02/11/2024

Doanh nghiệp ‘tố khổ’ với Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nhân năm 2016 với chủ đề Lắng nghe và đổi mới được tổ chức tại TP.HCM sáng qua 8.3, nhiều ý kiến đã cho thấy doanh nghiệp đang tồn tại trong một môi trường kinh doanh quá khổ sở.

 

Doanh nghiệp ‘tố khổ’ với Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng
 
 


Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nhân năm 2016 với chủ đề Lắng nghe và đổi mới được tổ chức tại TP.HCM sáng qua 8.3, nhiều ý kiến đã cho thấy doanh nghiệp đang tồn tại trong một môi trường kinh doanh quá khổ sở.








Các doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Diệp Đức Minh

Các doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị – Ảnh: Diệp Đức Minh


Đại diện cho Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hiệp hội bày tỏ: Kim ngạch xuất khẩu dệt may của TP.HCM năm qua đạt 27,1 tỉ USD, song lợi nhuận thu về vô cùng khiêm tốn bởi doanh nghiệp (DN) trong nước đa phần chỉ làm gia công, nhập đến 70 – 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. “Chúng ta nói nhiều về công nghiệp phụ trợ, nhưng chưa quyết sách nào cụ thể. Cứ phụ thuộc vào nhập nguyên phụ liệu thì rất khó có khả năng tăng lợi nhuận, đặc biệt với những quy định về xuất xứ trong cam kết TPP”, ông Hồng trình bày. 

 
 
Doanh nghiệp 'tố khổ' với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng - ảnh 1
Nếu không dẹp được vấn nạn hàng lậu, trốn thuế, DN ngành dệt may muốn chuẩn bị cho hội nhập cũng không dám mạnh tay đầu tư mở rộng. Tôi nói thật, nhiều DN sản xuất lớn mà nay bảo cầm cự sản xuất để nuôi công nhân, còn phần lớn sống là nhờ cho thuê mặt bằng

Doanh nghiệp 'tố khổ' với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng - ảnh 2
 
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM

 


Không “đua” nổi với hàng lậu…
Nhiều DN dệt may nội địa, theo ông Hồng, “chỉ có mấy DN lớn” như May Việt Tiến, May 10, An Phước, Nhà Bè… còn tồn tại, phần lớn DN từng phát triển mạnh trước đây không “đua” nổi với hàng lậu nên đã chết lâm sàng từ lâu. “Nếu không dẹp được vấn nạn hàng lậu, trốn thuế, DN ngành dệt may muốn chuẩn bị cho hội nhập cũng không dám mạnh tay đầu tư mở rộng. Tôi nói thật, nhiều DN sản xuất lớn mà nay bảo cầm cự sản xuất để nuôi công nhân, còn phần lớn sống là nhờ cho thuê mặt bằng”, ông Hồng chia sẻ.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí TP.HCM cho hay, không chỉ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn phát triển công nghiệp phụ trợ, hiện DN ngành cơ khí gặp quá nhiều khó khăn về chính sách thuế. DN phải vay ngân hàng để đóng thuế VAT khi nhập hàng, nhưng việc chậm hoàn thuế cả năm đã ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển. Máy móc thiết bị của ngành nhập hưởng 0% thuế, nhưng sản phẩm bán ra trong nước lại buộc đóng 10% VAT là quá vô lý.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty thép Khương Mai lại bức xúc: “Giá dầu thế giới và trong nước giảm mạnh, nhưng phí bốc dỡ tại cảng vẫn không có gì thay đổi. Trong khi hàng chở từ Trung Quốc về VN chỉ 10 USD, phí bốc xếp từ cảng xuống tàu lại đến 2 USD là quá cao. Nguyên do đầu tư tại cảng của chúng ta kém, dịch vụ cũng kém, đăng ký lấy hàng thường mất mấy ngày mới xong. Nếu không giảm chi phí tại cảng, khó cạnh tranh với các DN trong khu vực. Với thuế cũng vậy, DN chúng tôi đã mất đến 5 năm không thể hoàn thuế được vì những lý do “vớ vẩn” như tài chính khó khăn, tồn kho nhiều, lỗ lã thế này thế nọ…”.
Giao thông “âm thầm” cướp lợi nhuận
Liên quan đến hội nhập, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM “tố” vai trò của Trung tâm xúc tiến thương mại còn yếu kém trong nỗ lực hỗ trợ DN đưa hàng ra nước ngoài. Không có trung tâm triển lãm hàng hoá tầm quốc tế để DN sản xuất trong nước có cơ hội hội nhập với khu vực chứ chưa nói là quốc tế. Đại diện Hiệp hội DN chế biến gỗ TP.HCM cũng than DN không có nơi để chào hàng quốc tế.
Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM lại cho rằng, hạ tầng giao thông yếu kém đang “âm thầm” lấy đi phần lớn lợi nhuận hằng ngày của DN. Chẳng hạn DN muốn giao hàng thay vì đến 4 khách hàng, do đường sá tắc nghẽn khó khăn, người giao hàng chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ được phân nửa, số còn lại phải giao ngoài giờ. DN phải trả thêm phí làm thêm ngoài giờ cho nhân viên, khoản này cũng bớt xén từ lợi nhuận của DN mà ra.
Đồng quan điểm cần cải cách hành chính, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh, ông Trần Bá Dương cũng nhấn mạnh TP.HCM trong vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, nếu không làm gì hoặc chỉ ở mức độ vừa phải vẫn có tăng trưởng. “Vấn đề là ở vị trí vai trò đầu tàu, cải cách hành chính và đổi mới thể chế cũng phải xuất phát từ “đầu tàu” này. Bởi hiếm có địa phương nào có thể tập hợp tất cả các ngành nghề và loại hình DN, người tài giỏi làm kinh tế tốt như tại TP.HCM. Do vậy, cần phải làm quyết liệt để đổi mới, đất nước sẽ đổi mới”, ông Dương nêu vấn đề.
Phải thay đổi ngay mọi bất cập
Được yêu cầu trả lời những thắc mắc của DN, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, bà Trần Thị Lệ Nga nêu hàng loạt các quy định liên quan đến chính sách hoàn thuế và cho rằng, sẽ ghi nhận gửi Bộ Tài chính xem xét. Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng ngắt lời: “Quan điểm của Cục Thuế thế nào, có đồng ý với phản ánh của DN không? Có đồng ý thời gian hoàn thuế quá lâu, DN đề nghị xuống 1 – 3 tháng được không?”. “Yêu cầu lãnh đạo TP cần thay đổi nhận thức về DN, phải coi DN là đối tượng phục vụ vô điều kiện chứ không phải đối tượng quản lý. DN nộp thuế để nuôi bộ máy này, không lý gì bộ máy này lại gây nhũng nhiễu phiền toái cho DN mãi được. Mục đích là chúng ta phải xây dựng đội ngũ DN có trách nhiệm xã hội, có năng lực hội nhập tốt”, ông Thăng nói tiếp.
Về một trung tâm triển lãm để DN có cơ hội giới thiệu hàng hoá ra nước ngoài, ông Phạm Thiết Hoà, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP hứa sẽ cùng các hiệp hội xem xét trình UBND TP. Bí thư Thành uỷ yêu cầu cần có mốc thời gian cụ thể là đến cuối năm nay phải có. “Ông cha ta chỉ mất có 3 tháng để xây thành nhà Hồ. Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc cũng chỉ xây trong 11 tháng. Nên không lý gì một trung tâm triển lãm không thể xây nổi trong vài tháng từ nay đến cuối năm, nhất là khi DN khẳng định có thể tham gia bỏ vốn xã hội hoá đóng góp”, ông Thăng dứt khoát. Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong thông tin thêm, TP đã giao một công ty nước ngoài liên doanh với DN trong nước thiết kế dự án để xây dựng 10 ha tại Thủ Thiêm, tuần sau sẽ có báo cáo cụ thể.
Ông Đinh La Thăng cũng cam kết cải tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhất cho DN. TP sẽ tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những người gây nhũng nhiễu khó khăn cho DN, kể cả những người không gây phiền hà nhưng làm chậm, mất thời gian của DN. Về phía DN, ông Thăng đề nghị cần có niềm tin vào chính sách phát triển và thay đổi của lãnh đạo TP. “DN cần có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, bắt tay nhau và “chơi” trung thực. Mọi bất cập, nếu có thể, cần thay đổi ngay luôn”, ông Thăng khẳng định.

Nguyên Nga