26/12/2024

Trung Quốc cấp tập phá diện mạo tự nhiên Hoàng Sa

Đẩy mạnh ý đồ quân sự hoá Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, kết nối phi pháp 7 đảo, cồn cát và sẽ xây thêm đường băng ở quần đảo Hoàng Sa.

 

Trung Quốc cấp tập phá diện mạo tự nhiên Hoàng Sa

 

Đẩy mạnh ý đồ quân sự hoá Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, kết nối phi pháp 7 đảo, cồn cát và sẽ xây thêm đường băng ở quần đảo Hoàng Sa.



 


Hình ảnh về 7 thực thể ở Hoàng Sa đang bị bồi đắp, kết nối phi pháp - Ảnh: Đại Công báo

Hình ảnh về 7 thực thể ở Hoàng Sa đang bị bồi đắp, kết nối phi pháp – Ảnh: Đại Công báo


Hành động này không những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, ảnh hưởng hòa bình và ổn định trên Biển Đông mà còn tàn phá diện mạo tự nhiên của Hoàng Sa.
Theo tờ Đại Công báo (Hồng Kông), Trung Quốc đang tiến hành dự án bồi đắp phi pháp nhằm tăng diện tích của 7 thực thể thuộc nhóm đảo An Vĩnh trong Hoàng Sa từ 1,32 km2 lên 15 km2.
Đó là đảo Bắc, đảo Trung (hay còn gọi là đảo Giữa), đảo Nam, cồn cát Bắc, cồn cát Giữa, cồn cát Nam và đảo Cây. Sau khi hoàn tất, Bắc Kinh sẽ xây một đường băng dài 3,5 km trên đảo Cây. Hiện trên đảo Phú Lâm cũng thuộc Hoàng Sa đã tồn tại đường băng phi pháp 2,92 km.
Các chuyên gia cảnh báo các đường băng này kết hợp với những phi đạo tương tự trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng khống chế tuyến đường biển và hàng không qua lại Biển Đông do tất cả đều đủ khả năng để mọi loại chiến đấu cơ hoạt động.
Ngoài ra, ở đảo Cây, Trung Quốc sẽ xây bến cảng và một cây cầu dài khoảng 10 km nối với đảo Phú Lâm để tạo thành một thể thống nhất, theo Đại Công báo. Bắc Kinh bắt đầu bồi đất kết nối đảo Bắc, đảo Trung và đảo Nam từ tháng 5.2014 và đến nay đã có một dãy đất nhân tạo nối liền đảo Bắc và đảo Trung. Đảo Quang Hòa gần đảo Bắc cũng không thoát khỏi số phận bị bồi đắp phi pháp và Trung Quốc đang dựng lên tại đây một căn cứ cho trực thăng chống ngầm, chuyên san The Diplomat dẫn lời giới chuyên gia nhận định từ hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây.
Hồi tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Bên cạnh tên lửa, máy bay triển khai đến các đảo đang chiếm đóng phi pháp và lực lượng tàu hải cảnh hung hăng, tàu cá cũng là một phương tiện để Trung Quốc đe nẹt, chèn ép các bên khác ở Biển Đông.
Nhân kỳ họp quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, Bí thư tỉnh Hải Nam La Bảo Minh tuyên bố chính quyền tỉnh đang trợ cấp phí nhiên liệu, vốn đóng tàu và hỗ trợ huấn luyện “phòng vệ” cho ngư dân đánh bắt ở Biển Đông, theo tờ South China Morning Post.
Ông này còn ngang nhiên tuyên bố “hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân Trung Quốc khẳng định quyền lợi nước này ở khu vực” đồng thời khoe rằng Hải Nam hiện không ít tàu cá hoạt động xa bờ có độ choán nước tới 400 tấn, lớn hơn một số tàu quân sự của những nước Đông Nam Á.
Thực tế cho thấy, tàu cá Trung Quốc thường có hành động hung hăng, đe doạ an toàn của tàu nước khác. Mới đây, vào ngày 1.1.2016, một tàu cá vỏ thép Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá QNg 98459 TS của ngư dân Quảng Ngãi.
Ông Vương Nghị lên giọng về Biển Đông
Trong cuộc họp báo thường niên bên lề kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh ngày 8.3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngang nhiên tuyên bố nước này “không cho phép bất kỳ ai gây rối ở Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông – NV) và gây hỗn loạn ở châu Á”.
Ông tiếp tục nguỵ biện rằng Bắc Kinh chỉ xây “cơ sở dân sự và phòng thủ cần thiết” ở Trường Sa nên “không thể bị cáo buộc quân sự hoá mà cáo buộc này phải dành cho những nước khác”. Mặt khác, ông Vương dường như cố tình chối bỏ sự thật khi tuyên bố “nhờ vào nỗ lực của Trung Quốc và những nước khác trong khu vực”, Biển Đông là một trong những tuyến đường thuỷ an toàn và tự do nhất trên thế giới, theo Reuters.

Văn Khoa