24/01/2025

Sài Gòn Safari sẽ được hồi sinh

Tại buổi làm việc với UBND H.Củ Chi (TP.HCM) mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tại TP phải tiến hành xử lý và ‘tháo treo’ nhiều dự án trên địa bàn, trong đó có dự án Sài Gòn Safari đã ‘treo’ hơn 10 năm nay phải được xử lý trong 6 tháng.

 

Sài Gòn Safari sẽ được hồi sinh

 

Tại buổi làm việc với UBND H.Củ Chi (TP.HCM) mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tại TP phải tiến hành xử lý và ‘tháo treo’ nhiều dự án trên địa bàn, trong đó có dự án Sài Gòn Safari đã ‘treo’ hơn 10 năm nay phải được xử lý trong 6 tháng.





Dự án bỏ hoang mấy năm nay, người dân tận dụng trồng rau, chăn thả gia súc - Ảnh: D.Đ.Minh

 

Dự án bỏ hoang mấy năm nay, người dân tận dụng trồng rau, chăn thả gia súc – Ảnh: D.Đ.Minh


Điển hình cho các dự án treo có quy mô lớn tại TP.HCM là dự án Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 485 ha nằm tại địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi. Dự án được giới thiệu là Công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất VN, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
“Treo” hơn 10 năm
Tuy nhiên, dù được cấp phép từ năm 2004 nhưng đến nay, sau hơn 10 năm dự án vẫn chỉ ở tình trạng dở dang hoang hóa. Hiện nay dự án công viên Sài Gòn Safari đã được TP hoàn tất công tác rà phá bom mìn, xây dựng được gần 92% hạng mục hàng rào, đã chi hết gần 600 tỉ đồng tiền đền bù giải toả, đã chi trả bồi thường hỗ trợ giải toả được 686/705 hộ dân trong vùng dự án và đã bàn giao được hơn 400 ha đất sạch cho TP.
Nguyên nhân khiến dự án này vẫn chưa thể triển khai vì chậm giải phóng mặt bằng. Việc dự án chậm triển khai đã dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm đất diễn ra phức tạp. Ngoài ra, việc tìm kiếm một nhà đầu tư có tiềm lực, nguồn vốn và kinh nghiệm để triển khai dự án cũng là một thách thức.
Ngoài những căn nhà bị đập bỏ dang dở, bên trong khu đất rộng hàng trăm héc ta chưa có hạng mục nào của dự án công viên Sài Gòn Safari được xây dựng. Nhiều người dân tại ấp Bầu Đưng, xã An Nhơn Tây, cho biết hàng trăm héc ta đất nằm trong quy hoạch công viên Sài Gòn Safari bị bỏ hoang suốt hơn 10 năm qua khiến ai cũng xót và không biết đến bao giờ dự án mới được khởi công. Trước tình trạng đất bỏ hoang, nhiều người dân đã tận dụng đất trồng rau, chăn thả gia súc… Khi chúng tôi gặp gỡ người dân, đa số họ đều có nguyện vọng nếu dự án không thực hiện được thì TP nên trả đất lại cho người dân canh tác, chứ để đất hoang hơn chục năm trời quá lãng phí.
Theo một báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM gửi UBND TP gần đây, khu công viên Sài Gòn Safari này có 9 phân khu gồm: trung tâm hành chính, công viên chuyên đề, khu nuôi thả động vật hoang dã ban ngày, khu nuôi thả động vật ban đêm, vườn thú mở, vườn sưu tầm động vật, khu hạ tầng, khu hội nghị và bảo tàng, khu nhân giống bảo tồn và dự phòng phát triển.
Mới đây dự án này được Tổng công ty du lịch Sài Gòn đã cùng Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV ký biên bản thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Safari để thực hiện dự án với vốn điều lệ 300 tỉ đồng cho một số hạng mục giai đoạn 1 của dự án. Trong đó, Saigontourist góp 40% và hai đơn vị còn lại mỗi đơn vị góp 30% vốn. Dự án được TP thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư các hạng mục bằng ngân sách nhà nước với tổng chi phí đến nay gần 600 tỉ đồng nên việc lựa chọn nhà đầu tư tiếp tục tham gia đầu tư sắp tới dự kiến sẽ thực hiện theo quy định về đấu thầu hoặc đấu giá khu đất.
6 tháng phải xong
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, cho biết dự án này có hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng. Từ năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất nhưng đến nay dự án vẫn chậm triển khai, dẫn đến có tình trạng tái lấn chiếm, tạo dư luận bức xúc trong nhân dân. “Huyện rất mong muốn dự án sớm hoàn thành để tránh gây lãng phí quỹ đất đã thu hồi của người dân”, ông Phú nói.
Cũng trong năm 2015, trước bức xúc của người dân, đặc biệt là những hộ gia đình bị thu hồi đất, Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân đã họp các sở ngành liên quan và UBND H.Củ Chi để tìm hướng giải quyết cho dự án mang tầm cỡ khu vực và thế giới này. Cụ thể, TP yêu cầu Chánh thanh tra TP chủ trì làm việc với các đơn vị có trách nhiệm thực hiện dự án để xem xét lại toàn bộ nội dung khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại và kết quả giải quyết; đồng thời Thanh tra TP cũng được giao kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai dự án, để tình trạng tái lấn chiếm đất diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, trên thực tế dự án vẫn giậm chân tại chỗ.
Một lãnh đạo Sở Quy hoạch -Kiến trúc TP cho biết nguyên nhân khiến dự án này chậm triển khai bởi công tác giải phóng mặt bằng quá chậm. Ngoài ra chưa tìm được đối tác thích hợp với nguồn lực tài chính đủ mạnh. Trong đó khâu yếu nhất là tài chính, nên hiện nay nếu tìm nguồn tài chính khả thi là dự án có thể triển khai ngay vì mọi thứ đã sẵn sàng.
Vừa qua, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo lãnh đạo TP phải có mọi biện pháp xử lý quyết liệt các dự án còn treo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đối với dự án 500 triệu USD Safari Củ Chi, ông Thăng ra “tối hậu thư” phải đạt được những tiến triển nhất định trong 6 tháng tới. Chính quyền TP cần rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, chỗ nào sử dụng không hiệu quả, số tiền thu được thấp thì thu hồi lại để chuyển đổi công năng.
“Nghe thông tin Vingroup vào (đầu tư dự án trên – PV) thì rất mừng vì họ đã có kinh nghiệm triển khai dự án Safari ở Phú Quốc và có tiềm lực tài chính mạnh”, một lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho hay. Sở Kế hoạch – Đầu tư cũng đánh giá Công ty cổ phần Vinpearl là đơn vị có kinh nghiệm trong đầu tư khai thác các khu du lịch, vui chơi giải trí, chẳng hạn như Khu du lịch Hòn Ngọc Việt tại Nha Trang, và doanh nghiệp này cũng khẳng định có đủ năng lực tài chính để đầu tư đồng bộ cả dự án. Tuy nhiên, vấn đề này hiện cũng chỉ ở mức đề xuất.

Đình Sơn – Tân Phú