25/12/2024

Thấy gì từ thông điệp của Donald Trump?

Trong bài viết cho Thanh Niên giới thiệu độc quyền, Giáo sư ĐH Harvard Joseph S.Nye cho rằng những phát biểu của Donald Trump trong lúc tranh cử là mối nguy đối với nước Mỹ.

  

Thấy gì từ thông điệp của Donald Trump?

 

Trong bài viết cho Thanh Niên giới thiệu độc quyền, Giáo sư ĐH Harvard Joseph S.Nye cho rằng những phát biểu của Donald Trump trong lúc tranh cử là mối nguy đối với nước Mỹ.





Donald Trump tại một buổi vận động tranh cử - Ảnh: Reuters

 

 

Donald Trump tại một buổi vận động tranh cử – Ảnh: Reuters

 


Thế dẫn đầu của Donald Trump trong cuộc bầu chọn ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà khiến nhiều người thất kinh.
Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa hiện lo sợ ông ta không thể đánh bại Hillary Clinton, người rất có khả năng là ứng viên của đảng Dân chủ. Nhưng một số nhà quan sát lại lo lắng hơn về viễn cảnh Trump trở thành tổng thống. Một số thậm chí xem Trump như là một Mussolini tiềm tàng của nước Mỹ.
Ý nghĩa của sự lãnh đạo
Bất chấp mọi vấn đề, nước Mỹ ngày nay không phải là nước Ý năm 1922. Cơ chế kiểm soát và đối trọng của hiến pháp, cùng với hệ thống pháp luật công bằng, chắc chắn sẽ kiềm chế được ngay cả một gã bầu sô truyền hình thực tế. Mối nguy thật sự không phải là việc Trump sẽ làm những gì ông ta nói nếu vươn đến được Nhà Trắng, mà là tổn hại gây ra bởi những gì ông ta phát biểu trong cuộc hành trình đến đó.
Các lãnh đạo được đánh giá không chỉ dựa trên tính hiệu quả trong những quyết định của họ, mà còn dựa trên ý nghĩa được họ tạo ra và truyền bá cho người ủng hộ. Sau Thế chiến 2, trong đó nước Đức tiến hành xâm lược nước Pháp lần thứ 3 trong vòng 70 năm, nhà lãnh đạo người Pháp Jean Monnet cho rằng việc trả thù một nước Đức bại trận sẽ tạo ra một thảm kịch khác. Thay vào đó, ông nghĩ ra một kế hoạch phát triển các thiết chế là nền móng cho Liên minh châu Âu.
Hãy nhìn một tấm gương khác về phong cách lãnh đạo vĩ đại. Nelson Mandela có thể dễ dàng định nghĩa nhóm của ông là một tổ chức của người Nam Phi da đen và tìm cách báo thù cho nhiều thập niên bất công của chế độ Apartheid và quãng thời gian ngồi tù của chính ông. Nhưng ông không làm vậy, thay vào đó ông làm việc không mệt mỏi để nêu gương cho những người ủng hộ bằng cả lời nói và hành động.
Trong một cử chỉ mang tính biểu tượng nổi tiếng, ông xuất hiện trong một trận bóng bầu dục, mang chiếc áo đấu của đội tuyển Nam Phi Springboks, đội bóng từng là biểu trưng cho thuyết da trắng thượng đẳng ở Nam Phi. Trái ngược với những nỗ lực của Mandela là cách tiếp cận hẹp hòi của Robert Mugabe ở nước Zimbabwe kế bên. Mugabe khai thác những mối căm phẫn thời thuộc địa để gầy dựng sự ủng hộ và hiện trông cậy vào vũ lực để duy trì quyền lực.
Tấm gương xấu
Tại nước Mỹ ngày nay, trong khi kinh tế đang tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 4,9%, nhiều người cảm thấy bị gạt ra ngoài sự thịnh vượng của quốc gia. Nhiều người đổ lỗi cho người ngoại quốc về sự bất công trong vài thập niên qua, và việc tập hợp phong trào phản đối nhập cư cũng như toàn cầu hoá là điều dễ dàng.
Trong một thế giới toàn cầu hoá, một người có thể thuộc về nhiều cộng đồng – địa phương, quốc gia và quốc tế – chồng chéo lên nhau nhờ internet và hoạt động đi lại giá rẻ. Các nhóm hoạt động, từ nhà bảo vệ môi trường đến kẻ khủng bố, cũng kết nối xuyên biên giới. Chủ quyền không còn là tuyệt đối như từng có. Các lãnh đạo tốt ngày nay thường bị mắc kẹt giữa khuynh hướng quốc tế của họ và những nghĩa vụ truyền thống hơn là đối với người dân đã bầu ra họ – như Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cay đắng nhận ra sau khi đưa ra quyết sách dũng cảm trong cuộc khủng hoảng tị nạn vào mùa hè năm ngoái.
Nếu một nhà lãnh đạo nói rằng ông ta có nghĩa vụ san bằng cách biệt thu nhập toàn cầu thì đó không phải là một nghĩa vụ đáng tin cậy, nhưng nếu ông ta nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm đói nghèo, bệnh dịch và cứu giúp những người có nhu cầu thì điều này có thể giúp huấn thị những người ủng hộ.
Đề xuất của Trump cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ và yêu cầu Mexico phải trả tiền xây dựng bức tường ngăn người nhập cư khó có thể vượt qua được rào cản hiến pháp và chính trị nếu ông ta trở thành tổng thống. Nhiều đề xuất của ông ta không phải là chính sách để thực thi, mà chỉ là khẩu hiệu đặt ra để lôi kéo tâm tính dân tuý hẹp hòi trong một bộ phận dân chúng.
Xét đến sự thiếu vắng nòng cốt ý thức hệ và sự tôn sùng của ông ta đối với “nghệ thuật đàm phán”, Trump có lẽ sẽ trở thành một tổng thống thực dụng. Nhưng các lãnh đạo tốt giúp chúng ta định nghĩa mình là ai. Về mặt này, Trump đã thất bại.
Trump và Clinton vẫn dẫn đầu
Donald Trump và Hillary Clinton tiếp tục giữ vững vị trí ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử sơ bộ ngày 5.3 (giờ Mỹ).
Cụ thể, Trump giành chiến thắng ở hai bang Louisiana và Kentucky, nâng tổng số bang mà ông giành được sự ủng hộ lên 12 bang. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Ted Cruz vẫn nỗ lực bám đuổi Trump với các chiến thắng ở Kansas và Maine.
Ở phía đảng Dân chủ, bà Clinton có chiến thắng thứ 11 khi giành được sự ủng hộ ở bang Louisiana nhưng lại thất bại trước thượng nghị sĩ Bernie Sanders ở hai bang Kansas và Nebraska.

Joseph S.Nye 
(Giáo sư ĐH Harvard)