“Anh hùng” Iran lãnh án tử
Babak Zanjani – một trong nhiều “đại gia” giàu lên nhờ lũng đoạn – đã bị chính quyền quốc gia Hồi giáo Iran kết án tử hình.
“Anh hùng” Iran lãnh án tử
Babak Zanjani – một trong nhiều “đại gia” giàu lên nhờ lũng đoạn – đã bị chính quyền quốc gia Hồi giáo Iran kết án tử hình.
Tỉ phú Babak Zanjani (giữa) từng một thời là “cứu tinh” của đất nước Iran – Ảnh: AFP |
Báo Tehran Times ngày 7-3 đưa tin một tòa án Iran vừa tuyên tử hình đối với tỉ phú Babak Zanjani – biểu tượng thành công một thời của đất nước Hồi giáo này. Ông Zanjani, 41 tuổi, bị bắt tháng 12-2013 trong một cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn.
Bộ Dầu mỏ Iran cáo buộc ông này đã chiếm đoạt 2,8 tỉ USD tiền bán dầu trong các thương vụ đại diện cho chính quyền dưới thời tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Hai đồng phạm khác của Zanjani cũng bị kết án tử với nhiều tội danh khác nhau, trong đó có rửa tiền.
Câu chuyện của người bán da cừu
Bản án của Zanjani được truyền thông thế giới đặc biệt chú ý trong hai ngày qua. Có hai lý do chính: (1) Babak Zanjani là một nhân vật đặc biệt, có thể không mấy tốt đẹp nhưng đặc biệt; (2) sự sụp đổ của một “tượng đài” thành đạt đánh dấu cột mốc một giai đoạn mới – Iran hậu cấm vận.
Babak Zanjani là một điển hình cho mẫu người thành đạt vươn lên từ tầng lớp trí thức bình thường của xã hội, tốt nghiệp một trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ. Sinh ra tại thủ đô Tehran, Zanjani bắt đầu sự nghiệp với công việc mua bán da cừu vào thập niên 1980.
Năm 1999, Zanjani kiếm được công việc lái xe cho thống đốc Ngân hàng trung ương Iran và bắt đầu nhảy vào lĩnh vực quy đổi tiền tệ. Nhưng tiếng tăm và tài sản của Zanjani chỉ bắt đầu nổi lên kể từ khi doanh nhân này giúp Chính phủ Iran lách cấm vận để bán dầu thô ra nước ngoài.
Zanjani dùng một mạng lưới phức tạp các pháp nhân đăng ký tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia để bán ra hàng triệu thùng dầu và thu tiền về cho Chính phủ Iran từ năm 2010. Để làm được việc này dưới lệnh cấm vận của phương Tây là một điều không dễ dàng.
Vì thế ở tuổi 39, Zanjani đã sở hữu khối tài sản ước tính 14 tỉ USD. Đế chế Sorinet Group của Zanjani kiểm soát một mạng lưới toàn cầu hơn 60 công ty thuộc nhiều lĩnh vực, từ mỹ phẩm, xây dựng, ngân hàng đến hàng không.
Vào thời huy hoàng, nhà tỉ phú Zanjani tự nhận mình là “anh hùng”, một “chiến sĩ kinh tế” của Cách mạng Hồi giáo, người ra tay giải cứu đất nước khi Iran không thể bán ra một giọt dầu. Nhưng có một điều Zanjani khi đó không hay biết là con đường đi lên làm giàu kiểu này sẽ dễ dẫn thẳng đến… án tử (ít ra là tại Iran).
Không chỉ bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho vào danh sách đen vì hoạt động mua bán mờ ám, Zanjani còn bị chính phủ tổng thống Mahmoud Ahmadinejad “để ý” vì sự giàu lên đột ngột. Rồi đến khi nhà lãnh đạo ôn hoà Hassan Rouhani lên nắm quyền năm 2013, Zanjani chính thức bị “sờ gáy” trong một chiến dịch chống tham nhũng cấp cao.
Báo hiệu một thay đổi
Thông cáo về bản án dành cho Zanjani của tòa án Iran có đoạn: “Toà công nhận tư cách ba bị cáo là “những kẻ suy đồi trên trần gian” và tuyên họ án tử hình”. Cụm từ “kẻ suy đồi” trong luật Sharia của Hồi giáo là rất nặng, chỉ dành cho những tội ác gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và hình phạt thường là tử hình.
Các luật sư của Zanjani luôn một mực bác bỏ mọi cáo buộc đối với thân chủ của mình. Họ tuyên bố nếu được thả khỏi tù và được trao lại quyền điều hành doanh nghiệp, Zanjani sẽ trả lại toàn bộ số tiền còn thiếu nhà nước. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kịch bản này khó xảy ra, nhất là sau khi án tử đã được tuyên.
Zohreh Rezalee, một luật sư bào chữa cho Zanjani, khẳng định vụ án đã bị chính trị hóa. “Chúng tôi tin Babak Zanjani trong trường hợp này chỉ là một cá nhân bị mắc nợ”, vị luật sư tranh cãi và cho biết sẽ kháng án. Thật ra, trước Zanjani, Iran đã xử tử nhiều cá nhân giàu có với cùng những tội danh. Năm 2014, tỉ phú Mahafarid Amir Khosravi, cũng là một doanh nhân, bị treo cổ vì tội biển thủ hàng tỉ USD.
Đài BBC nhận định bản án của tỉ phú Zanjani có thể dẫn đến những tác động rộng lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế Iran chứ không chỉ riêng cá nhân nhà doanh nghiệp.
Trong thời kỳ dính cấm vận, rất nhiều doanh nghiệp Iran, giống Zanjani, tìm đủ đường lách để làm ăn. Và giờ đây rất nhiều hoạt động kinh doanh đó có khả năng rơi vào “vùng xám” bị điều tra. Điều này cũng đồng nghĩa án tử hình của Zanjani chưa phải là cuối cùng.
Lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran chính thức được dỡ bỏ hồi tháng 1-2016 sau khi quốc tế xác nhận Tehran đã chấp hành đầy đủ những điều khoản không phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh từng lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tránh làm ăn với các đầu mối trung gian, những kẻ ông mô tả là “lũ ký sinh trùng tham nhũng”. Có thể hiểu động thái mới nhất của Tehran là “diệt ký sinh trùng”?
Mỗi năm kiếm 6-7 tỉ USD Vụ xử Zanjani được xem là vụ xử công khai hiếm hoi và kéo dài nhiều tháng. Trong phiên xử, tỉ phú nhiều lần nói cho ông ta một tài khoản ở nước ngoài thì ông ta sẽ bỏ tiền túi trả nợ nhà nước. Thế nhưng điều đó không thực hiện được, theo như phản ảnh của luật sư của Zanjani, là do ngân hàng nước ngoài theo chỉ định của Bộ Dầu mỏ Iran không chịu thực hiện vụ chuyển tiền. Theo quảng bá của trang mạng tập đoàn mà Zanjani sở hữu, doanh thu của tập đoàn này lên đến 6-7 tỉ USD/năm. |