Thầy cô đừng để học sinh một mình!: Giáo viên cần nắm luật và kỹ năng
Có những tình huống ‘khó gỡ’ diễn ra trong trường học nhưng do giáo viên thiếu hiểu biết và kỹ năng nên đã dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Thầy cô đừng để học sinh một mình!: Giáo viên cần nắm luật và kỹ năng
Có những tình huống ‘khó gỡ’ diễn ra trong trường học nhưng do giáo viên thiếu hiểu biết và kỹ năng nên đã dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Nhiều ý kiến cho rằng ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên (GV) cần được trang bị nhiều kỹ năng để ứng phó với các tình huống diễn ra trong nhà trường để bảo vệ học sinh (HS) của mình.
Chỉ vì chuyện xích mích của con gái mình với bạn học cùng lớp, một thiếu tá công an đã mang theo súng ngắn vào trường đánh bạn học của con gái và bảo vệ bị thương, rồi chửi bới GV trong trường. Vụ việc xảy ra tại một trường THCS ở Gia Lai mấy ngày gần đây một lần nữa báo động về sự mất an toàn đối với HS ngay chính ở môi trường học đường.
Học những bài học cuộc sống
Trong giờ học, thường có một số tình huống bất ngờ phát sinh, chính vì vậy việc giải quyết linh hoạt những tình huống này cũng được xem là một trong những kỹ năng giảng dạy cần thiết của mỗi GV.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp, bà Đỗ Thị Huyền, Trường tiểu học Sao Đỏ 2, Hải Dương chia sẻ kinh nghiệm: “Ngay từ khi nhận lớp, GV cần nắm bắt kịp thời sĩ số, hoàn cảnh, điều kiện của từng HS, cần nắm vững đặc điểm tâm lý lứa tuổi và đặc biệt là suy nghĩ, tình cảm của từng HS trong lớp.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Hà Nội, cho hay: “Vai trò của GV chủ nhiệm đặc biệt quan trọng nhưng hiện chưa được các cấp quản lý giáo dục quan tâm thoả đáng. GV chủ nhiệm không chỉ trang bị những kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy, vốn sống sâu sắc về con người, cuộc đời, mà còn phải nắm được các quy định pháp luật để biết việc gì được làm và không được làm, đảm bảo quyền trẻ em”.
Do vậy, ông Tùng Lâm đề nghị các trường sư phạm phải lên kế hoạch xây dựng chương trình trang bị cho sinh viên, cũng như tổ chức bồi dưỡng GV có đủ năng lực riêng này khi chương trình giáo dục mới sau 2015 được triển khai. Cụ thể là năng lực giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, năng lực tổ chức hoạt động tập thể trải nghiệm sáng tạo (hoạt động ngoài nhà trường), năng lực giáo dục HS kỷ luật tự giác, hoạt động giáo dục giới tính…
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề nghị các trường cần cho đội ngũ GV của mình đi học thêm những khoá học về kỹ năng ứng xử, tâm lý học trẻ em… để hiểu hơn về nghề nghiệp cũng như tâm lý HS.
Mơ hồ về trách nhiệm bảo vệ người học
Tìm hiểu của PV Thanh Niên cho thấy, Điều lệ trường học các cấp do Bộ GD-ĐT ban hành đều khẳng định quyền được bảo vệ của HS trong nhà trường. Cụ thể, “người học được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình”.
Luật Giáo dục hiện hành có nêu rõ một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường là “tuyển sinh và quản lý người học”; một trong những hành vi nhà giáo không được làm là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”. Điều 621 bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định cụ thể: “Người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng những quy định trong luật giáo dục, luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em đều nêu rõ quyền được bảo vệ của người học, điều lệ nhà trường, nội quy của các cơ sở giáo dục… cũng đều có nội dung này. Đương nhiên, trong thời gian HS đang học ở trường thì phạm vi và trách nhiệm quản lý thuộc về nhà trường nên không thể để mặc HS trước nguy cơ mất an toàn. Nhà nước có quy định biên chế cho bảo vệ trong nhà trường để phối hợp với cơ quan an ninh cũng nhằm mục đích bảo đảm an toàn cao nhất cho người học. Cơ quan an ninh muốn vào trường tiếp cận HS cũng phải có văn bản và những quy trình được pháp luật quy định rất cụ thể. “Nếu cơ sở giáo dục và các thầy cô nắm vững các quy định này thì sẽ không có những chuyện đáng tiếc xảy ra”, ông Thạch nói.
Theo ông Thạch, việc hiểu biết về luật pháp của GV và cán bộ quản lý trong nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế dẫn tới việc thi hành luật ở nước ta còn yếu và thiếu nghiêm túc.
Do vậy, ông Thạch đề nghị ngành GD-ĐT cần tổ chức thường xuyên và có hiệu quả những khoá tập huấn, bổ sung kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, GV. Sinh viên các trường sư phạm cũng cần được nắm vững kiến thức về luật giáo dục, luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong chương trình đào tạo… để khi trở thành nhà giáo không vi phạm luật một cách vô thức, đồng thời dùng hiểu biết về pháp luật để bảo vệ HS của mình.
Có học nhưng… chưa đủ
Theo thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, những năm trước đây chương trình giáo dục đại cương có một số môn học lồng ghép phương pháp sư phạm.
Từ năm 2015, trường bổ sung thêm một học phần (2 tín chỉ) môn giao tiếp sư phạm trong chương trình chính khoá. Trong quá trình học, GV sẽ đưa vào giảng dạy các tình huống thực tế cụ thể như: cách thức giao tiếp với HS và phụ huynh, công tác chủ nhiệm, ứng xử với cách phát ngôn của học trò, những tình huống nên tránh…
Trong quá trình học sẽ thảo luận và đưa ra cách giải quyết với các tình huống khẩn cấp hoặc liên quan đến pháp luật. “Tình huống thực tế rất đa dạng, do vậy quá trình học chỉ có thể định hướng phương pháp xử lý các tình huống một cách phù hợp nhất”, thạc sĩ Tứ nói thêm.
Hà Ánh
|
Tổ chức các lớp bồi dưỡng
Điều cần thiết bây giờ là cần phải tổ chức các lớp luật, kỹ năng… Bên cạnh đó, GV, các nhà quản lý giáo dục cũng cần tự nghiên cứu để có những hiểu biết tối thiểu áp dụng trong phạm vi nhà trường.
Nguyễn Đăng Hiếu
(Trung tâm đào tạo – nghiên cứu khoa học tổ chức và quản lý) Giáo viên nên được bồi dưỡng về tâm lý
Hiện tại nhiều GV mới chỉ đáp ứng việc cung cấp kiến thức mà rất thiếu những kỹ năng xử lý tình huống bảo vệ, hiểu và làm bạn với học trò. Điều này vô tình đẩy HS vào sự cô đơn tuyệt vọng. Để hạn chế việc này không chỉ đợi GV tự trau dồi kỹ năng mà nhà trường cũng nên chủ động lồng ghép các buổi trao đổi kinh nghiệm, xử lý tình huống trong sư phạm hoặc tổ chức những buổi tập huấn về tâm lý cho GV.
Trần Văn Kỳ Nam
(Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Quốc Văn Sài Gòn) Lam Ngọc
(ghi) |
Tuệ Nguyễn