24/01/2025

Xử nghiêm nhà băng ‘đi đêm’ lãi suất

Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào.

 

Xử nghiêm nhà băng ‘đi đêm’ lãi suất

 


Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào.




Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên ngày 4.3, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Bùi Quốc Dũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào.
Treo bảng lãi suất 7,8%/năm nhưng với khoản tiền lớn ngân hàng vẫn chào lãi suất lên tới hơn 8%/năm - Ảnh: Ngọc Thắng

Treo bảng lãi suất 7,8%/năm nhưng với khoản tiền lớn ngân hàng vẫn chào lãi suất lên tới hơn 8%/năm – Ảnh: Ngọc Thắng

Đua lãi suất chỉ để PR
* Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng (NH) đột ngột tăng mạnh lãi suất (LS) huy động, đặc biệt ở các kỳ trung và dài hạn lên hơn 8%/năm? Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
– Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy 2 tháng đầu năm nay có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng với mức tăng bình quân từ 0,1 – 0,2%/năm, trong khi có 6 TCTD lại giảm, bình quân từ 0,1 – 0,3%/năm. Vì vậy, mức LS huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 – 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 – 7,2%/năm. Kết quả đó cho thấy, việc tăng LS huy động không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau tết. 



Xử nghiêm nhà băng ‘đi đêm’ lãi suất - ảnh 2
Chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí và người dân nếu nắm bắt được trường hợp vi phạm, cung cấp thông tin và tài liệu liên quan để Ngân hàng Nhà nước thực hiện xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm

Xử nghiêm nhà băng ‘đi đêm’ lãi suất - ảnh 3




* Nhưng rõ ràng các NH như Eximbank, SeABank, OCB đã điều chỉnh biểu LS huy động mới cho kỳ hạn dài (từ 13 tháng trở lên) lên tới 8 – 8,2%/năm, thậm chí NH Việt Á sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm. Theo ông, họ đang đua LS hay muốn làm gì?
– Chúng tôi đánh giá đây chưa phải là cuộc chạy đua. Các TCTD đẩy LS lên cao chủ yếu để thu hút sự chú ý với khách hàng, PR – quảng bá thương hiệu và nắm giữ thị phần nhiều hơn. Trên thực tế, ngoài kỳ hạn dài người gửi phải có khoản tiền rất lớn lên tới hàng chục tỉ đồng, người dân không hề gửi như vậy nên mặt bằng LS gần như không thay đổi. Đó là yếu tố thứ nhất. Thứ hai, trên phương diện chi phí vốn và thu nhập, qua theo dõi chúng tôi thấy hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi, điều này đồng nghĩa với mặt bằng LS không tăng.
* Có ý kiến cho rằng, các TCTD đang đua hút vốn trung – dài hạn để đối phó với dự thảo Thông tư 36 (giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%) và dự trù thanh khoản?
– Việc giảm tỷ lệ là có, nhưng NHNN vẫn đang dự thảo. Còn về vĩ mô, áp lực thanh khoản, lãi suất là có. Bởi thứ nhất, lạm phát năm nay dự kiến 3 – 4%, không phải quá cao nhưng rõ ràng cao so với năm trước. Thường điều hành LS bám rất sát lạm phát mục tiêu, do đó có những áp lực nhất định.
Thứ hai, tăng trưởng GDP năm nay 6,7% cao hơn 6,68% của năm trước. Khi tốc độ năm sau cao hơn năm trước sẽ dồn tích nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Khi cầu vốn tăng, đồng thời tiền nhàn rỗi của người dân gửi tiết kiệm sẽ gây áp lực tới cung – cầu vốn, đẩy LS lên.
Thứ ba, ngân sách năm nay dự báo tiếp tục khó khăn do giá dầu giảm. Do đó, nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ để bù đắp lớn hơn, năm nay theo kế hoạch là 220.000 tỉ đồng, tăng cao hơn 2015. LS trái phiếu tăng, gián tiếp tác động LS trung và dài hạn huy động trên thị trường. Do đó, các NH phải dự phòng thanh khoản.
Tiếp tục giảm lãi vay trung, dài hạn
* Với áp lực như vậy, liệu rằng mục tiêu giảm LS trung – dài hạn thêm 0,5 – 1%/năm như tuyên bố của NHNN từ đầu năm có khả thi không, thưa ông?
– Theo thống kê của chúng tôi, mặt bằng LS cho vay hiện vẫn ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, lãi cho vay kỳ hạn ngắn phổ biến 6 – 9%/năm, trung và dài hạn 9 – 12%/năm. Phân khúc khách hàng tốt, các TCTD áp dụng 5 – 6%/năm. Tính bình quân LS cho vay là 8,85%/năm.
Như tôi đã phân tích, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD không thay đổi, mặt bằng LS vẫn ổn định và do đó LS cho vay vẫn duy trì ở mức cũ, không bị tác động dù áp lực cũng rất lớn. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.
NHNN cũng sẽ điều hành lãi suất liên NH ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng LS huy động và cho vay của các TCTD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, cùng mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng LS trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.
* Ngoài các giải pháp kỹ thuật, NHNN sẽ làm gì nếu các TCTD đi đêm, vượt rào LS? Trên thực tế hiện tượng này đang diễn ra ở một số nhà băng?
– Hiện nay, Vụ Chính sách tiền tệ cùng các đơn vị chức năng đang theo dõi sát việc thực hiện trần LS huy động. Chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí và người dân nếu nắm bắt được trường hợp vi phạm, cung cấp thông tin và tài liệu liên quan để NHNN thực hiện xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm. Tới đây, thanh tra của NHNN cũng sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề tại các TCTD về vấn đề này. Họ có thể sẽ cải trang, vào vai khách hàng để kiểm tra.
Ý kiến
Chỉ là tác động tâm lý
Tôi cho rằng, diễn biến cuộc đua LS thời gian qua chỉ mang tính tâm lý và thời điểm. Nguyên nhân, các tháng đầu năm có một loạt dự án, phương án sản xuất kinh doanh được giải ngân nên cầu vốn tăng hơn. Bên cạnh đó, thông tin sửa đổi Thông tư 36, giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 40% tác động tâm lý tới thị trường.
TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt
Nếu đua quá nóng phải siết lại
Theo tôi, không phải các NH khó khăn thanh khoản hay chịu áp lực thiếu vốn. Chủ yếu họ chạy trước đón đầu Thông tư 36 sửa đổi, cơ cấu lại nguồn vốn gia tăng các kỳ hạn dài để đáp ứng tỷ lệ theo quy định. NHNN nên tính toán thận trọng, nguồn vốn tín dụng vừa mới được lưu thông, không nên siết chặt quá. Cần phải có lộ trình phù hợp để dòng tín dụng chảy được vào nền kinh tế. Thời gian tới cần theo dõi sát diễn biến, nếu nhà băng nào vượt rào, lách quy định phải xử phạt thật nghiêm.
TS Cao Sĩ Kiêm – Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc NHNN


 

 

Anh Vũ 
(thực hiện)