24/01/2025

‘Mù mờ’ trong quản lý Petrolimex

Dù kết luận của Thanh tra Chính phủ khá chi tiết, đầy đủ nhưng bộ Tài chính, Công thương cũng như Petrolimex vẫn bất đồng nhiều quan điểm liên quan đến kết luận thanh tra, đặc biệt là về trách nhiệm quản lý Petrolimex của liên bộ.

 

‘Mù mờ’ trong quản lý Petrolimex


Dù kết luận của Thanh tra Chính phủ khá chi tiết, đầy đủ nhưng bộ Tài chính, Công thương cũng như Petrolimex vẫn bất đồng nhiều quan điểm liên quan đến kết luận thanh tra, đặc biệt là về trách nhiệm quản lý Petrolimex của liên bộ.



 


Việc quản lý giá xăng bị cho là có nhiều lỗ hổng - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Việc quản lý giá xăng bị cho là có nhiều lỗ hổng – Ảnh: Ngọc Thắng


Bộ chủ quản vẫn… bênh
Cụ thể theo Thanh tra Chính phủ, thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15.10.2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong thời gian từ tháng 1.2010 đến tháng 6.2013 khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ, Petrolimex và liên bộ Tài chính – Công thương đã đưa chi phí vận tải và bảo hiểm vào giá cơ sở theo mức cố định cao hơn chi phí thực tế 67,641 triệu USD, dẫn đến tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, quá trình thu thập và tính toán dữ liệu thanh tra không tính toán một số chi phí khác như chi phí lưu thông hay chi phí hao hụt khi nhập xăng, dầu từ nước ngoài về đến VN, như vậy là chưa đầy đủ dẫn tới chi phí thực tăng cao.
Về việc công bố giá xăng dầu thế giới nhập khẩu, theo quan điểm của thanh tra “trong quý 1/2010 liên bộ không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới để các thương nhân đầu mối sử dụng trong việc tính toán, xác định giá cơ sở xăng dầu là chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách trong Nghị định 84”. Bộ Tài chính phản bác thông tin này và cho rằng theo quy định tại Nghị định 84 và thông tư hướng dẫn liên bộ ban hành có quy định công khai giá thế giới làm căn cứ tính giá cơ sở. Bộ này đã phối hợp cùng Bộ Công thương thực hiện công bố theo giá Platts nhập khẩu từ Singapore.
 
 
'Mù mờ' trong quản lý Petrolimex - ảnh 1
Đáng trách hơn nữa là cơ quan quản lý nhà nước, mà trực tiếp là liên bộ Công thương – Tài chính, trong nhiều năm liền buông lỏng kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp sai phạm thì không thể chấp nhận được. Phải xử lý thật nghiêm

'Mù mờ' trong quản lý Petrolimex - ảnh 2
 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
 

Hay kết luận Petrolimex chưa chấp hành nghiêm việc điều chỉnh giá bán xăng dầu theo Nghị định 84 trong quý 1/2010, Bộ Tài chính thừa nhận nội dung này, nhưng đưa ra quan điểm thanh tra phải nói hai chiều. Bởi cũng trong giai đoạn đó, có thời điểm Petrolimex phải tăng giá xăng nhưng tăng không kịch trần để bình ổn giá. Do đó, để cân đối đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định nên tập đoàn chưa giảm giá khi liên bộ có quyết định.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công thương không trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công thương khi không thực hiện đúng chức năng quản lý theo Nghị định 84 như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tự tung tự tác
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, với vị trí thống lĩnh thị trường và nhiều ưu thế khác của Petrolimex, việc tập đoàn này bán giá nội bộ chưa tuân thủ quy định như liên bộ Tài chính – Công thương điều hành không chỉ dễ phát sinh tiêu cực như kết luận thanh tra, mà còn dẫn đến cạnh tranh thiếu bình đẳng cho các công ty xăng dầu nhỏ hơn. Đơn cử trường hợp giá xăng tăng nhưng công ty mẹ lại giảm giá vốn bán cho công ty thành viên thì phần lợi nhuận công ty con được hưởng cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. “Về lý thuyết, công ty mẹ chấp nhận lỗ để công ty con hưởng lợi, tuy nhiên thực tế lỗ – lãi như thế nào trong trường hợp này cần phân tích và giám sát kỹ”, ông này chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, dư luận từng bức xúc về chuyện Petrolimex tăng nhanh, giảm chậm giá xăng, kêu lỗ nhưng cuối năm, doanh nghiệp luôn công bố số lãi hàng nghìn tỉ đồng. “Qua kết luận của thanh tra cũng phải đặt lại câu hỏi những vấn đề như hạch toán chi phí sai so với thực tế, hay áp dụng định mức vùng không đúng quy định… phải chăng đã giúp Petrolimex lãi đậm thời gian qua”, ông Hồ nêu vấn đề.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng: “Với những vi phạm trên của Petrolimex đã được kết luận, trước hết phải “gõ” vào liên bộ Tài chính – Công thương vì đây là hai bộ quản lý trực tiếp Petrolimex. Quản lý các doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex có tính độc quyền tự nhiên, lại là doanh nghiệp lớn kinh doanh mặt hàng chiến lược phải thực sự minh bạch, công tâm và có trách nhiệm lớn. Cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ Công thương với tư cách bộ chủ quản cũng như Bộ Tài chính với trách nhiệm quản lý giá lại để xảy ra mập mờ trong cách tính giá cơ sở, định mức hao hụt tại Petrolimex kéo dài nhiều năm”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để đòi lại công bằng cho người tiêu dùng cần phải làm rõ và xử lý nghiêm những người có liên quan đã để Petrolimex tự tung tự tác mắc nhiều sai phạm. “Một doanh nghiệp thuộc nhà nước thay vì đưa ra phương án kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận lại đi mua giá xăng nước ngoài cao hơn giá chào mua, nâng chi phí cao hơn chi phí thực tế khiến giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng bị đắt thì tôi thật không thể hiểu nổi. Nhưng đáng trách hơn nữa là cơ quan quản lý nhà nước, mà trực tiếp là liên bộ Công thương – Tài chính, trong nhiều năm liền buông lỏng kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp sai phạm thì không thể chấp nhận được. Phải xử lý thật nghiêm”, ông Long đề nghị.

Anh Vũ – Mai Hà