01/11/2024

Giải pháp trên Biển Đông của Singapore: mới mà cũ

Đề xuất của Singapore mới đây nhân chuyến làm việc của Bộ trưởng ngoại giao Vivian Balakrishnan tại Bắc Kinh là một nỗ lực rất cụ thể và quyết tâm của Singapore nhằm tạm tháo ngòi nổ xung đột trên Biển Đông.

 

Giải pháp trên Biển Đông của Singapore: mới mà cũ

 

 

Đề xuất của Singapore mới đây nhân chuyến làm việc của Bộ trưởng ngoại giao Vivian Balakrishnan tại Bắc Kinh là một nỗ lực rất cụ thể và quyết tâm của Singapore nhằm tạm tháo ngòi nổ xung đột trên Biển Đông.

 

 

 

 

Giải pháp trên Biển Đông của Singapore: mới mà cũ
Một chiếc MH-60 Sea Hawk đang tiếp nhiên liệu trên biển Đông – Ảnh: Navylive

Đề xuất này thật ra là một ứng dụng của “Bộ quy tắc ứng xử trong những trường hợp đối đầu không lường trước trên biển” (CUES) mà Mỹ và Trung Quốc, trên “lý thuyết”, đang tuân thủ từ năm 2015.

CUES là một thoả thuận của 21 nước nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ đụng độ trên biển do cách hành xử không phù hợp của các thuỷ thủ đoàn và để nhằm ngăn không cho sự cố, một khi lỡ xảy ra, không được leo thang biến thành xung đột, thậm chí chiến tranh, chỉ vì mỗi bên cân nhắc sai tình hình.

Tiến trình đi đến thỏa thuận này mất đến 10 năm kể từ khi được đề xuất, do Trung Quốc lần lượt bác bỏ hết bản dự thảo này đến bản dự thảo khác, cho dù đây chỉ là một thoả thuận tự nguyện chứ không mang tính ràng buộc pháp lý.

Thỏa thuận này đã đạt được sau khi xảy ra vụ hai tàu khu trục lớp 054A và lớp 052C tên Hengshui và Lanzhou tìm cách ép chiến hạm Mỹ USS Blue Ridge thuộc hạm đội 7 hôm 5-5-2014, khiến tàu Mỹ phản ứng một cách tối thiểu bằng việc cho trực thăng MH-60 Sea Hawk lên chụp ảnh tàu chiến Trung Quốc đang vây hãm mình.

Sau vụ đó, hải quân Mỹ yêu cầu hải quân Trung Quốc hãy cư xử “chuyên nghiệp” hơn, thay vì hung hãn không tuân theo một luật hàng hải nào.

Tối thiểu, sau thoả thuận đó, hải quân Mỹ cũng đã bớt bị “kiếm chuyện” hơn, nhất là trong các chuyến tuần tra gần đây nhằm thực thi tự do hàng hải.

Chính do nhìn thấy tác động tích cực của CUES trong “quan hệ” hải quân Mỹ – Trung, có thể cũng sẽ tích cực tương tự trong “quan hệ” hải quân Trung Quốc – ASEAN nên phía Singapore, trong vai trò điều phối viên giữa hai bên trong năm nay, đã nghĩ đến việc áp dụng CUES trên Biển Đông.

Có thể hi vọng gì cho đề xuất của phía Singapore? Tất nhiên, phía Trung Quốc cũng tuyên bố “ầm ừ” rằng để xem, cũng đáng để xem, một câu trả lời hầu như cho có, khi mà bản thân CUES từng được Trung Quốc thoả thuận rồi và trong thực tế các bên tranh chấp trên Biển Đông cũng đều đã thỏa thuận CUES.

Vấn đề là bất cứ một “Tào Tháo” nào cũng sẽ nghi kỵ rằng: trong khi chưa làm cho đàm phán COC (Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông) “nhúc nhích” thêm một chút nào, khi mà DOC (Tuyên bố của các bên về ứng xử Biển Đông) thì không cụ thể và thực chất, biết đâu thiên hạ hè nhau “vác” CUES ra để hi vọng “trói” tàu bè các loại của ta lại, không cho chúng cứ thế mà ép, húc, rượt đuổi tàu bè thiên hạ…

Nhưng không thuận cũng không coi được, do lẽ đã thuận áp dụng CUES với Mỹ rồi, không lẽ với nước nhỏ lại không!

Nếu nhìn lại thấy đã mất 10 năm để đạt thoả thuận CUES ở Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương, thì lần này áp dụng CUES cho các nước ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông e rằng cũng sẽ mất nhiều thời giờ, ngay cả khi thực lòng muốn áp dụng CUES với ASEAN.

Còn nếu đó không phải là ý muốn của những người đang tham vọng thôn tính Biển Đông thì… một CUES chung cho cả Tây Thái Bình Dương cũng đã có rồi, cần gì 
thêm nữa!

CUES là một thoả thuận mà 21 nước gồm Úc, Brunei, Campuchia, Canada, Chile, Trung Quốc, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Tonga, Mỹ và Việt Nam đã cùng nhất trí tại Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương năm 2014.

DANH ĐỨC