23/01/2025

Đằng sau ngân sách quốc phòng 2016 của Trung Quốc

Một số tướng lĩnh Trung Quốc đã công khai bày tỏ sự thất vọng với mức tăng “khiêm tốn” của ngân sách quốc phòng 2016 vừa được công bố.

 

Đằng sau ngân sách quốc phòng 2016 của Trung Quốc

 

Một số tướng lĩnh Trung Quốc đã công khai bày tỏ sự thất vọng với mức tăng “khiêm tốn” của ngân sách quốc phòng 2016 vừa được công bố.





Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: USNI

 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc – Ảnh: USNI


Chính phủ Trung Quốc vừa báo cáo quốc hội nước này về ngân sách quốc phòng năm nay với mức tăng 7,6%, thấp nhất trong 6 năm qua. Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đây là mức tăng “phù hợp” trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ngoài lý do tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu bất ổn, mức tăng nói trên còn nằm trong kế hoạch siết lại quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình và một số nhân vật có ảnh hưởng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tỏ thái độ bất mãn hiếm hoi.
Theo tờ South China Morning Post ngày 7.3, phát biểu tại kỳ họp của Chính hiệp (cơ quan tương đương Mặt trận Tổ quốc – NV) đang diễn ra song song với kỳ họp quốc hội, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tiền Lợi Hoa cho rằng mức tăng ngân sách năm nay là một sự “sụt giảm lớn” và “kém xa dự đoán ban đầu của tôi”. Ngoài ra, thiếu tướng hải quân về hưu Doãn Trác và nguyên Phó tư lệnh Quân khu Nam Kinh Vương Hồng Quang đều viện dẫn cái gọi là “thách thức an ninh trên biển” để biện luận cho nhu cầu chi tiêu quốc phòng mạnh tay.
Trong khi đó, South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia nhận định việc PLA chỉ nhận mức tăng ngân sách “khiêm tốn” còn thể hiện quyết tâm đưa quân đội vào khuôn khổ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Một số nguồn thạo tin từ PLA nhận định ông Tập đã có nước cờ khôn ngoan khi phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn để trong sạch hóa hàng ngũ cũng như cảnh cáo những tướng lĩnh cấp cao trước khi tiến hành cải cách quân đội, cắt giảm tới 300.000 nhân sự và siết chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng kế sách của ông Tập không phải không có rủi ro trong bối cảnh Trung Quốc đang cấp tập thực hiện ý đồ quân sự hoá nhằm giành quyền kiểm soát phi pháp Biển Đông cũng như tăng cường tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
“Chủ tịch Tập giao cho quân đội Trung Quốc nhiều việc phải làm hơn nhưng lại siết hầu bao. Điều này có thể phản tác dụng nếu không bảo đảm được sự phục tùng tuyệt đối từ giới tướng lĩnh cấp cao”, chuyên gia bình luận quân sự Anthony Wong ở Macau nhận định với South China Morning Post.
Đằng sau ngân sách quốc phòng 2016 của Trung Quốc - ảnh 1

Tướng lĩnh Trung Quốc dự cuộc họp Quốc hội thường niên, tại Bắc Kinh ngày 4.3.2016. Nhiều tướng Trung Quốc không hài lòng vì ngân sách quốc phòng năm 2016 tăng kém – Ảnh: Reuters


“Con hổ giấy”
Từ bình luận trên báo chí Trung Quốc sau thông báo về ngân sách quốc phòng 2016 có thể thấy nước này trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hành động quân sự trong các vùng biển xung quanh nhằm chiếm quyền kiểm soát đồng thời ngăn chặn Mỹ và đồng minh. Trong đó, tàu sân bay được cho là sẽ đóng vai trò chủ lực. Tuy nhiên, theo nhận định của Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc, các tàu sân bay của PLA sẽ không thể cạnh tranh với khí tài cùng loại của Mỹ.
Chuyên san The National Interest ngày 7.3 dẫn lời Giám đốc DIA Vincent Stewart phát biểu trước Uỷ ban Quân vụ Hạ viện: “Tàu sân bay Trung Quốc đang chế tạo không có khả năng vượt đại dương như tàu sân bay của chúng ta. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ không thể thực hiện những chiến dịch trên không theo cách chúng ta vận dụng với các tàu sân bay của mình”. Theo trung tướng Stewart, các tàu sân bay Trung Quốc, chí ít là trong thời gian đầu, sẽ chỉ mang tính biểu tượng và thị uy nhằm “nhát ma” những nước láng giềng trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
Tàu sân bay duy nhất hiện nay của Trung Quốc là chiếc Liêu Ninh được tân trang từ tàu cũ thời Liên Xô nên vẫn sử dụng hệ thống cất/hạ cánh máy bay kiểu cũ và bị hạn chế khả năng triển khai chiến đấu cơ hiện đại. Trong khi đó, tàu sân bay tiếp theo đang được đóng cũng dựa vào thiết kế như Liêu Ninh nên gần như chắc chắn không có hệ thống phóng bằng hơi nước hoặc điện tử như tàu sân bay Mỹ, theo tin tình báo của Lầu Năm Góc.
Tàu khu trục Mỹ tuần tra Biển Đông
Theo website c7f.navy.mil của Hạm đội 7 Mỹ, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Stockdale đang tiến hành tuần tra trong vùng biển quốc tế tại Biển Đông. Trong mấy ngày qua, Mỹ liên tục cho tàu tuần tra Biển Đông và động thái này được cho là nhằm phản ứng các hành động quân sự hoá phi pháp diễn ra liên tiếp của Trung Quốc như điều chiến đấu cơ, radar quân sự và tên lửa ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trùng Quang