để có thể phát hiện mối đe doạ sớm hơn.
Cuối cùng, vũ khí bội siêu thanh nằm trong một hệ thống gọi là kill chain (tạm dịch: chuỗi tiêu diệt). Có nghĩa là một quốc gia đầu tư vào loại vũ khí cũng phải đổ tài lực phát triển những khí tài phát hiện, theo dõi mục tiêu cũng như sự kết nối liên lạc thông suốt bắt kịp tốc độ của vũ khí.
Cơ cấu chỉ huy sẽ phải hoạt động với tốc độ được tính bằng giây hay phút mà không thể có bất kỳ trở ngại nào. Chiến tranh tốc độ cao không có chỗ cho sự can thiệp về chính trị, tham khảo các quy định pháp lý hay xem xét lại chiến thuật. Vì thế, đi kèm với vũ khí bội siêu thanh có thể là các hệ thống tự động hoá ngày càng cao, trong một số trường hợp thậm chí không cần đến con người.
Tên lửa siêu thanh BrahMos
Viễn cảnh chiến tranh bội siêu thanh - ảnh 1

Tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos của quân đội Ấn Độ – Ảnh: EPA


Theo chuyên trang Military Today, tuy chưa đạt đến tầm bội siêu thanh nhưng với tốc độ siêu thanh Mach 2,8, BrahMos là tên lửa hành trình vào hàng nhanh nhất thế giới hiện nay.
Ra đời từ sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ thông qua Công ty liên doanh BrahMos Aerospace, tên lửa này có thể được phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hoặc các trạm phóng lưu động trên mặt đất. BrahMos dài 8,4 m, đường kính 0,7 m và tầm bắn 290 – 300 km, có thể lắp đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân khối lượng 200 – 300 kg.
Tên lửa có thể bay ở độ cao từ 5 – 14.000 m và có thể tấn công chính xác mục tiêu nhỏ cỡ 1,5 x 1,5 m. Ban đầu được thiết kế là tên lửa đối hạm, nhưng BrahMos hiện đã có những phiên bản dùng cho tấn công trên bộ. Đang có nhiều nước, bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á, bày tỏ quan tâm và thương thảo với Nga cũng như Ấn Độ để mua loại vũ khí này, theo trangDefenseNews.

Trùng Quang